Anh M. - một phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học Bình Trị 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM - phản ánh việc nhiều phụ huynh trong lớp bị ép buộc mua quá nhiều sách vở không cần thiết cho học sinh (HS) mà nhà trường không giải thích lý do. “Chưa khai giảng năm học mà chúng tôi đã phải bỏ ra hơn 700.000 đồng để mua bộ sách lớp 2. Nếu vào năm học chính thức, thêm những khoản như cơ sở vật chất, tiền bán trú, tiền tiếng Anh… thì khổ cho phụ huynh nghèo quá” - anh M. bức xúc.
Vẽ ra đủ loại sách vở
Anh M. cho biết khi đưa con vào nhận lớp, giáo viên chủ nhiệm đưa ra danh sách một loạt sách bài tập cho HS lớp 2, trong đó có Viết đúng viết đẹp (tập 1 và 2) giá 33.000 đồng, luyện tập toán tập 1 và 2 giá 40.000 đồng, chính tả tập 1 và 2 là 24.000 đồng… “Đặc biệt, không hiểu sao mà nhà trường thu tiền sách Anh văn đủ 3 bộ với số tiền lên đến 465.000 đồng. Hay bìa lót vở đến 33.000 đồng. Tôi tính toán, tổng chi phí cho mua sách là 731.000 đồng. Giáo viên chủ nhiệm thông báo cho phụ huynh trong lớp sẽ thu từ ngày 24 đến 27-8” - anh M. ngao ngán.
Phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới Ảnh: Hoàng Triều
Điều phụ huynh thắc mắc là bấy lâu nay, HS đã sử dụng vở trắng có kẻ dòng để trình bày chính tả. Những cuốn vở này cũng do NXB Giáo dục phát hành, nằm trong bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nay sao phải mua thêm?
“Lý do nhà trường đưa ra là HS phải dùng vở trắng, thay vì ô li như trước để làm toán rõ ràng là không thuyết phục. Nếu như thế sao nhà trường không thông báo từ đầu vì có rất nhiều phụ huynh lỡ mua sách bên ngoài phải bỏ đi vì không hợp lệ” - anh M. bức xúc
Rất nhiều phụ huynh phản ánh về những trường hợp tréo ngoe mà các trường tự nghĩ ra để thu tiền. Anh N., phụ huynh HS một trường tiểu học tại quận Thủ Đức, cho biết anh vào nhà sách chọn mua bộ sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam cho con trai học lớp 3 nhưng cô giáo thông báo cuốn tập viết trong bộ sách không hợp lệ, phải mua tập theo mẫu mới. Chưa kể, nhà trường còn gợi ý phụ huynh nên mua bìa bao bán trong trường để phù hợp truyền thống văn hóa của trường.
Chưa chính khóa đã gợi ý học thêm
Trong khi đó, theo nhiều phụ huynh có con học lớp 4 Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp), mới đầu năm, cô giáo chủ nhiệm đã phát cho cả lớp tờ đơn đăng ký học thêm, trong đó kèm tờ giấy vẽ sơ đồ đường đến nhà cô. “Con tôi không thích học thêm nên gia đình không đăng ký cho cháu. Thế nhưng, khi hỏi các phụ huynh khác mới biết hơn nửa lớp đã đăng ký học thêm tại nhà cô” - một phụ huynh cho biết.
Một số phụ huynh có con học tại Trường THCS Tân Sơn (quận Gò Vấp) tỏ ra khó chịu về tình trạng nhà trường mập mờ trong thông báo. Chị H., phụ huynh tại trường này, cho biết ngày tựu trường, con chị được xếp lịch học cả ngày, dù chị không đăng ký cho con học bán trú, cũng không học thêm tại trường. Lúc này, nhà trường cũng không thông báo gì nên nhiều phụ huynh nhầm tưởng học buổi chiều vẫn là chương trình chính khóa. Cho đến nay, khi học được một tuần, nhà trường phát đơn đăng ký học thêm cho từng HS và thông báo các giờ học buổi chiều một tuần qua được tính là học thêm.
Ngày 12-8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã gửi văn bản quy định về tài liệu học tập của HS, các loại sách bài tập và sách tham khảo nhà trường phải thống nhất và thông báo cho phụ huynh, tránh để phụ huynh phải mua lại tài liệu khác gây lãng phí và phiền hà cho phụ huynh.
Đối với vở HS, nhà trường cần hướng dẫn HS sử dụng vở cho hợp lý. Đối với việc sử dụng tập vở HS: Mỗi khối lớp thống nhất sử dụng tối đa 5 quyển vở ô li. Đặc biệt, đối với các khoản thu phải được thông báo và niêm yết công khai và có căn cứ pháp lý, việc thu các khoản nhà trường phải được thực hiện theo đúng quy định, không thu gộp, tập trung vào đầu năm học.
Tuy nhiên, dường như các trường đang phớt lờ quy định của sở.
Nhắc nhở nộp tiền… từ thiện
Chị C., một phụ huynh Trường Tiểu học L.T.V (quận Gò Vấp), cho biết mới làm thủ tục nhập học cho con, nhà trường phát động phong trào quyên góp xã hội từ thiện để giúp đỡ người nghèo, giáo viên chủ nhiệm dán thông báo kêu gọi phụ huynh và các em HS tham gia. Chuyện giáo dục lòng nhân ái cho HS là cần thiết nhưng nhà trường lại kèm theo quy định tiền quyên góp phụ huynh cho vào phong bì, dán lại và ghi tên HS.
Theo chị C., lúc chị đưa con đến trường, nhiều phụ huynh khác phàn nàn có HS đóng 10.000 đồng nên được gợi ý đóng thêm bởi phong bì phải ghi tên nên cô giáo biết và nhắc nhở trực tiếp. Trong khi đó, những phụ huynh đóng 50.000 đồng thì…không sao!
Theo Người lao động