Tây Du Ký ra đời trong hoàn cảnh khó khăn do được sản xuất vào thập kỉ 1980 - thời mà kĩ xảo điện ảnh còn thô sơ lạc hậu.
Vốn đầu tư 6 triệu NDT tuy là một khoản tiền rất lớn nhưng cũng không đủ trang trải cho toàn bộ phim, thế nên các diễn viên cũng chỉ nhận được thù lao tượng trưng, ít ỏi.
Tuy nhiên, những khó khăn về tài chính, nhân lực, phương tiện kĩ thuật... vẫn không làm ảnh hưởng đến quyết tâm làm phim Tây Du Ký của nữ đạo diễn Dương Khiết và ekip làm phim.
Đó cũng là lý do tại sao mỗi khi các tờ báo viết về phim Tây Du Ký đều không quên nhắc đến quá trình làm phim gian nan và còn xem đây là bộ phim thể hiện quyết tâm, ý chí và tinh thần đoàn kết của người Trung Quốc.
Mới đây, một đoạn clip hậu trường của bộ phim kinh điển này đã được tiết lộ sau 32 năm. Qua đó người xem càng thêm hiểu được những khó khăn, gian khổ của ekip làm phim suốt 6 năm trời quay ròng rã.
Do không có diễn viên đóng thế, vì các cử chỉ và điệu bộ của Tôn Ngộ Không rất khó bắt chước nên đa phần các cảnh quay bay lượn trên không bằng cáp, Lục Tiểu Linh Đồng đều tự mình thực hiện nên ông là người bị tai nạn nhiều nhất.
Trường đoạn Hồng Hài Nhi dùng Tam Muội Chân Hỏa để đốt, do lửa cháy yếu, đạo diễn đã cho lửa cháy lớn khiến Tôn Ngộ Không bị bỏng rất nặng phải nằm 3 tháng theo yêu cầu bác sĩ.
Trường đoạn tập 17 và 18, quay các ngoại cảnh tại Thổ Lỗ Phồn, Lục Tiểu Linh Đồng nhiều lần bị đứt dây cáp.
Mặc dù bị hạn chế phần kỹ xảo, nhưng các tạo hình nhân vật trong Tây Du Ký rất bắt mắt. Ví dụ như Mã Đức Hoa ngoài đời có thân hình gầy gò, nhưng khi lên phim lại được độn nhiều lớp để "biến hình" thành Trư Bát Giới to béo.
Chỉ bằng phương pháp thủ công mà năm xưa các nhà làm phim đã hoàn thành bộ phim kinh điển Tây Du Ký, điều đó đã được giới làm phim xem là niềm tự hào, và còn là bệ phóng đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình phát triển của truyền hình Trung Quốc.
Lưu Lễ - người phụ trách dàn dựng kĩ xảo phim Tây Du Ký cho biết, trong phim đã sử dụng hơn 1.000 cảnh quay kĩ xảo. Thế nhưng anh cũng thừa nhận, với kĩ thuật làm phim lúc bấy giờ thì chưa thể gọi đó là kĩ xảo, bởi nó đều được làm bằng sức người, phương pháp thủ công, dựng phim ghép hình...
Ví dụ như cảnh phim dưới đây, nếu như thời nay chỉ cần xử lý đồ họa là có thể làm cây gậy biến mất thì ngày xưa nhân viên hậu trường phim đã chạy đến lấy cây gậy.
Nếu trên phim Đường Tăng là người nhã nhặn, thư sinh thì ngoài đời, nam diễn viên Từ Thiếu Hoa lại rất năng nổ, hoạt bát. Ngoài diễn xuất, ông còn đảm nhận cả vai trò lái xe cho đạo diễn Dương Khiết.
Mặc dù phim tạo được ấn tượng và được phát lại nhiều lần nhất trong lịch sử Trung Quốc, nữ đạo diễn Dương Khiết từng không muốn xem bộ phim do bà chỉ đạo. Bà thường nhắc đi nhắc lại vì thiếu kinh phí nên không thể làm phim Tây Du Ký đẹp hơn, do đó với kỹ xảo thô sơ, nhiều cảnh quay trong phim không được như ý.
Trúc An
Theo Vietnamnet