Việc này khiến nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội cảm thấy lo lắng về khả năng dịch bệnh Covid- 19 đang rất phức tạp. Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền Hà Nội khẳng định, Thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch, rất chủ động đối phó. 

"Rất có khả năng từ ngày mai số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội sẽ tăng lên 2 con số. Nhưng tôi đề nghị người dân không dao động, hết sức bình tĩnh, tập trung chăm sóc sức khỏe cho mình, người thân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho những người già và trẻ em… Không chủ quan, lơ là, cố gắng ở trong nhà, ít ra đường càng nhiều càng tốt" - Chủ tịch Hà Nội kêu gọi và “đề nghị hạn chế tối đa lượng xe buýt hoạt động trên các tuyến đường trọng điểm có sinh viên và người lao động đi lại nhiều”. 

Chủ tịch Hà Nội khuyên dân nên ở nhà đến 31/3: Chuyên gia y tế nói gì?-1
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Trước sự việc trên, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (YTDP), Bộ Y tế cho rằng, TP. Hà Nội đã phản ứng tốt đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. 

Cần quyết liệt hạn chế người dân ra đường

PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích: Trong lúc này, Hà Nội có rất đông công dân từ các vùng dịch ở nước ngoài về. Có thể nhận thấy, những nguồn bệnh "xâm nhập" vào nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng thời gian qua thông qua con đường các công dân về nước từ vùng dịch của nước ngoài, hiện con đường này đã xuất hiện một số trường hợp bệnh nhân dương tính với Covid-19 mà chúng ta đã thấy. 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không loại trừ những trường hợp lây lan ở cộng đồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến người dân mắc Covid-19 mà không hề hay biết.

Cho nên việc TP.Hà Nội hạn chế người dân có những tiếp xúc ở bên ngoài, nhất là nơi đông người rất quan trọng, điển hình như lệnh đóng cửa các quán bar, karaoke, games online… các tụ điểm tiếp xúc, tập trung đông người. 

Chủ tịch Hà Nội khuyên dân nên ở nhà đến 31/3: Chuyên gia y tế nói gì?-2
Người dân trên địa bàn quận Cầu Giấy tập thể dục hàng ngày trong công viên.

“Việc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường vào thời gian này rất là hợp lý. Không những vậy, tôi nghĩ rằng chính quyền Hà Nội phải quyết liệt hơn, có những cảnh báo cao hơn nữa trong thời điểm hiện tại. 

Lúc này, chúng ta phải rất hạn chế việc tiếp xúc, đặc biệt là những người già, trẻ em, những người có bệnh nền, nếu không có việc thì không nên đi ra ngoài, vì đi ra ngoài sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao, khi mắc thì triệu chứng rất nặng”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Chủ tịch Hà Nội khuyên dân nên ở nhà đến 31/3: Chuyên gia y tế nói gì?-3
Những người già, trẻ em, đặc biệt là những người có bệnh nền được chính quyền Hà Nội khuyến cáo ở nhà trong nhà, hạn chế đi ra ngoài thời gian này.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, người dân phải chấp hành nghiêm khuyến cáo của người đứng đầu chính quyền Hà Nội. Bởi vì, nếu không chấp hành thì không chỉ có bản thân họ có nguy cơ bị bệnh mà chính họ có thể truyền bệnh cho nhiều người khác, đặc biệt là những người thân trong gia đình.

"Một ca cách nhau 4-5km nhưng nếu không gặp nhau thì sẽ không lây cho nhau, cho nên việc Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, hạn chế đi ra ngoài và tiếp xúc với những người khác… bản chất là như vậy”, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.

Đồng lòng, thực hiện trách nhiệm công dân

Không chỉ vậy, nguyên Cục trưởng Cục YTDP khuyến cáo người dân cần phải khai báo y tế khi có những triệu chứng, biểu hiện của bệnh như sốt, ho, khó thở.

"Vừa rồi Việt Nam đã tổ chức khai báo y tế trên mạng, rất thuận tiện cho người dân thực hiện. Nếu không, người dân có thể khai báo trực tiếp với cán bộ y tế của cơ sở để phát hiện sớm. 

Trong thời điểm này, nếu phát hiện những ca bệnh có thể có trong cộng đồng là một tín hiệu vô cùng quan trọng bởi vì nếu một ca mắc mà tiếp xúc với người khác thì sẽ kéo theo các cấp số nhân, rất phức tạp”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

“Người dân phải tuân thủ chấp hành, đặc biệt là ý thức cộng đồng của người dân phải cao, nếu ý thức kém không chỉ làm hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng lớn cho cộng đồng xung quanh.

Khi số người mắc Covid-19 cao lên, nguy cơ bản thân mình mắc càng lớn hơn. Mỗi người dân phải có ý thức, có trách nhiệm với cộng đồng và chính bản thân mình”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh thêm.

Nguyên Cục trưởng Cục YTDP cũng cho rằng, việc Hà Nội đang tận dụng các cơ sở vật chất trên địa bàn thành phố để trở thành khu cách ly Covid-19 cho người dân từ vùng dịch nước ngoài về TP là rất phù hợp.

"Người dân xung quanh không phải hoang mang về vấn đề này. Chúng ta đã có những quy định thế nào là cách ly tập trung; thế nào là cách ly tại nhà; thế nào là theo dõi sức khỏe. Cơ quan chức năng căn cứ theo mức độ nguy cơ, mức độ lây nhiễm để đặt ra các vấn đề liên quan đến cách ly”.

“Thời gian qua, Bộ Quốc phòng phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức cách ly rất tốt. Chỉ có cách ly mới không cho nguồn bệnh lây sang chỗ khác, đặc biệt là những người từ nước ngoài về là có nguy cơ rất cao, việc này xét nghiệm đã thấy, chúng ta phải tuân thủ”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Chủ tịch Hà Nội khuyên dân nên ở nhà đến 31/3: Chuyên gia y tế nói gì?-4
Người dân trên địa bàn Hà Nội đeo khẩu trang chơi thể thao trong công viên mỗi buổi chiều. 

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhận định, Nhà nước rất quan trọng trong việc chăm lo những người cách ly. Tất nhiên trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay thì việc phải đi cách ly không thể đáp ứng khá giả như ở nhà được. Song, sống trong môi trường cách ly như quân đội cũng rất tốt, bởi bản thân cán bộ, chiến sĩ bộ đội cũng sinh hoạt hàng ngày như vậy, mình phải chấp hành. 

“Trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến như hiện nay, nếu chúng ta không đồng lòng, không thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình thì rất nguy hiểm”, PGS.TS  Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo Dân Việt