Mới đây, dự án phim ẩm thực Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! của đạo diễn Phan Đăng Di bất ngờ bị hoãn chiếu trên HBO và lên sóng vào một ngày khác sau khi đã lược bớt cảnh nóng.

Nhà quay phim Phạm Quang Minh có những chia sẻ về câu chuyện này.

"Mỗi khi xem lại cảnh nóng, diễn viên đều xúc động"

- Anh gắn bó với Phan Đăng Di trong nhiều dự án, làm việc ăn ý. Với "Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa!", anh hứng thú và có cảm hứng nhất với điều gì của câu chuyện?

Tên phim như một câu thơ đáng yêu, có chàng và nàng, có cá lại có cả hoa... gây cho tôi chút tò mò muốn khám phá xem phim này có điều gì bí ẩn. Trong ẩm thực, cá là nguyên liệu chế biến ra vô số món ăn, làm khát khao bao tâm hồn ăn uống. Còn hoa có thể dùng làm thực phẩm trong chế biến như một loại rau, dùng để xào nấu hay ăn lẩu.

Phim này nằm trong series ẩm thực châu Á, mà châu Á thì có vô số món ăn làm say đắm các “thánh” yêu ẩm thực. Chàng là một đầu bếp nhà hàng Nhật, đương nhiên sẽ chế biến và dành tặng người mình yêu những món siêu ngon và cầu kỳ... Vậy tại sao nàng lại ăn hoa? Đó chính là điều thích thú khi tôi nhận lời tham gia phim này.

Chuyện chưa kể về những cảnh nóng bị cắt trên phim Việt của HBO-1
Phạm Quang Minh cho rằng những cảnh nóng là điều cần thiết với cả người quay phim, diễn viên và khán giả.

- Bộ phim đã phải cắt bỏ một số cảnh nóng bị cho là nhạy cảm để lên sóng HBO ngày 13/11. Khi lên sóng, phim được khen ngợi có nhiều cảnh quay đẹp, góc máy tốt, xử lý khung hình lạ, nhất là các cảnh nóng. Anh có câu chuyện đặc biệt nào để chia sẻ đằng sau những cảnh nóng gây xôn xao dư luận này?

 Các cảnh nóng không có chút nào dung tục cả. Nó đẹp một cách khó nói và cho một cảm giác buồn bã. Càng buồn hơn khi nó bị cắt mất trong bản phát sóng ở Việt Nam.

Tôi nói cảnh nóng buồn vì đó là hình ảnh của những cơ thể đang ở thời điểm đẹp nhất của vòng đời, tuổi thanh xuân, không một chút thừa, không một chút khoa trương, một vẻ đẹp sẽ tan biến nhanh chóng. Giữ lại chút hình ảnh về vẻ đẹp đó là điều cần thiết, cho các diễn viên, cho một quay phim như tôi và cho cả sự thưởng lãm của những khán giả trưởng thành.

Thường khi quay xong những cảnh nhạy cảm như vậy, diễn viên bao giờ cũng muốn xem lại những gì được ghi hình. Ở phim này, mỗi khi diễn viên xem lại cảnh quay, tôi thấy họ đều xúc động. Họ không căng thẳng vì mọi thứ đều ở đó, đẹp đẽ và dịu dàng.

- Các cảnh nóng trong phim được xử lý trong bối cảnh hẹp, anh đã nghiên cứu như thế nào, với những phân cảnh này?

Bối cảnh chính của phim này, căn phòng trọ của nữ chính, rất đẹp. Khi được đạo diễn dẫn đến tôi cũng toát mồ hôi, phần vì nóng, phần vì thấy không gian để máy quay di chuyển rất ít. Hơn thế, về mặt thiết kế, cách xử lý về chi tiết và chất liệu vẫn chưa đủ để tôi có thể tự tin nhấn nhá vào, dù được ê-kíp nỗ lực hỗ trợ.

Trong hoàn cảnh đó, chính nét gợi cảm, tươi trẻ trên gương mặt, cơ thể diễn viên và ánh sáng là thứ tôi có thể “chơi” được. Trong phim này tất cả cảnh gợi cảm đều được quay đơn giản. Và nhờ sự đơn giản đó, vẻ đẹp của diễn viên trở nên nổi bật.

Chuyện chưa kể về những cảnh nóng bị cắt trên phim Việt của HBO-2
Quay phim Phạm Quang Minh. Anh từng đoạt giải Quay phim xuất sắc tại LHP quốc tế Stockholm 2010 với bộ phim "Bi, đừng sợ!" do chính Phan Đăng Di đạo diễn.

- Trong phim, có đoạn 2 nhân vật chính mặc kiệm vải, nằm trên tấm kính trong suốt, nhìn xuống quán tào phớ tầng dưới. Tại sao, bối cảnh lại sử dụng các bục, có tấm kính trong suốt, để xử lý những phân đoạn tình cảm của 2 nhân vật chính?

Các tấm kính ngoài việc tạo ra cảm giác liên thông về không gian còn giúp tôi tạo ra một thứ ánh sáng mộng mị hơn thực tế, khiến da thịt của diễn viên căng mọng, nhưng đồng thời cũng gợi cảm giác mong manh, dễ vỡ, một dạng ảo ảnh trong mắt nhìn của những người đang yêu mà Di muốn có.

Ngoài ra, tấm kính trên cao giúp mô tả ánh mắt ngước nhìn lên của các nhân vật nam khi nhìn nhân vật nữ, vừa có sự khao khát ngưỡng mộ, vừa tạo cảm giác không với tới được.

Trong phim này, màu sắc đẹp nhưng không phải là màu của hiện thực, nó phải tạo ra một cảm giác mong manh và day dứt, nó phải nằm ở ranh giới giữa thực và ảo, như vỏ trứng mỏng được xuyên sáng, ngắm thấy đẹp nhưng mạnh tay là vỡ.

"Với cảnh nóng - không nên để diễn viên phải diễn nhiều lần"

- Ngọc Anh từng bị chê nhạt và thảm họa ở "Thương nhớ ở ai" vì diễn đơ cứng. Nhưng cô ấy thực sự đẹp dưới góc máy của anh. Anh nghĩ thế nào về nhận định này?

Tôi quay nhiều phim truyền hình nên có thể nói thẳng rằng, với thời gian quay 2,3 ngày cho 1 tập phim thì đạo diễn và ê-kíp không có nhiều thời gian để trau chuốt hình ảnh và uốn nắn kỹ với diễn viên.

Muốn tốt, muốn hay vẫn là phải có đủ tiền. Như phim này, thời lượng cỡ một tập phát sóng phim truyền hình mà tôi đang làm, nhưng được quay trong 11 ngày với những thiết bị quay phim tốt nhất hiện nay.

Diễn viên được tập trước cả tuần, phục trang may đo và chọn kỹ cho từng phân đoạn, hoá trang cũng kỹ và rất vừa độ... nên việc làm cho diễn viên trở nên quyến rũ chẳng phải cái gì quá khó với tôi.

Chuyện chưa kể về những cảnh nóng bị cắt trên phim Việt của HBO-3
Phạm Quang Minh khẳng định "Chàng ăn cá, Nàng ăn hoa!" không bị ảnh hưởng bởi phim Vương Gia Vệ.

- Có ý kiến cho rằng những cảnh quay của anh và cách làm của Phan Đăng Di trong "Chàng ăn cá, Nàng ăn hoa!" phảng phất một chút ảnh hưởng của Vương Gia Vệ. Đây là sự ảnh hưởng hay còn gì khác?

 Không, chúng tôi chẳng hề nghĩ đến Vương Gia nào ở đây, yêu cầu đặt ra là trong 11 ngày đó quay xong một tập phim truyền hình đẹp đẽ, tươi tắn và tự nhiên thôi.

-Việc phải đứng trước ống kính máy quay trong những cảnh nóng là một áp lực đối với nhiều diễn viên. Vậy với anh, một người đằng sau ống kính, đó có phải là một điều áp lực?

Dĩ nhiên là không, tôi chỉ là người ngoài ngắm thôi, có được nhập cuộc đâu. Nếu có chút căng thẳng thì là phải quay sao cho ổn để diễn viên không phải diễn đi diễn lại vì lỗi quay phim. Cảnh nóng diễn đi diễn lại thì không chỉ khổ diễn viên mà cả ông quay phim cũng chẳng vui gì.

Chuyện chưa kể về những cảnh nóng bị cắt trên phim Việt của HBO-4
Theo Phạm Quang Minh, áp lực đối với người quay phim khi ghi hình cảnh nóng là làm sao để diễn viên không phải diễn lại nhiều lần.

- Trong phim có nhiều cảnh phải “làm việc” với những chú mèo. Sự có mặt của những chú mèo này gây ra khó khăn gì cho anh và đoàn làm phim?

Cảnh quay với mèo trong phim này phải làm đi làm lại rất mất thời gian vì mèo không như chó, bọn chúng không nghe lời ai nếu không được vuốt ve. 12 con mèo trong một căn phòng chừng 16 m2, với ê-kíp 6 người chỉ chuyên cưng nựng rồi vứt chúng vào cảnh mà quay tận 2 ngày vẫn chưa đúng ý đạo diễn.

- Anh tham gia vào cả hai mảng là phim truyền hình (Ma làng, Chạy trốn thanh xuân...) và phim điện ảnh (như Bi, đừng sợ! và Đập cánh giữa không trung). Vậy tiêu chí chọn phim của anh là gì?

Phim truyền hình là công việc thường ngày của tôi, công việc ấy nuôi sống tôi và cho tôi cơ hội được làm nghề đều đặn, giúp tôi luôn giữ được phản ứng nhanh nhạy và tỉnh táo với mọi tình huống diễn ra trên trường quay, giúp tôi luyện được sự kiên nhẫn và bình tĩnh cần có của người quay phim.

Còn các phim điện ảnh tựa như cuộc dạo chơi ngoài vùng an toàn, cho tôi cơ hội phiêu lưu, trải nghiệm cảm giác mới. Cũng phải cảm ơn những cơ hội thỉnh thoảng đến này vì nó làm tôi không bị già chậm dần đều.

Phạm Quang Minh là nhà quay phim kỳ cựu. Ở mảng truyền hình, anh có bề dày kinh nghiệm trong nhiều đề tài khác nhau, từ chính luận, tâm lý gia đình đến tình yêu giới trẻ trong các phim như: Ma làng, Dòng sông phẳng lặng, Những ngọn nến trong đêm, Chiều ngang qua phố cũ, Chạy trốn thanh xuân...

Bên cạnh đó, Phạm Quang Minh cũng nổi tiếng trong giới điện ảnh với vai trò là người đứng sau ống kính của những bộ phim nghệ thuật nổi tiếng do Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp đạo diễn như Bi, đừng sợ!, Đập cánh giữa không trung...

Phạm Quang Minh từng đoạt giải Quay phim xuất sắc tại LHP quốc tế Stockholm 2010 với phim Bi, đừng sợ! do Phan Đăng Di đạo diễn.

 

Theo Zing