Tôi lấy chồng năm 28 tuổi, cái tuổi mà so với nhiều người là đã không còn trẻ trung gì nữa. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi chỉ ước ngày ấy đừng vội vàng kết hôn. Bởi hôn nhân không chỉ là cuộc sống của 2 người. Nó còn là một cuộc chiến mà ở đó, mọi người sẽ phải đối mặt với cả tập đoàn nhà chồng.
Tôi lấy chồng xa, từ nhà chồng ngồi ô tô cũng phải 4 tiếng mới về đến nhà đẻ. Ngày cưới cứ nghĩ là thời bây giờ chuyện đường xá đơn giản hơn trước. Cách nhau hơn trăm cây số là bình thường. Ấy mà cưới rồi mới biết những gì tôi nghĩ so với thực tế nó xa vời lắm.
Ở quê tôi có tục lại mặt. Cưới xong thì hôm sau nhà trai lại cử vài người đến nhà gái để làm một số thủ tục. Khi tổ chức xong xuôi, tôi cũng nói y như vậy với mẹ chồng để bà sắp xếp. Nhưng chưa cần hỏi ý kiến những người khác, mẹ chồng tôi phán luôn:
“Thôi, đừng bày vẽ làm gì ra cho mệt. Con bảo ông bà bên đó thông cảm. Nhà trai ở xa, đi lại tốn kém mà đợt này chuẩn bị đám cưới ai cũng oải hết rồi”.
Mẹ chồng đã bảo vậy, tôi đành nói khéo với bố mẹ đẻ, trong lòng cũng thấy áy náy lắm. Thế rồi năm đầu về làm dâu, tôi cũng có được về ngoại đâu. Lúc đầu tôi tính về trước Tết, nhưng vừa lên kế hoạch thì chồng phản bác:
“Bận nhất là trước Tết, em mà về sớm thế thì lấy ai phụ mẹ? Năm nay có con dâu, mẹ cũng không làm nhiều như mọi năm đâu. Em lo mà chuẩn bị đấy”.
Bài chia sẻ (Ảnh chụp màn hình)
Vậy là sau đó, kế hoạch về ngoại của tôi lùi xuống tận mùng 3 Tết mọi người ạ. Nhưng rồi mùng 3 tôi cũng có về được đâu. Ở trên phòng đang hí hửng soạn đồ về thì ở dưới, mẹ chồng tôi kêu than đau đầu. Lúc sau tôi bảo chồng thay quần áo để đi, anh lại đổi ý:
“Thôi, mẹ tự dưng bảo đau đầu rồi lăn ra ốm. Bố thì bao năm nay có biết mấy chuyện cơm nước cúng lễ gì đâu. Để mai mẹ khỏi rồi mình về, nay ở lại đưa ông Công ông Táo đã em ạ”.
Tôi không biết mẹ chồng cố ý hay bà thật sự bị ốm. Có điều lúc nghe xong, tôi hụt hẫng vô cùng. Gọi điện cho bố mẹ mà tôi cứ cố để nén khóc. Còn mẹ tôi dường như cũng hiểu được tâm trạng của con gái. Bà động viên:
“Thôi con ạ, về muộn một ngày cũng không sao. Hết Tết thì còn xuân mà. Cứ ở đấy mà chăm mẹ chồng đi, đừng suy nghĩ gì nhé!”.
Thế đấy, khi tôi vừa quyết ở lại thì đến chiều mẹ chồng dậy đi lại bình thường như chưa từng bị ốm. Đến năm thứ 2 thì tôi vướng con nhỏ. Bình thường người ta vẫn cho đi, vì lúc ấy đã qua cữ rồi. Hơn nữa con tôi cũng trộm vía cứng cáp. Nhưng chồng tôi nhất quyết không cho về ngoại.
Khuyên vợ chẳng được, anh gọi thẳng về nói chuyện với nhà ngoại. 28 Tết năm ấy, mẹ tôi lại gọi lên. Bà buồn lắm, vậy mà vẫn cố an ủi con gái:
“Mẹ thấy chồng con nó nói đúng đấy. Đường xá đi lại vất vả. Mình thì không sao chứ bọn trẻ con tí khó tí dễ. Nó về đây rồi ốm ra thì nhà chồng con lại khó chịu. Thôi, con để thư thư vài hôm, mẹ đỡ bận rồi bố mẹ lên thăm cháu. Kể mà gần thì ngày nào bố mẹ cũng qua. Nhưng con lấy chồng xa quá, nhiều lúc có đồng quà tấm bánh, muốn cho con cho cháu cũng khó”.
Ra Tết được vài hôm thì bố mẹ tôi lên thật. Nhưng ông bà cũng về luôn trong ngày chứ chẳng ở lại được hôm nào. Lúc tiễn mẹ, tôi thương bà mà chảy nước mắt. Mẹ tôi cũng không kìm được, lần đầu bà trách tôi:
“Ngày xưa mẹ đã bảo chọn đứa nào ở gần rồi mà có nghe đâu. Bây giờ lấy chồng xa, con vất vả mà bố mẹ cũng không có điều kiện để thường xuyên đến với con được. Thôi thì số mình nó vậy rồi, phải cố mà chấp nhận”.
Nhìn bố mẹ chở nhau trên chiếc xe máy cũ giữa trời rét căm căm, tự nhiên tôi lại cảm thấy hối hận khi đã lấy chồng mọi người ạ. Thời gian này cũng gần Tết rồi, lòng tôi lại nặng trĩu. Chồng tôi thì bảo cho vợ con về ăn Tết năm nay nhưng phải đến lúc đó mới chắc chắn được.
Nhiều khi ngồi nghĩ lại, tôi nhớ hồi mình còn chưa chồng con, cả năm chỉ mong đến Tết để về với bố mẹ. Thời gian đó đẹp biết bao nhiêu.
Bây giờ Tết đối với tôi toàn là kỷ niệm buồn, là những ngày tay chân không nghỉ ngơi vì tiếp khách của bố mẹ chồng và chồng. Nếu được quyền lựa chọn thì cố mà lấy người đàn ông nào ở gần. Khó khăn một chút cũng được, miễn là không phải xa gia đình. Đừng như tôi, bây giờ có Tết cũng như không.
NQ
Theo VietNamnet