Anh Nguyễn Văn Tân (tài xế xe ôm công nghệ - TP Thủ Đức, TP HCM) khệ nệ rinh những túi quần áo từ xe trao cho nhân viên cửa hàng 0 đồng tại tầng trệt của lô 9, cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM), nhân tiện nhìn quanh sào quần áo. Thấy vậy, một nhân viên của cửa hàng mời anh vào lựa mấy chiếc áo dài tay để tiện "hành nghề" chạy xe.
Bà Bùi Thị Thu Uyên, chủ cửa hàng gian hàng 0 đồng
Khoảng 10 phút sau, anh Lâm đã lựa được cho mình 2 – 3 chiếc áo sơ mi dài tay, cùng chiếc áo khoác còn mới tinh. "Tôi giao quần áo đến đây nhiều lần rồi mà không biết ở đây có đồ nam. Nay chọn được mấy chiếc áo rất ưng ý, tôi vui lắm!" - anh Tân khoe.
Nhiều người lao động khó khăn vui mừng vì chọn được đồ mới với giá 0 đồng
Cửa hàng này của bà Bùi Thị Thu Uyên (52 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). Trước đây, bà Uyên thu về mỗi tháng hơn 10 triệu đồng từ việc cho thuê mặt bằng nhưng tháng 10-2023 bà quyết định mở gian hàng 0 đồng, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Gian hàng của bà hoạt động mỗi tuần 3 ngày (thứ hai, thứ năm, thứ bảy) từ 9 đến 11 giờ 30 phút.
Khách đến cửa hàng chọn quần áo
Kể về thời gian đầu khi mới mở gian hàng bà Uyên cho biết lúc đó chưa có nhiều người biết đến, quần áo chưa nhiều, bà cùng những người bạn phải bỏ tiền túi để mua quần áo về trưng bày. Chỉ sau khoảng 2 tháng hoạt động, thông tin về gian hàng được nhiều người lan tỏa và quần áo cũng được gửi đến nhiều hơn.
Gian hàng 0 đồng mở cửa 3 ngày/tuần
Giày dép trưng bày tại cửa hàng
"Khi mọi người biết đến nhiều hơn, quần áo được gửi đến liên tục. Ban đầu mình chỉ tặng mỗi người 3 cái, khi đồ được gửi đến nhiều tăng số lượng lên 10 cái/người nhưng đồ vẫn chất ngập lối đi" - bà Uyên nói.
Khách chọn hàng tại cửa hàng 0 đồng
Gian hàng không chỉ có riêng bà Uyên mà những người bạn của bà nghe tin cũng đến phụ giúp mỗi người một tay. Quần áo nhận về sẽ được các thành viên trong nhóm phân loại rồi giặt ủi sạch sẽ trước khi cho lên sào. Với những quần áo dài, đồ lạnh sẽ được các chị đóng gói cẩn thận để mang đi tặng cho bà con vùng cao, số khác sẽ được mang về các tỉnh miền Tây.
Quần áo nào quá cũ, rách, nhóm của bà cho các thợ cơ khí, thợ máy. "Nếu biết tận dụng, quần áo nhận được để cho tất cả các đối tượng phù hợp, không lãng phí món nào" - bà Uyên vừa soạn đồ vừa nói.
Theo Người lao động