Chữ TIỀN ám ảnh cuộc hôn nhân của tôi-1
Ngày đó chỉ đơn thuần là yêu nhau, chúng tôi không nghĩ gì cho tới khi đặt tiệc cưới (ảnh internet)

Tôi lấy chồng khi vừa tốt nghiệp đại học được 6 tháng vì phát hiện ra mình có thai. Lúc đó, chúng tôi là những người trẻ chỉ mang trong mình tình yêu phơi phới và những mộng tưởng dạt dào.

Những ngày hẹn hò, tôi và bạn trai mình chưa bao giờ nói với nhau về tiền bạc, về việc mình sẽ sử dụng tiền như thế nào, các khoản chung riêng ra sao, trách nhiệm của đàn ông trong gia đình là gì. Chúng tôi chỉ toàn trao nhau những cái nhìn âu yếm, những cái nắm tay ngọt ngào, những ước vọng trăm năm…

Lúc đi đặt tiệc cưới, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là… chưng hửng. Vì trong tài khoản của anh không có đủ 10 triệu để đặt cọc. Anh phân bua chưa có lương, bảo rằng anh nghĩ tôi có đủ tiền cho khoản này.

Lúc đó tôi nghĩ, có thể chúng tôi chưa hiểu gì về nhau hết. Lần đầu tiên tôi nghĩ đến hai chữ “tìm hiểu” mà mọi người hay gán vào một mối quan hệ được hiểu đúng mang hình hài thế nào…

Cơn ốm nghén quăng quật, tôi chỉ mong mau cưới sớm để còn thoải mái hơn trong tâm tưởng. Qua bao khó khăn, rồi chúng tôi cũng cưới được nhau.

Tiền mừng cưới chúng tôi trả hết tiền đặt tiệc, các khoản nợ đã mượn trước để trang trải cho việc cưới xin. Còn một ít tôi nhất định giữ, để dành dưỡng thai và chuẩn bị sinh con.

Hai chữ “tiền đâu” luôn vang trong đầu tôi, ám ảnh theo tôi vào từng giấc ngủ. Từ đó, việc căng thẳng với tiền bạc, luôn cố để dành riêng, chi tiêu dè xẻn, và luôn miệng hỏi tiền chồng bỗng dưng trở thành phong cách sống của tôi.

Chúng tôi cãi nhau nhiều hơn. Và tôi luôn bắt đầu cuộc nói chuyện với chồng bằng câu ngắn gọn “mang tiền về nhà đi rồi nói tiếp”.

Nhưng, cuộc sống vốn dĩ thích trêu ngươi. Chồng tôi lại là người không có khả năng kiếm tiền. Nên chúng tôi đã phải sống trong cảnh túng bấn suốt những năm nuôi con nhỏ. Tiền trở thành một gánh nặng thực sự trong tâm trí tôi.

Tiền nhà, tiền bỉm sữa cho con, tiền điện, tiền nước, tiền đi chợ… đã tước hết hết niềm vui của vợ chồng trẻ. Tôi luộm thuộm xấu xí nhăn nhó những lúc có mặt chồng. Tôi tính toán mua cái gì cho con, ăn cái gì cho rẻ. Cà phê, xem phim, dạo phố đối với chúng tôi chỉ còn là kỷ niệm.

Có lần cơ quan anh tổ chức tiệc chiêu đã nhân viên, tối anh về mang cho vợ nửa con cá nướng đã ăn dở bảo “em ăn đi cho đỡ tốn bữa tối”, lúc đó trái tim tôi vụn vỡ tổn thương. Tôi gục xuống khóc như mưa vì buồn tủi.

Túng thiếu đã biến tôi từ một cô gái mơ mộng, thích vẽ, mê nhạc Phạm Duy, thành một mụ đàn bà chờ chực từng bữa cơm từ chồng, luôn miệng kêu than hết tiền và thèm có tiền đến mụ mị.

Tôi tự hỏi tôi: điều tôi cần nhất trong lúc này là gì? Câu trả lời không có gì khác là: kiếm tiền và kiếm tiền.

Có lẽ mọi người cười ồ lên vì sao lại có người mê tiền đến thế. Có người sẽ nói họ không cần nhiều tiền, miễn êm đềm hạnh phúc, còn tôi thì tôi chẳng tin vào những luận điệu lý thuyết đó.

Hãy thử túng tiếu đi. Hãy thử không có tiền mà xem. Hãy thử ngồi chờ dài cả ngày chỉ mong chồng mua sữa mang về cho con, ắt chúng ta sẽ tự hiểu rằng, sao tôi lại đau đáu vì tiền đến thế...

Chữ TIỀN ám ảnh cuộc hôn nhân của tôi-2
Tôi đã quá căng thẳng vì tiền 

Tôi đã đi làm, đã bắt đầu thoát khỏi những ngày túng thiếu, đã bắt đầu gầy dựng lại tin yêu cuộc sống và thông cảm hơn với chồng. Nhưng, tiền thực sự đã trở thành một ám ảnh tâm lý, chứ không còn là thôi thúc của những nhu cầu cơ bản một con người.

Đầu tôi vẫn liên tục nhảy số, vẫn cân nhắc thiệt hơn từng món đồ mình mua cho mình cho con, vẫn nhớ như in số dư tài khoản, vẫn muốn bỏ thêm tiền vào cho tròn số, vẫn hay than van sự túng thiếu, vẫn thích quan sát những người giàu có họ sống thế nào.

Tôi nghĩ mình bị tổn thương về tiền và cần được tư vấn để tìm cho mình một giải pháp, để có thể sống nhẹ nhàng hơn.

Tôi nghiệm ra rằng, để hôn nhân được bắt đầu suôn sẻ, có lẽ chúng ta bớt những mộng mơ lại và bàn với nhau câu chuyện thực tế một cách kỹ càng hơn mới không bị vỡ mộng vì cơm áo.

Theo Phunuonline