Hơn một tuần qua (từ 15/12), Hà Nội liên tiếp ghi nhận trên 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, cao điểm có lúc lên đến 1.700 ca.
Hệ thống y tế, năng lực thu dung, điều trị của Hà Nội đứng trước thử thách lớn khi đây mới là lần đầu Hà Nội đưa việc điều trị F0 nhẹ tại nhà vào thực hiện.
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng số ca nhiễm tăng nhanh là điều đã được dự báo. Tuy nhiên, khi tốc độ lây lan không giảm, Hà Nội có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát rất lớn, nhất là trong đợt nghỉ lễ, Tết sắp tới.
Vì sao số ca nhiễm liên tục lập đỉnh?
Nguồn: CDC Hà Nội.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến ngày 22/12, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 32.044 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4, trong đó số mắc trong cộng đồng là 11.639.
Đáng chú ý, khi nhìn vào biểu đồ của CDC Hà Nội, số ca mắc theo ngày của Hà Nội đã tăng gấp 8 lần so với một tháng trước đó (từ khoảng 200 đến 1.600 ca/ngày).
Theo ông Phu, số liệu ca nhiễm phản ánh tương đối sát mức độ dịch bệnh của Hà Nội. Hà Nội vẫn kiên trì xét nghiệm nhanh, truy vết sớm đối với hầu hết chùm ca bệnh, nên việc phát hiện ra số lượng F0 lớn là điều không lạ.
Bên cạnh đó, khi áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ, việc tạo điều kiện cho hoạt động giao thương, kinh doanh, sản xuất của người dân cũng khiến Hà Nội khó tránh khỏi việc dịch bệnh lây lan mạnh. Nhất là khi người dân cần di chuyển, tiếp xúc nhiều đáp ứng nhu cầu công việc, vui chơi bị hạn chế trong thời gian trước đó.
"Số ca bệnh tăng nhanh, nhưng chủ yếu là ca nhẹ và không triệu chứng. Đây là điều ta cần chấp nhận để thích ứng linh hoạt trong thời điểm hiện tại", ông Phu nói.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận nếu thành phố không có các biện pháp để kiềm chế tốc độ lây lan, khả năng quá tải hệ thống y tế rất dễ xảy ra. Cùng với đó, ca mắc tăng nhanh đồng nghĩa với số F0 phải nhập viện, tử vong cũng tăng theo.
Ông Phu khuyến nghị thành phố nên có các biện pháp kiềm chế tốc độ lây lan như dừng một số hoạt động nguy cơ cao, không thiết yếu ở những địa bàn vùng cam, vùng đỏ; hạn chế đến mức thấp nhất sự kiện đông người trong phòng kín, các hoạt động vui chơi tập trung dịp lễ, Tết...
"Bên cạnh thiết chế quản lý, thành phố cũng cần nâng cao tinh thần tự giác của người dân, như tuân thủ 5K, hạn chế ăn uống, liên hoan dịp cuối năm. Ngày lễ, Tết cũng tránh đi thăm hỏi quá nhiều người, nhất là hạn chế tiếp xúc người già, trẻ em, người nhiều bệnh nền", ông Phu nói.
Đẩy nhanh mũi 3, sẵn sàng huy động thêm nhân lực y tế
Trả lời tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa trước đó, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh thẳng thắn thừa nhận nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn là rất rõ ràng.
Lãnh đạo thành phố cũng bày tỏ đặc biệt lo ngại với biến chủng Omicron đang hoành hành ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Khả năng lây nhiễm của Omicron gấp đôi so với chủng Delta và chưa có kết luận chính xác về khả năng gây bệnh đối với người nhiễm.
Chủ tịch Hà Nội cho biết thành phố đã chỉ đạo ngành y tế lấy mẫu đánh giá ngẫu nhiên đối với người nhập cảnh để giải trình tự gene, phát hiện ca nào nhiễm biến chủng Omicron thì Hà Nội áp dụng biện pháp tăng cường ngay.
Cán bộ tại trạm y tế phường thuộc địa bàn Hà Nội tất bật chuẩn bị chuyển F0, F1 tới khu cách ly. Ảnh: Hải Nam.
Về lộ trình tiêm vaccine mũi 3, ông Chu Ngọc Anh thông tin thành phố đã giao các đơn vị rà soát các đối tượng, người có nguy cơ cao, đảm bảo điều kiện mũi 2 đã đủ thời gian khoảng 4-6 tháng thì lúc đó mới bắt đầu tiêm mũi 3. Thành phố đã báo cáo với Thủ tướng về vấn đề này và chờ chỉ đạo.
Ông Ngọc Anh cho rằng việc tiêm mũi 3 của Hà Nội cần được triển khai do chuyên gia quốc tế đánh giá hiệu lực của vaccine giảm dần theo thời gian dù đã tiêm đủ 2 mũi. Bên cạnh đó, việc tiêm mũi vaccine tăng cường đã cho thấy hiệu quả đối với biến chủng Omicron.
Đồng tình với việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng thành phố cần sớm triển khai tiêm phủ nốt vaccine cho người chưa tiêm đủ và có kế hoạch sớm để tiêm mũi 3 cho nhóm ưu tiên, sớm có sự chuẩn bị nếu biến chủng Omicron xâm nhập.
"Năng lực, khả năng chống chọi của hệ thống y tế Hà Nội đã được nâng cao rất nhiều so với trước kia, nhưng sức người có hạn. Căng sức hết năm này qua năm khác để chống dịch là không thể", ông Phu nói và đề nghị thành phố sớm tăng cường nhân lực, vật lực cho y tế tuyến cơ sở.
Theo ông Phu, y tế tuyến cơ sở sẽ đảm đương vai trò chính trong giai đoạn hiện nay để điều trị F0 thể nhẹ, việc tăng cường năng lực cho đội ngũ này là việc cấp thiết. Trạm y tế lưu động, trung tâm y tế xã, phường cần sớm được tập huấn điều trị F0, có chính sách huy động sinh viên ngành y, y bác sĩ về hưu làm lực lượng dự bị trong trường hợp lực lượng tuyến đầu bị quá tải.
Cùng với đó, ông Phu cũng đề nghị ngành y tế cần có chế độ theo dõi, quản lý F0 tại nhà một cách chu đáo hơn, tránh trường hợp người mắc Covid-19 chậm được cấp phát thuốc, chậm được chuyển tầng khi có biểu hiện nặng.
Theo Zing