Hai cô bé nói trên lần lượt là Linh Linh và cô em họ Hề Hề (tên đều đã thay đổi), gia đình hai bé sống cạnh nhau ở thôn Ngũ Phương, thị trấn Thập Địa, thành phố Miên Trúc, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Vào ngày 3/10 vừa qua, gia đình hai em tổ chức ăn uống chung. Hai cô bé chơi loanh quanh trong nhà. Tầm 5h chiều cùng ngày, khi không thấy bóng dáng hai đứa trẻ đâu, người nhà mới tá hỏa đi tìm.
Một tiếng sau đó, Linh Linh và em họ được tìm thấy bên trong cốp xe trong trạng thái hơi thở rất yếu ớt. Mặc dù đã được cấp cứu nhưng cả hai cô bé đều không vượt qua được số phận nghiệt ngã.
Phát hiện khi đã quá muộn
Khi phóng viên tìm đến nhà Linh Linh, ông bà nội của cô bé Linh Linh đều ở nhà, tâm trạng nặng trĩu, u uất. Riêng người bố vì không thể chịu đựng thêm nỗi đau khi ở nhà nên đã tạm sang nhà người họ hàng. Trong sân nhà là chiếc ô tô con, cửa và cốp đều trong trạng thái mở.
Gia đình Hề Hề cũng không khá hơn, bao trùm một cảm giác đau thương khó tả. Năm nay, Linh Linh học lớp 3 còn Hề Hề mới vào lớp 1.
"Giá như không có bi kịch khủng khiếp ấy, ngày 8/10 sẽ là ngày hai đứa trẻ đi học", ông Đường nói.
"Lúc 4h chiều hôm đó tôi vẫn nghe thấy tiếng hai đứa trẻ nô đùa ngoài sân nhưng chỉ một lúc sau đó thì không thấy bóng dáng hai đứa đâu. Tôi vội gọi con trai lái xe sang thôn bên cạnh tìm.
Tầm 6h, khi con trai tôi chuẩn bị lái xe đi thì phát hiện đồ đạc trên xe đỗ ở sân bị lộn xộn, không đúng vị trí. Lúc đó, con tôi mới vội vã mở cốp xe thì thấy hai đứa trẻ nằm bên trong."
Được biết khi đó mặt hai cô bé đã biến sắc, người nóng hầm hập, không còn sức sống. Sau khi đưa đến bệnh viện cấp cứu, cả Linh Linh và Hề Hề đều không qua khỏi.
"Chìa khóa xe ô tô để ở dưới gối của con trai tôi", ông Đường đoán và cho rằng hai đứa bé trong lúc chơi đã nhìn thấy chìa khóa và mở cửa xe, chui vào trong, sau đó tiếp tục chui vào cốp xe và đóng sập nắp lại.
"Tôi thực sự hy vọng người lớn, đặc biệt là những người có xe coi đây là một bài học lớn, một bài học xương máu để bi kịch tương tự không bao giờ xảy ra", ông Đường chia sẻ sau khi kết thúc cuộc trao đổi với phóng viên.
"hung khí" giết người.
Ở Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp trẻ tử vong khi chui vào cốp xe
Một tai nạn tương tự như trên đã được ghi nhận tại Tây Ninh hồi tháng 7/2015.
Theo đó, vào chiều 8/7/2015, hai bé Đ.M.T (sinh năm 2005) và L.Q.L (sinh năm 2007) đều trú tại thành phố Tây Ninh được người thân đưa đi chơi ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh bằng xe ôtô của gia đình.
Sau khi đến nơi, người lớn sau khi lấy đồ đã quên không khóa cốp xe. Một lúc sau, vì không thấy hai bé T và L đâu nên cả nhà vội đi tìm. Khi mở cốp xe ôtô để tìm, người lớn mới tá hỏa phát hiện hai em đang nằm trong cốp. Lúc đó bé L đã tử vong còn bé T hôn mê sâu.
Mặc dù được gia đình đưa đi cấp cứu ngay lập tức nhưng T đã không qua khỏi.
Nhiều tờ báo uy tín của Việt Nam ngày 9/7/2015 đã dẫn lời ông Lê Hồng Phước, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện đa khoa Tây Ninh xác nhận thông tin hai bé L và T tử vong do thiếu ôxy, ngạt khí CO2 dẫn đến hôn mê sâu.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, trong tình trạng thư giãn, con người hít thở khoảng 6-8 lít không khí và thở ra 200ml khí CO2 mỗi phút.
Do vậy, với không gian trong xe ô tô rất ít ỏi, chỉ vào khoảng 2,5m3, lại kín bưng do thiết kế cách nhiệt, chỉ sau 1,5 giờ ngồi trong xe đóng kín, người lớn có thể rơi vào trạng thái hôn mê chứ chưa nói đến trẻ em.
Phóng viên tờ Thương báo Thành Đô sau đó đã làm một thí nghiệm. Theo đó, dưới nền nhiệt ngoài trời, nhiệt độ trong xe ở mức 26 độ C. Sau khi đóng tất cả các cửa xe và tắt động cơ, nhiệt độ không ngừng tăng lên, khoảng 30 phút sau đã lên đến 38 độ C.
Thời điểm đó, mồ hôi đã ướt đẫm người, hô hấp nhanh hơn, buộc phóng viên phải vội vã xuống xe.
khỏi ô tô khi không có người lớn bên cạnh.
Gia đình và xã hội cần nâng cao ý thức an toàn
Từ sự việc này, giáo sư Hồ Quang Vĩ, làm việc tại viện Khoa học xã hội tỉnh Tứ Xuyên cho rằng, đây là một bài học mà người lớn, đặc biệt là người làm cha mẹ phải nghiêm túc nhìn nhận và tăng cường nhận thức về vấn đề an toàn.
Đầu tiên, người lớn nên để mắt đến con cái, đặc biệt là những em nhỏ hiếu động, không bao giờ được phép để trẻ nhỏ ở trong xe một mình.
Người làm cha mẹ cũng nên trang bị kiến thức về an toàn, chủ động đánh giá nơi nào tiềm ẩn nguy hiểm, chìa khóa cần để xa tầm với của trẻ.
Thứ hai, cần phải dạy trẻ những kiến thức có liên quan theo cách dễ hiểu nhất, đơn giản như chỉ cho trẻ đồ vật gì được chơi, thứ gì không được phép động vào, nguy hiểm như thế nào...
Ngoài ra, cần trang bị cho trẻ kỹ năng tự cứu mình. Với những đứa trẻ ngoan ngoãn biết nghe lời, người lớn có thể để xe ở trạng thái dừng hẳn và dạy trẻ mở khóa, mở cửa xe.
Với khóa điện hoặc trẻ quá nhỏ, nên dạy trẻ ấn còi để thu hút sự chú ý của người lớn.
Tuyên truyền nêu cao ý thức về an toàn là điều không bao giờ thừa để bảo vệ những đứa trẻ của chính mình.