Theo đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 17/12, rét đậm, rét hại tiếp tục bao trùm khắp các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trong đó, lúc 6h sáng nay, tại trạm đo Hà Đông (Hà Nội) ghi nhận là 11,6 độ C; Mẫu Sơn 1 độ C; Sa Pa 4,6 độ C; Đồng Văn 4,8 độ C…
Từ ngày 18/12, không khí lạnh lại được tăng cường sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, khoảng gần sáng và ngày mai ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa nhỏ rải rác, các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất 10-13 độ C, vùng núi 7-10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C và có khả năng xảy ra băng giá.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) cho hay, do bộ phận không khí lạnh tăng cường từ ngày 18/12 nên dự kiến đợt rét đậm, rét hại này có khả năng kéo dài tới ngày 21-22/12, sau đó nhiệt độ có xu hướng tăng dần.
Theo ông Hoà, dự báo ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại với nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C, vùng núi 8-11 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C, một số nơi có độ cao trên 1.500m như Mẫu Sơn, Phia Oắc hay khu vực đỉnh Fansipan có thể xuất hiện băng giá.
Người dân đốt lửa sưởi ấm.
Nhiệt độ thấp nhất tại Bắc Bộ trong đợt rét này tập trung ở các vùng núi thuộc Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai.
Tại khu vực Hà Nội, theo ông Hoà, nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này phổ biến ở mức từ 11-13 độ C. Cảm giác rét nhất (rét đậm) từ nay cho đến ngày 19 - 20/12, do những ngày này, trời còn tiếp tục nhiều mây, rét cả ngày.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, do tính chất của đợt không khí lạnh lần này khác các đợt trước là trạng thái trời nhiều mây, âm u cả ngày, vì vậy, sẽ làm gia tăng cảm giác rét buốt.
Trước câu hỏi, đây đã phải là đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất của mùa Đông năm nay? Ông Nguyễn Đức Hoà cho rằng, khả năng đợt rét đậm, rét hại chưa phải là đợt mạnh nhất của mùa Đông năm nay.
Bởi, theo thống kê khí hậu thì các đợt rét cũng như nhiệt độ thường thấp nhất vào thời điểm tháng 1 và tháng 2 hàng năm.
"Hiện tại với năng lực dự báo của thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam thì dự báo hạn dài cũng như dự báo mùa mang tính xu hướng chung cho cả mùa, không dự báo được cụ thể từng đợt rét. Các thông tin cụ thể đó sẽ có trong các dự báo thời tiết 10 ngày", ông Hoà nói thêm.
Chuyên gia khí tượng này cũng nhấn mạnh, khi xảy ra rét đậm, rét hại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, đặc biệt là ở các khu vực vùng núi cao, nhiệt độ xuống rất thấp khoảng dưới 5 độ C.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo người dân ra đường cần chuẩn bị áo ấm và giữ cơ thể ấm, tránh cảm lạnh...
Bên cạnh đó, đối với những nơi vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá sẽ gây hại rất lớn đến cây trồng cũng như vật nuôi.
Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi trong thời gian mưa rét, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo nông dân không thả rông đàn trâu bò.
Trong thời gian rét đậm, rét hại chú ý dùng bạt che chuồng trại, dùng rơm rạ ủ ấm cho vật nuôi, bảo đảm nguồn thức ăn xanh, bổ sung thêm các loại thức ăn như cám, gạo, ngô, tinh bột để đủ dinh dưỡng cho vật nuôi phát triển. Che chắn cẩn thận cho các cây trồng để tránh băng giá.
Theo Tổ Quốc