Chiều 8/9, PV VietNamNet có cuộc trao đổi với GS.TS Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những vấn đề liên quan đến bão Yagi - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua ở các tỉnh Bắc Bộ.
Ông Đào Xuân Học đánh giá, công tác dự báo bão Yagi tương đối tốt, đúng từ cường độ và hướng đi. Từ việc dự báo đúng, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và quyết tâm ứng phó của các địa phương, nên thiệt hại do cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua ở các tỉnh Bắc Bộ gây ra ‘đỡ hơn rất nhiều’.
Dãy shophouse của một khu du lịch tại Hạ Long bị đổ nát nghiêm trọng. Ảnh: Thạch Thảo.
Tuy nhiên, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giảm thiểu thiệt hại do bão lũ, thì việc chuẩn bị ứng phó của mỗi người dân, mỗi gia đình là rất quan trọng. Ngoài ra, tinh thần tương thân tương ái giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn của người Việt Nam đã làm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
“Biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng khốc liệt. Do vậy, nếu người dân không chuẩn bị trước hoặc chủ quan khi bão đổ bộ thì thiệt hại sẽ rất nặng nề. Bởi dù có sự quan tâm của cơ quan chức năng đến mấy nhưng việc tiếp cận người dân trong những ngày mưa bão sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức”, ông Đào Xuân Học nói.
Nên hay không làm kính ốp bên ngoài nhà cao tầng?
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão Yagi cũng nổi lên một số vấn đề cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là hàng loạt tấm kính ốp bên nhà cao tầng ở Quảng Ninh bị gió ‘bóc’ từng mảng bay khắp nơi và hơn 14.600 cây ở Hà Nội bị gãy đổ khi bão Yagi đi qua.
Ông Đào Xuân Học cho rằng, việc để hàng loạt tấm kính bên ngoài nhà cao tầng bay khắp nơi khi bão đến là ‘quá nguy hiểm và có vấn đề trong việc gia cố, giám sát, thi công’. Để tránh trường hợp tương tự xảy ra, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc đánh giá mọi vấn đề liên quan.
“Về việc sử dụng kính ốp bên ngoài các tòa nhà thì không có vấn đề gì, vì nhiều nước mưa bão rất khốc liệt họ vẫn làm. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết cực đoan như ngày nay, có lẽ chúng ta phải thay đổi tiêu chuẩn, kỹ thuật xây dựng, giám sát thiết kế, thi công cho phù hợp”, ông Học nói.
Lực lượng chức năng dọn dẹp cây bàng bị đổ trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu
Còn về việc hàng loạt cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội bị đổ do bão Yagi, ông Đào Xuân Học cho rằng, vấn đề là do chủng loại cây đô thị không phù hợp, kỹ thuật trồng cây cũng cần phải khắc phục.
“Gió bão gây đổ cây là không tránh khỏi, vì ngay cả ô tô còn bị thổi bay. Tuy nhiên, nếu trồng cây to, lúc đầu nhìn thì đẹp nhưng rễ không ăn sâu được xuống lòng đất, cây dễ bị sâu bệnh và gãy đổ”, ông Học nói và đưa ra lời khuyên cho Hà Nội nên trồng cây bé, sinh trưởng khỏe, sẽ không bị gãy đổ trong mùa mưa bão.
Theo ông Học, nếu trồng cây nhỏ theo phương pháp đào hố sâu khoảng 1m, rồi lấp đất dần theo sự sinh trưởng của cây, xung quanh dùng cọc chống đỡ cẩn thận thì không bao giờ bị đổ vào mùa mưa bão. “Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều giải pháp khắc phục trong việc trồng cây đô thị. Nhưng mỗi mùa mưa bão vẫn lộ ra những bất cập cần phải khắc phục”, ông Học cho hay.
Từ những phân tích trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra, không cách nào khác, công tác dự báo thời tiết cần phải chính xác hơn. Cơ quan chức năng phải lấy phương châm ‘lấy cộng đồng làm nòng cốt’ trong việc chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão lụt.
Ngoài ra, theo ông Đào Xuân Học, cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền cho người dân nhận thức được rằng khí hậu ngày càng bất thường, cực đoan: Mưa thì quá lớn, hạn hán khốc liệt, bão gió rất mạnh.
Bên cạnh đó, trong trường học cũng phải giáo dục cho học sinh thấy được điều bất thường của khí hậu.
“Khi hiểu biết về sự khắc nghiệt của khí hậu, người dân sẽ sẵn sàng chuẩn bị biện pháp ứng phó thiên tai. Có như vậy mới giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản mỗi khi bão lũ xảy ra”, ông Đào Xuân Học nói thêm.
Theo Vietnamnet