Giữa tháng 6, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân P.V.K. (16 tuổi). Bệnh nhân này bị gãy xương đùi. Điều đáng nói, tại vị trí vết thương có buộc một con gà trắng đã bị cắt tiết.

Trước đó, K. không may bị ngã gãy xương đùi khi trèo cây. Người nhà liền cắt tiết một con gà trắng rồi cột chặt vào vết thương. Đây là phương pháp chữa trị gãy tay, chân được người đồng bào dân tộc Hre truyền từ đời này sang đời khác.

Phương pháp chữa trị này khiến vết thương của K. bị nhiễm trùng. Rất may, các bác sĩ kịp thời xử lý vết thương, tránh biến chứng. Hiện sức khỏe của K. đã ổn định.

Chuyện lạ, bắt gà cắt tiết rồi buộc vào chân để chữa... gãy xương đùi-1
Người nhà của em K. bắt gà trắng cắt tiết rồi bó vào chỗ gãy xương với niềm tin vết thương sẽ mau lành (Ảnh: Trà Câu).

Dùng gà bó vết thương chỉ là một trong nhiều phương pháp trị bệnh theo kiểu truyền miệng, mê tín của người dân vùng cao Quảng Ngãi. Nhiều năm trước, cũng tại huyện Ba Tơ, xuất hiện một số thầy cúng tự xưng có thể chữa bệnh bằng cách cắn vào người để hút đá độc.

Thầy cúng sẽ dùng miệng hút vào một số điểm trên cơ thể người bệnh. Sau đó thầy cúng lấy từ trong miệng ra những viên đá và cho rằng đây chính là nguyên nhân gây bệnh. Thầy cúng thu của người bệnh 200.000 đồng khi "hút" được một viên đá.

Việc chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan, truyền miệng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh. Nhiều gia đình còn bị thầy cúng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn. Do đó, chính quyền các huyện vùng cao đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Theo ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, các phương pháp chữa bệnh này đều là hủ tục mê tín dị đoan, không dựa trên cơ sở khoa học nào. Bệnh nhân không những không hết bệnh mà còn tốn tiền, tốn thời gian điều trị.

Việc chữa bệnh mê tín dị đoan gây ra tác hại rất lớn, bệnh nhân có thể bị biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Do đó việc này cần phải bị lên án, đấu tranh xóa bỏ.

Tuy nhiên, do đặc thù vùng cao nên việc xóa bỏ cách chữa bệnh mê tín dị đoan cũng gặp nhiều khó khăn. Muốn thực hiện được việc này cần có thời gian tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

"Ngoài tuyên truyền thì hệ thống y tế cơ sở phải làm tốt việc chữa bệnh cho bà con. Từ đó, bà con hiểu rằng khi đau ốm phải đến cơ sở y tế để được điều trị. Cần có thời gian, sự chung tay của nhiều ngành mới xóa bỏ được tình trạng chữa bệnh theo kiểu mê tín, truyền miệng", ông Nam nói thêm.

Theo Dân Trí