Rõ ràng không có ai là người hoàn hảo, nếu đã quyết định trở thành vợ chồng thì mỗi người cần tôn trọng nhau, tìm cách dung hòa sự khác biệt với đối phương. Vội vã rời bỏ một người vì cho rằng họ không hợp với mình để tìm kiếm đối tượng khác. Chắc gì người mới đã thực sự là mảnh ghép hoàn hảo của bạn? Hay thứ bạn thu về chỉ là sự hối hận và tiếc nuối vô vàn?
Khoa (32 tuổi) chia sẻ anh và Xuân có thời gian yêu nhau 2 năm trước khi tiến đến hôn nhân. “Ban đầu tôi ấn tượng bởi sự độc lập, cứng cỏi của cô ấy. Nhưng dần dần tôi nhận ra cô ấy mạnh mẽ và bản lĩnh tới mức mất đi cả sự nữ tính. Điều đó càng thể hiện rõ khi chúng tôi về chung sống dưới một mái nhà”, Khoa kể.
Xuân có tuổi thơ khốn khó khi bố cô mất sớm, một mình mẹ cô vật lộn nuôi nấng 3 ba đứa con khôn lớn, trưởng thành. Ngay từ khi còn là sinh viên, Xuân đã đi làm thêm khắp nơi kiếm tiền trang trải sinh hoạt và đóng học phí. Lớn lên trong cái nghèo và sự chật vật nên Xuân luôn khao khát vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đã quen với khó khăn và vất vả, Xuân không có thói quen dựa dẫm vào người khác, càng không dễ dàng thể hiện sự yếu đuối ra ngoài. Khi quá mệt mỏi hay bế tắc, cô sẽ giấu mình vào một góc để khóc cho thỏa, rồi lại lau nước mắt đứng dậy tiếp tục cố gắng không ngừng.
Chính nét tính cách đó của Xuân đã hấp dẫn Khoa ở những ngày đầu. Cho tới một ngày Khoa chợt nhận ra vị trí của cô thậm chí cao hơn anh, năng lực của vợ được khen ngợi nhiều hơn chồng. Cảm thấy bản thân thua kém và lép vế vợ, anh liền đề nghị Xuân sinh con rồi ở nhà lo việc nhà, nội trợ. Tất nhiên Xuân không đồng ý vì đề nghị của Khoa trái ngược với thỏa thuận trước đám cưới.
“Cô cứ như đàn ông vậy, chẳng bao giờ biết khóc, chẳng biết nói lời ngọt ngào, nũng nịu với chồng. Đã thế còn lao đầu vào làm việc gây dựng sự nghiệp, không làm tốt nghĩa vụ của mình. Đàn bà thì lập nghiệp để làm gì?”, Khoa tức tối nói với vợ như vậy.
Trước những lời trách móc nặng nề của chồng, Xuân quyết định ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với Khoa. Cô đã không ít lần chia sẻ với anh về quan điểm của mình. Hai người thống nhất rõ ràng trước đám cưới cả rồi nhưng đến lúc ấy Khoa lại là người “lật lọng”.
Quan điểm của Xuân là vợ chồng đều cần có sự nghiệp riêng, rồi cùng nhau sắp xếp công việc để vun đắp cho gia đình. Chứ không phân chia đâu là việc của đàn ông, đâu là phận sự của phụ nữ. Kế hoạch sinh con đã được lên rõ ràng, đó là 2 năm sau khi Xuân 29 tuổi. Nhưng Khoa khăng khăng không chấp nhận thỏa thuận ấy nữa.
Sự nghiệp là một phần quan trọng trong cuộc đời Xuân, cô không thể thỏa hiệp vì đàn ông. “Nếu anh kiên quyết không đổi ý thì em nghĩ chúng ta chỉ còn phương án ly hôn”, Xuân nghiêm túc bày tỏ.
Khoa nghe mà càng bất mãn và chán ngán cô vợ “khô như ngói, cứng như đàn ông”. Là một người chồng lại bị vợ đề nghị ly hôn, anh cũng cảm thấy động chạm tự ái nghiêm trọng. Anh tức tối lấy giấy viết đơn, kết thúc cuộc hôn nhân mới kéo dài được 2 năm của họ.
“Sau ly hôn, tôi nhanh chóng tìm kiếm đối tượng tái hôn. Có bài học rút ra từ cuộc hôn nhân trước, lần này tôi quyết tâm phải chọn một người vợ đầy nữ tính, một người phụ nữ đích thực xứng đáng vợ hiền, mẹ đảm và dâu thảo. Sau một năm tìm kiếm, chọn lựa, cuối cùng tôi cũng tái hôn với người phụ nữ đúng như ước nguyện”, Khoa chia sẻ.
Thế nhưng chỉ sau 6 tháng chung sống, Khoa đã nhận ra Quỳnh - vợ mới của anh không hề là người phụ nữ hoàn hảo mà anh mong muốn. Quỳnh có vẻ ngoài nữ tính, tính cách mềm yếu, nũng nịu và mau nước mắt. Vừa trải qua cuộc hôn nhân với cô vợ “như đàn ông”, không nghi ngờ gì Quỳnh chính là mẫu hình lý tưởng mà Khoa khao khát. Song khi về chung nhà anh mới nhận ra sự mềm yếu của Quỳnh nhiều phen khiến anh muốn phát điên.
Tất cả mọi việc từ lớn đến nhỏ Quỳnh đều trông mong và dựa dẫm vào chồng. Không có anh, cô không thể tự giải quyết được rắc rối nào. Cô chỉ biết khóc, ca thán và đòi hỏi chồng phải bảo bọc, lo lắng cho mình.
Lương của Quỳnh đủ mua sắm váy áo, mỹ phẩm, giày dép và chi dùng cho các nhu cầu cá nhân. Quỳnh quan niệm đàn ông phải nuôi được vợ con, mọi chi phí trong gia đình Khoa cần là người chịu trách nhiệm. Cô nàng còn đòi thuê người giúp việc để bản thân được thảnh thơi, nhàn hạ.
Quỳnh sống đúng chuẩn “em chỉ thích yêu anh thôi còn cả thế giới anh tự lo một mình đi nhé”. Khi trước Khoa cảm thấy mình cao lớn, vĩ đại trước vợ bao nhiêu, thỏa mãn với tình cảm ngọt ngào của Quỳnh từng nào thì giờ anh thấy mệt mỏi và nặng gánh bấy nhiêu. Anh chưa phải là đại gia để không cần lo nghĩ đến tiền bạc. Càng ngày anh càng cảm thấy Quỳnh kém cỏi, dựa dẫm, thụ động, không bằng một nửa của Xuân.
Những suy nghĩ ấy lớn dần trong tâm trí Khoa rồi anh buột miệng thốt ra thành lời lúc nào không hay. “Vợ cũ anh như này… như kia…, chẳng như em…” - mẫu câu tương tự Khoa ném vào mặt vợ ngày càng nhiều. Quỳnh uất ức và căm tức vô cùng.
Đến lúc không nhẫn nhịn được nữa, cô nàng quăng một cái tát đau điếng vào mặt chồng rồi tuyên bố thẳng: “Nếu chị ấy tốt thế thì anh hãy về với người ta đi. Hay người ta cũng chẳng thèm đếm xỉa tới anh nữa rồi”. Dứt lời Quỳnh dọn đồ về nhà mẹ đẻ sau khi bỏ lại lá đơn ly hôn.
Chỉ còn lại một mình, Khoa nhớ về Xuân rất nhiều. Nhớ nụ cười bình thản của cô, nhớ những năm tháng yêu đương ngọt ngào giữa hai người. Cho rằng Xuân không hợp với mình nhưng thực tế cuộc hôn nhân thứ hai của anh mới là sai lầm.
Anh cần một người bạn đồng hành xứng đáng chứ không phải người phụ nữ chỉ có tác dụng duy nhất là ve vuốt cái tôi đàn ông trong anh. Song đến giờ Khoa có hối hận thì cũng đã muộn lắm rồi.
Theo Pháp luật và bạn đọc