Tôi không biết phải bắt đầu câu chuyện của mình như thế nào. Một góc nhỏ ở trang 31 trên tờ báo này lâu nay đã là bạn đồng hành của tôi. Suốt bao nhiêu năm qua, nó là người bạn lặng lẽ mà hữu ích, giúp tôi cố gắng vươn lên dù cuộc đời đôi khi không như mình mong ước. Nó động viên tôi đủ mạnh mẽ để đứng lên mỗi khi vấp ngã.

Và quan trọng nhất, nó như một viên thuốc an thần, cứu rỗi tôi, xoa dịu những cơn đau trong tôi mỗi khi thấy lòng mình đổ nát nhất.

Nó giúp tôi vịn vào những nỗi đau của người khác để thấy mình không đơn độc, để tôi cảm thấy dễ thở hơn, và tự an ủi mình rằng ngoài kia, thế giới rộng lớn và có vô vàn những số phận, những hoàn cảnh éo le không dễ chia sẻ. Rằng, mình đâu phải là một trường hợp dị biệt, ngoại lệ đến mức tự mình không thể chấp nhận được mình mà muốn hủy hoại chính mình.

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Có phải tôi là kẻ bệnh hoạn (Kỳ 1)-1
(Ảnh minh họa)

Thưa các anh các chị! Tôi năm nay đã bước sang tuổi 40. Tôi đang chuẩn bị có một quyết định lớn nhất và vô cùng quan trọng của đời mình. Một quyết định mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến từ trước 40 tuổi. Tôi muốn kết hôn với một người phụ nữ. Vợ tương lai của tôi là một thực tập sinh. 

Tôi quen cô ấy ở lớp học thạc sĩ, và tôi chính là thầy giáo hướng dẫn đề tài Thạc sĩ của cô ấy. Cô ấy năm nay đã 30 tuổi, là giáo viên của một trường phổ thông trung học trên địa bàn.

Chúng tôi đã có thời gian tìm hiểu 2 năm nay trong quãng thời gian cô ấy học thạc sĩ mà tôi là giáo viên giảng dạy. Chúng tôi đã quyết định đi đến kết hôn. Và vào thời khắc quan trọng nhất để tiến tới hôn nhân, tôi bỗng run sợ và hoang mang tột độ.

Thưa tòa soạn! Người ta có thể bước vào một cuộc hôn nhân thực thụ không khi mà tôi và cô ấy chưa từng bao giờ ngủ cùng với nhau. Hay chính xác hơn, 40 tuổi, tôi là một gã đàn ông chưa từng bao giờ lên giường với bất kỳ một người phụ nữ nào.

Tôi có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, một người vợ yêu thương, một gia đình yên ấm, một ngôi nhà có những đứa con xinh xắn ngoan ngoãn không khi mà tôi chưa từng thử chức năng sinh lí của mình với một người đàn bà đúng nghĩa.

Trong tôi có vô vàn thứ cảm xúc trái ngược và mâu thuẫn, giằng xé nhau, cào cấu nhau, đòi hỏi nhau, và lên án nhau. Tôi không thể giải quyết một cách thấu đáo hai gương mặt, hai con người ẩn trong tôi vô cùng khác biệt. Tôi có phải là người đàn ông dị biệt không khi chưa từng trải qua cảm xúc tình dục với phụ nữ. 

Và ngay cả khi quyết định đi đến kết hôn tôi vẫn chưa hề chuẩn bị tâm thế cho việc tôi sẽ làm chồng như thế nào. Tôi yêu vợ chưa cưới của tôi, ở bên cô ấy tôi có cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu, ấm áp và an toàn.

Ở bên cô ấy tôi thấy mình trỗi dậy một ham muốn và thèm khát cần có một gia đình bình thường như bao gia đình khác có chồng, có vợ, có con. Nhưng không hiểu sao tôi chưa từng gần gũi cô ấy về mặt thể xác.

Có một điều gì đó hoang mang sợ hãi đã ngăn cản tôi gần gũi cô ấy. Tôi không hình dung được chuyện đàn ông đàn bà nó sẽ như thế nào. Tôi không biết tôi có thực sự mong muốn để đi đến những cảm xúc đó không? Tôi không biết tôi cần cô ấy cho một cuộc hôn nhân nhưng tôi có thể ngủ với cô ấy với tư cách là một người chồng không. Đó là điều mà tôi rối trí nhất.

Thưa tòa soạn báo!

Chắc các anh các chị sẽ nghĩ tôi là thằng dở hơi, là trí thức học nhiều ngộ chữ đâm ra bệnh hoạn khác người. Ngay cả bản thân tôi, tôi cũng không hiểu nổi mình. Tôi bất lực. 

Không biết có phải từ nhỏ tôi đã có một tuổi thơ bất hạnh nên thành ra tôi dị biệt so với những đứa trẻ khác. Hay từ thuở ấu thơ tôi đã bị người lớn, đặc biệt là bố mẹ tôi ký tự lên tâm hồn trong trắng ngây thơ những vết sẹo khó lành. Những vết sẹo mà mỗi lần kích thích vết thương lại hở hoác, lại chảy máu. 

Không giấu gì các anh các chị. Thỉnh thoảng ở tuổi này tôi vẫn không từ bỏ được thói quen rạch cổ tay để nhìn thấy máu mình rỏ xuống. Mỗi lần như vậy, một cơn khoái lạc tự kỷ tràn ngập trong cơ thể tôi, tràn ngập trong tâm hồn tôi. Tôi đã “tự sướng” với cơn khoái lạc ấy trong suốt tuổi thơ ấu, cho đến lúc trưởng thành. 

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Có phải tôi là kẻ bệnh hoạn (Kỳ 1)-2
(Ảnh minh họa)

Và đến tuổi này, đã là một giảng viên dạy đại học, tôi vẫn chưa cai được những cơn thèm khát tự sướng với những vết rạch và máu. Vết sẹo thần kinh ấy đã giam cầm tôi trong khoái lạc bệnh hoạn mà nó mang lại.

Tôi có những ký ức kinh khủng về gia đình. Bố tôi là một người đàn ông nghiện ma túy. Mẹ tôi yêu ông ấy từ thời sinh viên. Biết bố tôi nghiện ma túy, bị đuổi khỏi trường đại học, nhưng mẹ vẫn chấp nhận yêu và lấy ông ấy. 

Một cuộc hôn nhân điên loạn và mù quáng. Bởi từ khi tôi có mặt trên đời, khi tôi lớn lên biết nhận thức về mọi điều thì tôi chưa từng bao giờ thấy mẹ tôi được bố đối xử tử tế. Mẹ tôi chưa một phút giây nào được làm một người vợ hạnh phúc đúng nghĩa ngoài chuyện bố tôi mang lại cho mẹ tôi thứ khoái lạc bệnh hoạn của đàn ông và đàn bà. Thứ mà trong ký ức tôi vô cùng sợ. 

Tuổi thơ của tôi chìm đắm trong sự sợ hãi và ghê tởm bố. Những cơn vật đói ma túy của bố biến bố thành bệnh hoạn. Mẹ tôi đi làm ở cơ quan chỉ để kiếm tiền mua ma túy cho bố. Sau những cơn phê ma túy, bố lao vào mẹ. Căn nhà 15 mét vuông chỉ có một cái sàn nhà duy nhất để ba bố con mẹ con nằm ngủ. Bố kéo cái ri đô màu cháo lòng bẩn thỉu lại và lao vào làm tình với mẹ. Mẹ cũng quấn lấy bố gầm rú sau cái ri đô kia.

Từ bé, tôi đã phải ngồi trước tấm màn ri đô để dành chốn riêng tư cho bố mẹ. Khi lớn lên một chút, biết xấu hổ, nếu lỡ đi học về mà nhìn thấy cảnh đó thì tôi lẻn ra trước cửa nhà và ngồi chờ. 

Tôi không hiểu sao mẹ tôi vẫn cung cúc tận tụy phục vụ ma túy cho bố vô điều kiện. Dù nhà đói rách, mỗi mẹ đi làm, cơm còn chạy bữa thiếu trước hụt sau, tôi còn không mấy khi được ăn no, nhưng mẹ vẫn cố dành tiền mua ma túy cho bố. Hôm nào bố lên cơn vật, mẹ không xoay được tiền, bố đánh mẹ rách mặt, sưng vều. 

Thế nhưng hễ xoay được tiền, có ma túy để hít, bố mẹ lại lao vào nhau như hai con sói trong khi mặt mũi mẹ rách bươm túa máu vì vết thương cũ bố đánh buổi sáng chưa kịp lành. Bố phê ma túy còn mẹ phê tình dục của bố. Cứ thế cả hai ngập ngụa vào cái gọi là bản năng thú tính hoang dã nhất, bỏ mặc cảm xúc của đứa con trai bắt đầu hiểu chuyện.

Tôi ghê tởm cả bố lẫn mẹ. Ở nhà tôi không chơi với trẻ con hàng xóm. Mà cũng chả trẻ con nhà nào dám chơi với con của kẻ nghiện ma túy. Ở lớp tôi cũng không chơi với bạn nào. Tôi sống lủi thủi và cô độc. Tất cả những vết sẹo trong tâm hồn tôi ngày một dầy lên, chồng lên nhau chai lì. 

Ở trường, có một ông giáo già đã nghỉ hưu hiện làm bảo vệ ở trường đã nhìn thấu nỗi cô đơn của con sói con là tôi. Ông ấy đã đến bên tôi với tất cả những yêu thương trắc ẩn của một số phận cũng buồn bã và cô đơn không kém. 

Ông ấy sống cô độc trong căn nhà cấp 4 vừa là phòng bảo vệ, vừa là chỗ ở. Ngày ngày ông trông trường, canh giờ đánh trống và cai quản lũ trẻ con giờ ra chơi và lúc tan trường. Tôi không thấy ông ấy có người thân hay vợ con bên cạnh. Ông ấy sống một mình trong căn phòng 10m vuông. Và vì tôi là trẻ con nên cũng chả quan tâm ông ấy là ai, từ đâu tới. 

Chỉ biết rằng, người ông ấy gầy, gương mặt đầy nếp nhăn. Ông ấy đã chọn tôi trong số hằng trăm đứa trẻ kia để trao cho tôi sự quan tâm tình yêu thương đặc biệt. Tôi như con sói hoang bấu víu nương tựa vào tình yêu thương duy nhất ấy để sống, để lớn lên. Có những lúc tôi ước ao giá mà ông ấy là người bố thực sự của mình.

Thưa các anh các chị.

Bố nghiện ma túy, mẹ bươn chải đi làm để phục vụ bố, tôi trở thành một đứa trẻ bơ vơ thiếu tình thương và sự quan tâm săn sóc của gia đình. Từ những ngày đầu đến trường, không biết may mắn hay bất hạnh, tôi đã trở thành người bạn nhỏ duy nhất của ông giáo già.

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Có phải tôi là kẻ bệnh hoạn (Kỳ 1)-3
(Ảnh minh họa)

Bắt đầu là những buổi sau giờ tan học, khi nhìn cái bóng lủi thủi cô độc của tôi bước ra khỏi lớp là ông giáo già lại tới dắt tay tôi đi trên sân trường. Ông thường rất dịu dàng với tôi.

Thường thì sau những buổi tan trường ông đón tôi ở cửa lớp. Ông biết tôi là đứa trẻ duy nhất không có ai đón, tôi tự đi bộ đến trường, và tự đi bộ về nhà. Ông cũng đọc thấy và thấu hiểu nỗi cô đơn trong một đứa trẻ tội nghiệp để tôi ngồi bên cạnh ông trên một gốc cây trên sân trường và trò chuyện cùng tôi. 

Ông hỏi thăm tôi từng li từng tí như một người cha quan tâm chăm sóc tới con. Ông dành những mẩu bánh nhỏ, cái kẹo để cho tôi lúc tan trường. Ông đơm cho tôi từng chiếc cúc áo bị đứt. Vá cho tôi những mảnh vá khi quần tôi bị trượt ngã rách gối như một người mẹ tận tụy và thương con. 

Ông dành dụm tiền lương mua cho tôi chiếc cặp mới để tôi đeo ngày khai trường hay từng cái bút, quyển vở. Ông kiểm tra sách vở tôi sau mỗi buổi học, kiểm tra lại kiến thức xem tôi đã nắm chắc chưa. Ông rất chú tâm tới việc học của tôi và luôn dạy tôi phải học để thoát cảnh bần hàn. 

Có những hôm ông nấu niêu cơm nhỏ trong căn phòng bảo vệ vừa là chỗ làm việc vừa là nơi sinh hoạt của ông và luộc cho tôi mấy quả trứng gà nóng hổi. Ông ngồi đơm cơm nhìn tôi ăn như một con ma đói mà nước mắt ông ứa ra. 

Tôi như một con sói con đơn độc, đói khát tình yêu thương của bố mẹ và đói khát cả theo nghĩa đen vì có những hôm tôi nhịn đói đến trường. Ông dạy tôi chơi cờ, chơi khăng, đánh đáo. Ông dạy câu cá, bắn chim, dạy tôi tất cả những gì mà người cha cần thiết phải dạy cho con trai mình thuở ấu thơ. 

Ông giáo già đã ở cạnh tôi những năm tháng ấy, chăm sóc và bù đắp cho tôi những thứ tôi khát thiếu. Và có lẽ thiếu thốn lớn nhất trong tôi là thiếu thốn tình cảm. Ông giáo già đã đóng trọn vai của một người tốt với tình yêu thương trìu mến quan tâm chăm sóc và lo việc học hành cho tôi suốt cả những năm tháng tôi cắp sách đến trường.

Bố mẹ tôi biết được những tình cảm đặc biệt mà ông dành cho tôi. Bố mẹ tôi đã nghiễm nhiên lợi dụng tình thương của ông để tiện thể quẳng tôi cho ông chăm sóc. Có những ngày, tôi đi học về cửa nhà khóa im ỉm. Tôi chờ mãi cho đến tối mịt bố mẹ tôi vẫn chưa về. Tôi ngủ gục bên cửa nhà và chỉ giật mình tỉnh giấc khi nước mắt đang chảy đầm đìa trong mơ ướt cả hai má. 

Lúc đó tôi mới giật mình nhận ra ông giáo già gầy gò với chiếc xe đạp cũ đang cúi xuống lay tôi dậy. Ông nói với tôi: "Con ngồi lên đây bác đèo về trường". Ông già vẫn đóng vai là ông Bụt hiện lên để cứu tôi những lúc tôi rơi vào tình thế khó khăn, và còn hơn thế nữa...

(Còn nữa)
Theo An Ninh Thế Giới