Doanh nhân Nguyễn Đức An (quốc tịch Mỹ) bị vợ cũ là siêu mẫu Ngọc Thúy nộp đơn kiện đến Tòa án Santa Clara (bang California, Mỹ) vì không tuân thủ và thực thi các lệnh do tòa án Mỹ ban hành liên quan tới trách nhiệm chu cấp cho hai con gái chung sau ly hôn. Theo đó, ông An bị cáo buộc 33 tội vi phạm phán quyết của tòa án Mỹ từ năm 2011 đến 2014.
Ra lệnh bắt vì bất tuân lệnh triệu tập
Phiên xử đầu tiên được tiến hành vào ngày 30-4 vừa qua sau nhiều lần bị dời lịch, ông An đã vắng mặt không lý do.Vì thế thẩm phán của Tòa Thượng thẩm bang California, quận Santa Clara đã ký lệnh bắt giữ ông An với việc ông bất tuân lệnh tòa. Lệnh bắt giữ để hầu tòa có nêu chi tiết nếu muốn bảo lãnh tại ngoại (tiền bail) thì đương sự phải nộp số tiền là 100.000 USD. Lệnh bắt đã được chuyển sang Văn phòng Cảnh sát Liên bang Mỹ.
Nhưng thực tế thì ông An hiện sinh sống ở Việt Nam (VN). Nhiều vấn đề pháp lý đặt ra, trong đó chú ý nhất là có cơ sở thi hành quyết định bắt người của tòa án Mỹ tại VN?
Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) phân tích việc siêu mẫu Ngọc Thúy kiện ông An là một vụ án dân sự. Nhưng sau đó ông An không tuân thủ và thực thi các lệnh của tòa nên theo pháp luật Mỹ thì hành vi này được xem là tội phạm, vụ việc được chuyển sang hình sự.
Về nguyên tắc, cảnh sát Mỹ chỉ có thể thi hành lệnh bắt giữ này khi ông An có mặt trên lãnh thổ Mỹ. Nhưng ông An đang sinh sống và làm việc tại VN nên để thi hành lệnh thì phía Mỹ có thể yêu cầu VN dẫn độ, theo quy định hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện theo điều ước quốc tế mà VN là thành viên. Nếu chúng ta chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước thì được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại.
Đến nay, Mỹ không nằm trong danh sách 24 quốc gia đã ký kết hiệp định song phương về tương trợ tư pháp và dẫn độ với VN. Ông An là người gốc VN nhưng có quốc tịch Mỹ, vì là công dân Mỹ nên ông phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Mỹ. Vì vậy, nếu phía Mỹ có yêu cầu dẫn độ thì cơ quan có thẩm quyền của VN sẽ tiến hành theo nguyên tắc có đi có lại. Nguyên tắc này được hiểu là nếu quốc gia yêu cầu tương trợ tư pháp đã từng thực hiện tương trợ tư pháp theo yêu cầu của VN và khi có yêu cầu từ nước ngoài, VN đáp lại yêu cầu.
Siêu mẫu Ngọc Thúy và ông Nguyễn Đức An. Ảnh: INTERNET
Khó thi hành lệnh bắt tại VN
LS Nguyễn Minh Châu (Đoàn LS TP.HCM) thì cho rằng chỉ khi ông An trở về Mỹ thì mới có thể bị bắt theo lệnh của tòa án Mỹ. Bởi ông An bị ra lệnh bắt vì không tuân theo triệu tập của tòa chứ không phải bị ra lệnh bắt vì không giải quyết tranh chấp vụ án dân sự.
Hiện tại Mỹ và VN chưa ký hiệp ước tương trợ tư pháp về dẫn độ nên lệnh bắt của tòa án Mỹ không đương nhiên được thi hành tại VN. Do đó phải chờ ông An về Mỹ hoặc đến một quốc gia nào đó có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Mỹ. Mặc dù luật VN cho phép thực hiện việc dẫn độ theo yêu cầu của nước khác trên nguyên tắc có đi có lại nhưng việc thực hiện quy định này là không bắt buộc.
Cũng theo LS Châu, ông An có quyền khiếu nại lệnh bắt này bởi đây là quyền cơ bản của công dân mà ở quốc gia nào cũng áp dụng. Cũng giống ở VN, khi một người bị cơ quan nhà nước ra quyết định gây thiệt hại đến quyền lợi của mình thì người đó có quyền khiếu nại.
Trường hợp ông An quay về Mỹ và bị bắt ngay khi đến cửa khẩu thì ông có thể nộp 100.000 USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại (theo như quy định trong lệnh bắt) để chờ ngày ra tòa xét xử. Ông An sẽ thực hiện quyền khiếu nại của mình tại phiên tòa này.
LS Đoàn Văn Thành (Đoàn LS TP.HCM) cũng đồng tình, cho rằng nguyên tắc có đi có lại khó thực hiện. Vì nó thường liên quan truy nã quốc tế, nếu Mỹ có yêu cầu VN hỗ trợ bắt giữ người đã thực hiện hành vi vi phạm trên đất nước Mỹ rồi trốn sang VN thì mới xem xét áp dụng. Trong khi lệnh bắt này chỉ xuất phát từ một tranh chấp dân sự mà do bị đơn không đến theo lệnh của tòa. Nói cách khác, lệnh bắt này chỉ được xem là hình sự khi ông An trở về Mỹ.
Ngoài ra, ở Mỹ, việc bắt giữ đương sự vì hành vi không đến theo lệnh tòa thường áp dụng đối với vụ án có liên quan đến trẻ em. Nhưng phía đương sự bên kia phải có đơn tố cáo những vấn đề làm ảnh hưởng đến quyền lợi trẻ như bị đơn không trợ cấp nuôi con, không cho thăm gặp con…
Ông Nguyễn Đức An nói gì?
Trả lời truyền thông, phía ông Nguyễn Đức An cho rằng ông muốn đợi vụ kiện giữa ông và Ngọc Thúy được tòa án VN phân xử xong rồi mới về hầu tòa án ở Mỹ. Vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn này đã kéo dài tám năm nay vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng.
Ngoài ra, liên quan đến vụ kiện nói trên, ông không nhận được thông báo triệu tập gì từ phía tòa ở Mỹ. Sự việc tòa ra lệnh bắt ông chỉ mới hay tin qua báo chí. Nếu nhận được thông báo của tòa thì ông sẽ đến tòa và đóng tiền tại ngoại 100.000 USD. Ông có LS ở Mỹ và đã ủy quyền cho LS giải quyết sự việc.
Theo Pháp Luật