Phim xoay quanh người mẹ đơn thân Lý Nhược Nam (Thái Hoàn Yến), vì một sai lầm cách đây nhiều năm đã vướng phải lời nguyền cổ xưa. Giờ cô phải làm mọi cách để bảo vệ con gái Đóa Đóa (Hoàng Hâm Đình) thoát khỏi tà ác rình rập.
Khi ra mắt, phim thu về 170 triệu Đài tệ, được báo chí nội địa xưng tụng "phim kinh dị đáng sợ nhất".
Incantation (Tựa Việt: Chú Nguyền) gây tò mò từ trước khi ra mắt vì hình tượng của tà thần Đại Hắc Phật Mẫu.
Câu chuyện được kể thông qua những thước phim từ máy quay cầm tay nhằm mục đích đem lại cảm giác đời thường nhất là điểm nổi bật của thể loại giả tư liệu, khiến dòng phim này từ lâu thu hút lượng người hâm mộ nhất định.
Điện ảnh châu Á cũng có những tác phẩm nổi bật thuộc thể loại này, được đánh giá cao nhất có thể kể đến Noroi: The Curse (2007) của Nhật Bản, hay The Medium (2021) của Thái.
Chất liệu hù dọa quen thuộc trên nền phim giả tư liệu
Đặc biệt, khán giả có sự so sánh giữa Incantation và The Medium, do hai tác phẩm có khá nhiều điểm tương đồng.
The Medium (Tựa Việt: Bà đồng) được hợp tác giữa Thái - Hàn, từ bộ đôi đạo diễn Na Hong-jin (The Wailing) và Banjong Pisanthanakun (Shutter). Theo nhà phát hành, phim từng khiến các rạp chiếu ở Thái phải bật đèn cho khán giả… đỡ sợ, vì những cảnh quay mô tả người bị ma ám chân thực đến rùng mình.
Trong khi đó, Incantation mang lại cảm giác đáng sợ nhờ vào sự hóa thân xuất sắc của dàn diễn viên, từ những góc quay đời thường đến các cú lia máy trong trạng thái hoảng loạn. Đặc sắc hơn, phim còn có một sự kết nối đến khán giả thông qua thủ pháp phá vỡ bức tường thứ 4 đầy ngụ ý, khi Lý Nhược Nam cung cấp các hình ảnh ám thị, kêu gọi người xem đọc chú chúc phúc cùng mình.
Cả hai phim đều lấy nỗi sợ hãi tâm linh bắt nguồn từ các tín ngưỡng quy bái thờ cúng làm chủ đề khai thác. Incantation được dựa trên câu chuyện có thật về một gia đình thuộc giáo phái Linh Sơn ở Cổ Sơn, Đài Loan.
Khi con người trở nên mê tín dị đoan đến một mức độ nào đó, họ sẵn sàng bỏ qua khía cạnh đạo đức và khoa học, bấu víu vào những tín ngưỡng không có giáo lý rõ ràng để cầu bình an trước những điều không thể giải thích của cuộc sống. Từ đó, tai ương ập tới, vì không chỉ thần Phật mới có thể điều khiển con người.
Kỹ xảo và âm thanh chính là điểm nhấn của Incantation. Những lời tụng kinh, trì chú gây ám ảnh người xem ngay từ những phút phim đầu tiên. Bên cạnh đó những âm thanh quái dị vang vọng và bầu không khí u ám trong nhiều cảnh cũng đem lại cảm giác hoang mang, đáng sợ.
The Medium và Incantation cùng chọn khai thác nỗi sợ từ tín ngưỡng thờ thần linh.
Chưa hết, nhân vật Lý Nhược Nam thuộc kiểu người kể chuyện không đáng tin (unreliable narrator), khi bắt khán giả xem những đoạn phim không theo thứ tự, càng làm tăng độ khó lường của phim.
Những hình ảnh đẫm máu và biểu cảm chân thực của dàn diễn viên giúp đẩy nỗi lo âu lên tầm cao mới.
Trong đó, diễn viên nhí Hoàng Hâm Đình diễn tốt cả hai thái cực hồn nhiên khi trò chuyện với mẹ và điên cuồng khi bị Đại Hắc Phật Mẫu thao túng. Mạch phim chậm và cốt truyện dễ đoán có thể làm giảm đi hiệu quả sợ hãi, song khán giả vẫn luôn trong trạng thái bị cuốn vào theo dõi hành trình và kết cục của các nhân vật.
Nhiều lúc, nữ chính cũng khiến khán giả ghê sợ.
Câu chuyện dễ đồng cảm lại là điểm yếu
Phim mở đầu với lời cầu xin giúp đỡ của nhân vật chính. Người xem có thể bắt đầu thắc mắc làm thế nào việc niệm chú có thể "cứu" được bé gái.
Một người mẹ tuyệt vọng sẵn sàng làm mọi thứ để cứu con mình là câu chuyện dễ đồng cảm nhưng vô tình làm lộ ra sự sắp đặt rõ rệt của kịch bản.
Người xem tuy vẫn chưa thể hình dung được sự nguy hiểm của lời nguyền mà các nhân vật đang gặp phải để lý giải hành động của Lý Nhược Nam, nhưng đủ để đánh giá cô là người không đáng tin, và những diễn biến tiếp theo của phim có thể chứng minh điều đó.
Kịch bản phim nặng tính sắp đặt, khiến khán giả tinh ý dễ đoán các tình tiết bất ngờ.
Xuyên suốt tác phẩm, động cơ của Lý Nhược Nam cũng không thực sự rõ ràng. Hành trình của cô nhập nhằng giữa tình yêu thương con vô điều kiện, hay đơn giản chỉ là cảm giác ân hận tội lỗi.
Có thể vì muốn tạo nên sự sợ hãi mơ hồ cho bộ phim mà mạch phim không quá chú tâm khai thác những nhân vật phụ hay đơn giản là khắc họa triệt để Lý Nhược Nam trong vai trò người mẹ. Điều này khiến chất phim trở nên nghiệp dư, vô tình đúng với phong cách mà thể loại giả tư liệu hướng tới.
Sức bật của phim kinh dị xứ Đài
Những năm gần đây, thị trường phim kinh dị Đài Loan cho ra mắt nhiều đề tựa phim đáng chú ý, chứng tỏ thế mạnh của họ không chỉ ở thể loại tâm lý tình cảm.
The Sadness (2021) tạo tiếng vang khi khai thác chủ đề xác sống.
Những bộ phim gây tiếng vang mở đường cho sự thăng hoa của nền phim kinh dị Đài Loan có thể kể đến The Tag-Along (2015) và The Tenants Downstairs (2016), cho đến những Detention (2019), The Sadness (2021) và bây giờ là Incantation. Các chủ đề đậm chất Hollywood như xác sống, trò chơi sinh tử... cũng được các nhà làm phim xứ Đài chạm đến.
Phim kinh dị Đài Loan không ngừng khai thác đa dạng chủ đề và phương thức thể hiện. Các tác phẩm cũng thấm nhuần giá trị của kinh dị châu Á thông qua các câu chuyện và thông điệp rõ ràng, như lời chính đạo diễn Kha Mạnh Dung của Incantation: “Kinh dị châu Á không chỉ là máu me ghê gớm. Nó có một sự mềm mỏng. Nó khiến bạn sợ hãi nhưng cũng khiến bạn cảm động, thậm chí được chữa lành”.
Theo Zing