Ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát bị cáo buộc chiếm đoạt 767 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh cùng hai con gái là Trần Uyên Phương (42 tuổi) và Trần Ngọc Bích (39 tuổi) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, năm 2019, bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh Đồng Nai) cần tiền để đầu tư Phát triển khu dân cư Minh Thành (gọi tắt: dự án Minh Thành). Do không được ngân hàng chấp thuận cho vay, bà Oanh thông qua môi giới tìm gặp ông Trần Quí Thanh để hỏi vay.
Kết luận cho rằng, ông Thanh đồng ý cho vay tiền với điều kiện phải “cầm cố” 2 tài sản là Dự án Nhơn Thành và dự án Minh Thành (của bà Oanh ở Đồng Nai); tiền chỉ được giải ngân khi bà Kim Oanh ký hợp đồng chuyển nhượng 2 dự án này.
Trước yêu cầu của ông Thanh, bà Oanh thấy như vậy là “thiệt thòi”, muốn thương lượng nhưng ông Thanh trả lời: “Tôi không phải ngân hàng nên không ký hợp đồng cho vay. Hằng tháng cứ đóng lãi đều, đủ, đúng hạn thì tôi cho chuộc tài sản”.
Ngoài ra, ông Trần Quí Thanh còn trao đổi với bà Oanh, rằng sẽ cho vay 500 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng, trả trước 3 tháng, kèm với điều kiện chuyển nhượng 50% cổ phần dự án Minh Thành cho Trần Uyên Phương với giá 235 tỷ đồng; 50% còn lại chuyển cho Trần Ngọc Bích và Công ty TCS (công ty của gia đình ông Thanh) giá 265 tỷ đồng.
Với dự án Nhơn Thành, bị can yêu cầu bà Oanh phải chuyển 100% cổ phần đang sở hữu cho Trần Ngọc Bích giá 150 tỷ đồng.
Quá trình thương thảo, ông Thanh nói: “Trong thời gian 9 tháng, nếu trả đầy đủ tiền gốc, lãi đúng thời hạn đặt cọc theo cam kết mua lại thì tui trả 2 dự án cho bà. Nếu vi phạm thời hạn trả nợ lãi, bà sẽ mất 2 dự án”.
Cơ quan điều tra kết luận, tại thời điểm làm hợp đồng chuyển nhượng, dự án Minh Thành của bà Oanh có giá trị gần 600 tỷ đồng; dự án Nhơn Thành có giá trị hơn 600 tỷ.
Còn trong hợp đồng giữa ông Trần Quí Thanh và bà Đặng Thị Kim Oanh, 2 dự án trên lần lượt được định giá 350 tỷ đồng và 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay sau khi giải ngân 500 tỷ đồng cho bà Kim Oanh, ông Trần Qúi Thanh yêu cầu nữ đại gia phải thanh toán luôn tiền lãi 3 tháng đầu là 31,5 tỷ đồng. Việc thanh toán này không có biên lai, giấy tờ.
Đến ngày 12/5/2020, hạn trả lãi suất lần kế tiếp nhưng bà Oanh chậm nộp và bị ông Thanh cho rằng “vi phạm hợp đồng”. Quá trình thương thuyết, ông Thanh đòi “phạt” bà Oanh 35 tỷ đồng, nếu không sẽ không cho chuộc lại dự án.
Ba tháng sau, Công ty Kim Oanh Đồng Nai ký công văn gửi bà Phương, Bích và Công ty TCS với nội dung đã chuẩn bị đủ 500 tỷ đồng trả nợ gốc và đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng lại dự án.
Bà Oanh cũng nhắn tin cho ông Trần Quí Thanh xin được gặp để bàn lại việc chuộc dự án nhưng không được chủ của phía Tân Hiệp Phát phản hồi.
Ngoài bà Oanh, cơ quan điều tra xác định, cha con ông Thanh còn cho 3 người khác vay theo hình thức hợp đồng thế chấp đất. Sau khi giải ngân, ông Thanh dùng nhiều thủ đoạn nhưng nâng lãi, phí phạt trả chậm khiến người vay không thể trả, từ đó “thâu tóm” tài sản.
Tổng số tiền ông Trần Quí Thanh chiếm đoạt của 4 bị hại lên tới 767 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi của Nguyễn Phi Long, Nguyễn Hoàng Phú, Đoàn Nguyễn Minh Hoàng, có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với vai trò giúp sức cho cha con ông Trần Quí Thanh.
Tuy nhiên, cả ba không bị xử lý hình sự do không biết rõ mục đích của việc ông Thanh đòi thêm tiền để các bị hại không trả được nợ, từ đó chiếm đoạt tài sản.
Nhóm giúp sức hưởng lợi hàng chục tỷ đồng
Đáng chú ý, kết luận điều tra thể hiện có một số đối tượng đã “giúp sức” cho ông Trần Quí Thanh. Trong đó, đối tượng Nguyễn Hoàng Phú (SN 1989, ở 159 Xa Lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, TP HCM), chính là người đã giới thiệu nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh vay 500 tỷ đồng của Trần Quí Thanh với lãi suất 3%/tháng, rồi bị ông Thanh chiếm đoạt các dự án thế chấp.
Ngoài bà Oanh, Phú còn giới thiệu anh Lâm Sơn Hoàng vay 115 tỷ đồng của ông Trần Quí Thanh với lãi suất tương tự. Đổi lại, anh Hoàng phải làm thủ tục chuyển nhượng 4 thửa đất cho Trần Uyên Phương.
Khi anh Hoàng muốn gặp ông Thanh trả nợ thì bất ngờ nhận được thông báo đã quá hạn, mất quyền mua lại tài sản.
Làm việc với cảnh sát, Phú thừa nhận bản thân được hưởng 23,65 tỷ đồng tiền công môi giới.
Một trường hợp khác là Nguyễn Phi Long (SN 1980, kinh doanh tự do, ở phố Thái Phiên, phường 8, quận 11) được ông Thanh giao đi tìm các tổ chức, cá nhân cần vay tiền nhưng phải có tài sản giá trị.
Thông qua người quen, Long biết anh Nguyễn Văn Chung (ở quận Bình Tân) muốn vay 35 tỷ đồng nên Long môi giới, được ông Thanh đồng ý cho anh Chung vay với lãi suất 3%/tháng, phải trả các khoản thuế, phí và làm thủ tục chuyển nhượng 2 thửa đất cho bị can Trần Uyên Phương.
Đến thời hạn trả nợ, anh Chung chuẩn bị đủ 35 tỷ đồng để chuộc lại đất nhưng bị ông Thanh đòi 49 tỷ (thêm 14 tỷ). Long biết việc ông Thanh đòi thêm tiền là sai, song vẫn thông báo anh Chung phải nộp dẫn đến việc anh này không trả được nợ, từ đó bị ông Thanh chiếm đoạt đất.
Tại cơ quan điều tra, Long thừa nhận tham gia môi giới được hưởng tiền công 700 triệu.
Tương tự, Đoàn Nguyễn Minh Hoàng (SN 1995, ở số 69 đường Linh Trung, TP Thủ Đức), môi giới giúp anh Nguyễn Huy Đông (SN 1982, ở quận 3) vay 80 tỷ đồng của ông Trần Quí Thanh với điều kiện phải ký Hợp đồng chuyển nhượng 2 thửa đất 643, 643A ở Kinh Dương Vương cho Trần Uyên Phương.
Sau khi môi giới thành công, Hoàng được anh Đông trả 2,5 tỷ đồng tiền công.
Đến thời hạn, anh Đông đề nghị chuộc lại tài sản, ông Trần Quí Thanh yêu cầu phải trả 95 tỷ đồng. Việc đòi thêm khoản chênh lệch 15 tỷ đồng khiến anh Đông không thể trả nợ. Điều này đồng nghĩa với hai lô đất thế chấp của anh Đông bị chiếm đoạt.
Theo Tiền Phong