Chuyện hàng cháo sườn Lý Quốc Sư xôn xao cộng đồng mạng

Mới đây, nickname L.A đã lên nhiều diễn đàn mạng xã hội, chia sẻ lại câu chuyện khá xúc động về hàng cháo sườn vỉa hè của mẹ mình.

Chuyện về hàng ăn vỉa hè không chỗ ngồi, không thương hiệu, phụ thuộc vào việc nắng mưa của ông trời, hôm nay đông tấp nập nhưng ngày mai, vì một vài lý do, phải nghỉ bán một thời gian mà mất hết khách quen... có lẽ là điều không mới.

Thế nhưng, đứng ở góc độ người trong cuộc, L.A và những người trong gia đình cô thấu hiểu hơn ai hết nỗi khổ của chuyện đi bán hàng, bươn chải ngoài phố. Và, khi cô chia sẻ lại toàn bộ những chuyện xảy đến với gia đình mình, đã khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Câu chuyện của L.A thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

"Ai quen em chắc cũng biết kha khá về nhà em. Nhà em trước đây bán Cháo Sườn - Cháo Trai ở Ngõ Huyện - phố Lý Quốc Sư chỗ bản tin phường Hàng Trống, mẹ em đặt mấy nồi cháo trong những cái thúng chứ không phải trên bếp, có bố em hay mặc áo bộ đội ngồi hút thuốc ở cột điện thu tiền, cũng được gần 20 năm rồi", L.A bắt đầu câu chuyện của mình.

Thế nhưng cuộc sống êm đềm ấy không kéo dài được lâu. Do vấp phải sự cạnh tranh với hàng quán kế bên, gia đình L.A phải chuyển địa điểm ra bán ngoài mặt phố Lý Quốc Sư. "Nhưng mà mặt phố thì có gì là sung sướng đâu, ra mặt phố thì phạm luật, bị các chú công an bắt". 


Không gian cũ của hàng cháo vỉa hè do mẹ Lan Anh mở ra.

Vì bán hàng vất vả, có lần mẹ L.A còn bị chảy máu dạ dày, phải nhập viện. Hàng cháo đã có lúc phải tạm ngừng bán. Thế nhưng, vì mình bà phải gồng gánh nuôi hai con ăn học và người chồng bị bệnh tai biến nên cuộc sống rất vất vả. "Mẹ em tính tiếp tục xuống chỗ cũ để bán nhưng thực sự quá khó khăn và em không muốn mẹ tiếp tục phải khổ như vậy nữa".

Hiện tại, hai anh em Lan Anh đang đẩy mạnh việc bán hàng online.

"Hiện tại bọn em đang có kế hoạch tìm một cửa hàng nho nhỏ bắt đầu lại từ đầu để cân bằng cuộc sống. Trong thời gian này, mẹ em tạm thời bán hàng trở lại vào buổi sáng ở đầu phố Lý Quốc Sư. Sáng và chiều nhà em có nhận ship cháo", nickname này kêu gọi.

Ngay sau khi đăng tải, rất nhiều khách quen đã nhận ra hàng cháo sườn mà họ hay đến ăn ngày xưa. Chỉ trong vòng 13 tiếng đăng tải, thông tin L.A viết đã nhận được hơn 10.000 lượt thích, chia sẻ và gần 1.000 lượt bình luận, trong đó không ít người ôn lại kỷ niệm với hàng cháo quen thuộc.

Bát cháo sườn đầy đặn, mẹ Lan Anh bán chỉ 15.000 đồng.

"Chị cũng ở phố Lý Quốc Sư, chị ăn của mẹ em từ lúc em hay anh của em còn bé tí, lũn cũn cơ. Tối tối tầm 7h chị đứng từ ban công nhà bà chị ngóng bố mẹ em đẩy xe cháo đi về, ngày nào cũng mong bố mẹ em về sớm để nghỉ ngơi vì thấy bố em yếu lắm, giờ hai anh em đã biết đứng thu tiền chỉ chỗ để xe cho khách thay bố em rồi. Năm kia qua ăn thấy nhà em đông khách, hai anh em cũng lớn hơn nghĩ nhà em khá hơn nhiều rồi, không nghĩ nhà em vẫn nghèo thế", một người dùng mạng chia sẻ.

Tương tự, nickname T.A bày tỏ: "Mình từ hồi còn đi học cấp 2 đến cấp 3 hay ăn ở nhà cô này. Cháo ngon, rẻ. 2 anh em lúc đấy còn bé tí đã ra phụ mẹ rồi. Cô này vất vả, nhỏ gầy nhưng làm rất nhanh, chồng  hay mặc áo bay, trông chú có vẻ ốm đau (chắc trước chú bị ảnh hưởng lúc đi bộ đội). Có thể gọi đây là quán Cháo sườn Lý Quốc Sư chính tông. Chúc gia đình em gặp may mắn, bán càng ngày càng đông khách và mở được cửa hàng mang đúng thương hiệu".

Nickname T.T cũng chia sẻ: "Nhà chị ở gần nhà em. Bây giờ chị đã chuyển vào Sài Gòn, không sống ở đó nữa nhưng lần nào ra chị cũng ăn cháo của nhà em. Gần đây ra không còn hàng cháo của nhà em nữa. Bây giờ mới biết là có quãng thời gian mẹ em nghỉ bán. Đọc những chia sẻ này, chị cũng mong gia đình sớm tìm được địa điểm để ổn định công việc kinh doanh".

"Từ hồi em còn bé tí, chắc tầm 6 hay 7 tuổi chị đã ăn ở hàng nhà em rồi. Bây giờ em đã trở thành thiếu nữ xinh đẹp thế này rồi. Cố lên em nhé, mọi người sẽ ủng hộ mà. Cháo nhà em ngon lắm, nhà chị ai cũng thích. Cố lên em nhé"!, một người dùng mạng khác động viên.

Những kỉ niệm bán hàng vỉa hè "siêu vất vả"

Nickname L.A tên thật là Phan Lan Anh (SN 1999, hiện đang là HS trường THPT Trần Phú, Hà Nội). Theo lời Lan Anh, hàng cháo của mẹ cô có từ cả trước khi cô ra đời, tính đến nay đã gần 20 năm. Trong suốt quãng thời gian từ khi cô ý thức được những chuyện xung quanh thì chưa khi nào thấy việc bán hàng vỉa hè là nhàn nhã, vui vẻ. Trái lại, đó là những ngày tháng vô cùng cực khổ.

Địa điểm bán hàng mới của mẹ Lan Anh.

Sáng nào mẹ cô cũng dậy từ 4h sáng để nấu 3-4 nồi cháo to cả 20 kg/nồi. "Lúc mình và anh trai còn đang ngủ thì mẹ đã quần quật một mình chuyện bếp núc". Đợi đến khoảng gần 1h chiều, hai anh em cô phụ mẹ dọn hàng cháo vỉa hè. Ngày đắt khách, bà bán hết những 70-80kg cháo, cứ tầm 5-6h chiều là nghỉ.

"Thế nhưng có những hôm mưa gió, hàng cũng ế chỏng chơ. Có những ngày mẹ ngồi đến 8h tối. Hôm 9-10h đêm, cả nhà mới được ăn cơm và đi ngủ rất muộn nhưng dù thế, sáng hôm sau, vẫn đều đều 4h mẹ lại mò dậy".

Lúc rảnh, Lan Anh luôn "trực chiến" trước màn hình máy tính, nhận "order" của khách hàng.

Bán về muộn nhưng có ngày, hàng của mẹ cô vẫn ế nhiều. Những ngày đó, anh em Lan Anh phải ăn cháo thay cơm, thậm chí, hai anh em còn mang cháo ra ăn thi xem ai ăn được nhiều và nhanh hơn.

Nhưng khổ nhất vẫn là cảnh khách đang ăn mà phải cầm cả bát cháo, ghế nhựa "chạy loạn" cùng chủ. Có người hiểu, họ thông cảm nhưng phần nhiều là thấy nản mà chuyển sang ăn hàng khác. Khách quen vì thế mà cũng vơi dần đi.

Trong khi đó, bà Là luôn tay dưới bếp chuẩn bị đồ cho hai con mang bán.

Cháo sườn của bà Là có rất nhiều thịt băm, thịt sườn, đặc quánh và khá ngon mắt.

Trước đây, mỗi ngày bà bán hết khoảng 3-4 nồi to như thế này.

Hiện giờ, mọi thứ đang khởi động lại nhưng trong ngày đầu tiên, nhờ sự ủng hộ của khách quen, bà Là cũng bán hết gần 2 nồi cháo.

Phan Đức Bách (SN 1994, anh trai Lan Anh) nói rằng, cậu rất hiểu bán hàng vỉa hè là vi phạm quy định, nhiều lần khuyên mẹ nên thuê lấy gian hàng nhỏ để bớt khổ. "Nhưng lần nào nói đến mẹ mình cũng gạt đi, nói không có tiền, không tìm được chỗ, sợ thuê xa quá lại mất hết khách quen. Mẹ không nghĩ được sâu sa nên cứ bám riết lấy cái vỉa hè mà chịu khổ".

Những rổ quẩy chuẩn bị sẵn sàng.

Hành trình xây dựng lại thương hiệu của ba mẹ con

Bây giờ ba mẹ con Lan Anh đang bắt tay xây dựng lại mọi thứ. Bà Bùi Thị Là (SN 1958, mẹ Lan Anh) tâm sự: "Gánh nặng kinh tế gia đình đặt cả lên vai mà tôi thì ngoài nghề bán cháo cũng không biết làm gì. Một năm qua nghỉ hàng thực sự gia đình lâm vào bước đường rất khó khăn".

Để vực dậy hàng cháo, mẹ con Lan Anh nghĩ cách lập fanpage, kêu gọi sự ủng hộ của những vị khách quen ngày xưa. "Các con còn nghĩ ra cách bán hàng online và nhận ship hàng ban ngày".

Ông Hậu (một người dân sống trên phố Lý Quốc Sư) nói: "Tôi thấy cháo nhà chị Là làm rất ngon và đông khách nhưng một dạo nghỉ bán rất lâu vì lý do gì không rõ. Hàng này uy tín, cháo ngon nên tôi cũng rất thích".

Lan Anh nói, thời gian này, cô đang cùng anh trai tìm một cửa hàng nhỏ, có giá thuê hợp lý để dọn về đó kinh doanh. "Bao năm qua, mình chứng kiến mẹ bán hàng vỉa hè thấy rất cơ cực. Nhân đây mình cũng muốn nhắn nhủ những ai khi kinh doanh vỉa hè, có đủ vốn thì đừng nên tham mà hãy tính chuyện xây dựng thương hiệu về lâu, về dài với một địa chỉ kinh doanh ổn định hơn", Bách tâm sự.

"Mọi thứ có thể rất khó khăn lúc khởi đầu nhưng mình hy vọng khi thuê được gian hàng, việc 

kinh doanh của mẹ sẽ trở nên tốt hơn", Bách nói thêm.

Hôm nay là ngày đầu tiên mẹ con Lan Anh bán cháo trở lại. Mẹ cô tạm thời vẫn bán ở vỉa hè đầu phố Lý Quốc Sư còn anh em Lan Anh chuyên phụ việc giao hàng cho khách đặt qua mạng.

Theo Trí Thức Trẻ