Bác sĩ Trịnh Hồng Hà công tác tại khoa Nam học một bệnh viện lớn kể về câu chuyện hy hữu mà anh bất đắc dĩ phải chứng kiến.

Đó là trường hợp của bệnh nhân N.T.T (Thạch Thất, Hà Nội). Đây là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mắc bệnh xã hội mà anh từng gặp và điều trị. Cháu T mới 2 tuổi, có cha là N.T.H. Anh H. là người rất yêu thương vợ con và chịu khó giúp vợ trong việc chăm sóc con cái.

Khi cháu T. được 2 tuổi, vợ anh phát hiện ra cháu có dấu hiệu ho kéo dài, cho uống kháng sinh thì không khỏi mà vài ngày sau xuất hiện thêm bệnh lở miệng.

Nghĩ rằng con bị viêm họng và loét miệng do uống kháng sinh gây nóng trong người, vợ anh H. ra sức cho con uống thuốc và ăn những thực phẩm có tính giải nhiệt.

Tuy vậy, cảm thấy thời gian quá lâu mà cháu không khỏi bệnh, anh chị lo lắng đem con đi khám tai mũi họng.

Tại đây bác sĩ không tìm ra nguyên nhân gây loét miệng cho cháu T. nên chỉ định làm xét nghiệm niêm mạc họng. Nhận kết quả xét nghiệm, anh chị tá hỏa vì cháu T. không bị viêm họng mà có vi khuẩn lậu sinh sôi trong vòm miệng.

Hình ảnh khuẩn cầu lậu nhìn qua kính hiển vi (Ảnh minh họa)
Hình ảnh khuẩn cầu lậu nhìn qua kính hiển vi (Ảnh minh họa)

Trong khi vợ anh H. còn ngơ ngác không hiểu vì sao con mình bị mắc bệnh lậu thì anh H là người hiểu rõ nhất nguồn cơn. Biết không thể giấu thêm được nữa, anh đành thú nhận với vợ do ham vui nên nhiều lần theo bạn bè đi đổi gió.

Trong một lần như thế, anh đã mắc bệnh lậu. Khi phát hiện ra, anh giấu vợ điều trị nhưng chưa dứt điểm được căn bệnh.

Biết mình có lỗi với vợ con, anh H. ra sức bù đắp nên rất hay giúp vợ chăm con. Nhưng anh chủ quan mà không biết rằng việc chăm sóc con nhỏ trong khi mình đang khuẩn cầu lậu khả năng lây nhiễm là rất cao.

Việc lây nhiễm khuẩn cầu lậu được các bác sĩ cho biết có thể lây lan thông qua tiếp xúc nếu có vết thương hở hoặc thông qua niêm mạc mà xâm nhập và gây bệnh cho người tiếp xúc.

Trường hợp kể trên được các bác sĩ truy nguyên có lẽ anh H. đã lây vi khuẩn lậu cho con mình khi cắn thức ăn cho cháu nhỏ.

Vợ anh H. vì quá phẫn nộ với chồng lại nghĩ thương con nên nghĩ quẩn, suốt ngày than khóc đòi tự tự đến nỗi anh H. phải nghỉ việc ở nhà chăm con, trông vợ. Cũng may nhờ người thân động viên nên lâu dần chị cũng nguôi ngoai, ráng gắng gượng vì con.

Tâm sự với bác sĩ sau những lần đưa cháu T. đi tái khám, chị nói chưa bao giờ nghĩ gia đình mình lại rơi vào hoàn cảnh éo le đến vậy.

Nghĩ đến cảnh chồng đã đi ra ngoài quan hệ không lành mạnh rồi lại mang bệnh về lây cho con nhỏ, chị phẫn nộ đến nỗi không muốn nhìn mặt chồng. Nhưng nghĩ đến tương lai của con cái, chị cũng phải cố gắng vượt qua để giữ sức khỏe chăm con.

Các bác sĩ cho biết, việc trẻ em bị nhiễm bệnh xã hội không phải là không thể xảy ra. Trẻ có thể nhiễm hoặc chịu hậu quả của những căn bệnh như giang mai, bệnh lậu, sùi mào gà... từ người mẹ trong quá trình mang thai.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ bị lây bệnh xã hội thông qua tiếp xúc bên ngoài trong quá trình sinh hoạt với người thân bị nhiễm bệnh.

Trong trường hợp này, người thân không nên xấu hổ mà giấu bệnh. Cần đưa các cháu nhỏ đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời.



Theo Tri Thức Trẻ