Bi kịch gia đình


Cao Xuân Chẹt và Cao Thị Vinh là một cặp vợ chồng trẻ ở bản Ón. Xét về phả hệ, chị Vinh phải gọi anh Chẹt bằng cậu ruột, nhưng cách đây 5 năm, sau một thời gian quấn quýt, 2 cậu cháu đã nên duyên vợ chồng. Ở bản Rục, ai cũng biết anh Chẹt và chị Vinh là cậu cháu ruột, nhưng chẳng ai xì xào ngăn cấm, bởi với người Rục chuyện “bà con” lấy nhau là chuyện hết sức bình thường.

Một gia đình người Rục trở lại sống trong hang đá, được bộ đội biên phòng vào thuyết phục trở lại bản. Ảnh: BP


Cách nhà anh Chẹt chỉ vài bước chân, anh Cao Xuân Tùng cũng vừa tổ chức đám cưới với chị Cao Thị Trang. Tùng và Trang là anh em con bác, con chú, tức bố Tùng là anh trai ruột của bố Trang. Vì là anh em con chú bác, lại chơi với nhau từ nhỏ nên 3 năm trước, khi vừa mới bước qua tuổi 14, trong những lần đi rừng, đi rẫy với nhau Tùng và Trang thấy thích nhau rồi quấn lấy nhau. Chỉ mấy tháng sau, dân bản thấy Trang đã mang cái bụng lùm lùm, hỏi của ai, Trang nói của anh Tùng. Thế là bố mẹ 2 bên, cũng là hai anh em trai quyết định tổ chức đám cưới để cho đôi trẻ nên vợ, nên chồng.

Ông Trần Xuân Tư - Trưởng bản Ón cho biết, ở bản Rục, trường hợp như vợ chồng Tùng và Trang không phải là cá biệt, chỉ nhẩm tính cũng đã có trên 15 cặp vợ chồng như thế. Theo ông Tư, cộng đồng người Rục có hơn 100 hộ,  xét  theo phả hệ, phần lớn đều có quan hệ anh em, họ hàng gần gũi với nhau.

Tại bản Rục này có Đồn Biên phòng Cà Xèng đóng quân. Nhiều năm qua, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, các chiến sĩ biên phòng nơi đây đã có công rất lớn trong việc dạy cho người Rục làm rẫy, làm lúa nước… dần dần đẩy lùi cái đói, xoá mù chữ, chăm sóc sức khỏe cho bà con. Nhưng trong câu chuyện giữa chúng tôi và các chiến sĩ biên phòng ở đây, hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết là chủ đạo và trăn trở, đau đáu của các anh.

“Chuyện gì chúng tôi cũng có thể can thiệp được, ngoại trừ chuyện bọn trẻ vào rừng rồi quan hệ với nhau. Họ sống trong rừng từ lâu, kết hôn theo kiểu nguyên thuỷ, đến giờ vẫn không thay đổi. Chúng tôi biết, nhiều cặp vợ chồng ở đây là con cậu lấy con dì, con cậu lấy cháu cô, con chú lấy con bác... mà không sao ngăn cản được, buồn quá!” – một chiến sĩ biên phòng có nhiều năm cắm ở bản Rục chia sẻ.

Suy thoái giống nòi

Theo ông Trần Xuân Tư, ở các bản người Rục, việc đau ốm của dân bản diễn ra như cơm bữa. Sức đề kháng của bà con rất yếu nên họ rất dễ bị các bệnh lạ, hiểm nghèo. “Bà con ốm yếu có thể do đời sống, ăn, uống khó khăn, nhưng theo tôi chắc chắn có nguyên nhân từ việc hôn nhân cận huyết thống” – ông Tư cho hay.

Chưa đầy 40 tuổi nhưng, chồng anh Cao Xuân Tường và chị Cao Thị Kèm trong già và ốm yếu chẳng khác gì đã bước vào tuổi 60. Đặc biệt là chị Kèm, thân thể gày đét như cây củi khô trên rừng. Hai vợ chồng chị lần lượt sinh được 7 đứa con, nhưng hiện tại chỉ còn được một đứa. Những đứa con của anh chị sinh ra đều yếu ớt, chỉ nuôi được chưa đầy năm đều mắc phải các căn bệnh lạ rồi qua đời. Được biết, trước khi trở thành vợ chồng, anh Tường và chị Kèm là anh em con cô, con cậu (mẹ của Tường là chị của bố Kèm).

Trở lại trường hợp của vợ chồng anh Chẹt và chị Vinh (cậu lấy cháu đề cập ở trên). Hai vợ chồng anh chị sinh được 3 đứa con nhưng đứa con trai đầu đã chết khi mới vào lớp 1, 2 đứa con gái con lại nay đau mai ốm. Đứa con gái út sinh năm 2012, năm nay đã 4 tuổi nhưng nặng chỉ chừng hơn 10kg, 2 tay lúc nào cũng run lẩy bẩy.

Chị Vinh  bảo: “Không biết mô, hắn cứ khóc suốt thôi, nuôi mãi mà chẳng thấy lớn, tới giờ tóc cũng không chịu mọc nữa”.

Theo ông Trần Xuân Tư, chuyện những đứa trẻ người Rục sinh ra như con của chị Kèm và chị Vinh không phải là hiếm. “Ở bản này chả thiếu những đứa trẻ từ lúc sinh đến lúc lớn không chịu ngủ, mắt cứ trợn lên, chân lại ngoặc lên đầu… Người Rục cứ tưởng con ma rừng về ám con họ, nhưng mời thầy mo về cúng mãi mà không khỏi. Chứng kiến những cảnh ấy, tôi ám ảnh mãi, cố giải thích về khoa học, nhưng bà con chẳng hiểu cho” – ông Tư nói.

Trầm ngâm một lúc lâu, ông Tư nói: “Nguyên nhân xét cho cùng cũng là do đói nghèo, thất học, hiểu biết không đến nơi đến chốn. Bởi đói nghèo nên trai, gái cũng ít ra khỏi bản, chỉ quanh quẩn với rừng rú, nương rẫy quanh bản để kiếm miếng ăn. Đến tuổi dậy thì, theo bản năng sinh tồn, duy trì nòi giống,  nhìn quanh cũng  chỉ người trong tộc mới chấp nhận lấy nhau. Mà người Rục vốn ít người, quanh đi quẩn lại rồi cũng hết, thế là anh em, họ hàng lấy nhau”.

Theo Dân Việt