Trưa nắng chang chang, hai bác cháu ngồi nói chuyện, từ Đông sang Tây, có khi lạc đến nửa vòng đất nước.

Đang ngồi tự nhiên bác hỏi: "Con sống có vui không?". Con bé cười, chắc nhạt hơn nước lọc rồi hỏi ngược: "Bác sống có vui không?".

Ông già trầm ngâm: "Đời tui lúc vui lúc buồn à, buổi trưa không gian trầm lắng, tui thấy buồn và nghĩ đến việc tự tử...".

- Kì ta, bác lạ ghê.

- Ừa, đó là tui cố giấu đi rồi đó.

12h trưa, bác cháu tạm biệt nhau không chút quyến luyến. Tôi bước ra đường đúng tâm trạng của người nghệ sĩ 70 tuổi vừa nói. Không lẽ tôi cũng kì...


Mạc Can lạ lắm, ngay cả cái ý tưởng ông nghĩ ra để tự kết liễu đời mình cũng chẳng giống ai. Mấy lần ông định treo cổ, dùng cây nước đá để dưới chân, chờ nó tan đi rồi chết từ từ nhưng rồi lại sợ đá tan chậm quá, bản thân sẽ đổi ý. Thế nên thôi.

Nghe xong, ai cũng cười. Đó, cái cách ông "nhặt" được nụ cười của thiên hạ bằng thứ cảm xúc chẳng mấy vui vẻ ấy - cũng giống như khi ông bước lên sân khấu để tấu hài.

Mạc Can bảo ông sinh ra là để làm hề vì chỉ cần thấy mặt, khán giả đã cười. Ông càng buồn, người ta lại càng cười to, vỗ tay càng lớn.

Bầu sô thì vỗ vai, phán câu xanh rờn: “Bữa sau diễn máu như bữa nay nha ông Can” mà đâu biết trong lòng ông đang hỗn độn.

Nghệ sĩ Mạc Can ngồi ở quán cafe ven đường, nơi ông vẫn thường lui tới.
Nghệ sĩ Mạc Can ngồi ở quán cafe ven đường, nơi ông vẫn thường lui tới.


Trước khi gặp diễn viên Mạc Can, tôi nghĩ cuộc đời ông là những trang sách buồn, ẩn chứa nhiều nỗi cô đơn.

Gặp ông rồi, tôi chẳng định thay đổi, nhất là khi nghe ông bảo: “Tui giấu cảm xúc của mình tốt lắm, nói chuyện mà thấy chuẩn bị khóc thì lập tức quay sang chỗ khác rồi cười ha ha ha, vậy là hết. Tỉnh queo luôn".

Nhưng cũng có lúc, trong câu chuyện ấy, tôi thấy có lỗi vì đã nhìn vào cuộc đời ông bằng ánh mắt đầy thương cảm.

70 năm sống trên đời, trải qua quá nhiều biến cố, thứ ông xứng đáng được nhận hơn đó chính là sự trân trọng.

Tương lai mù mịt

Mạc Can tên thật là Lê Trung Can. Ông sinh năm 1945 trên một con ghe hát ở Tiền Giang, bố mẹ kiếm sống bằng nghề diễn nên nghiễm nhiên ông được tính là con nhà nòi. Từ nhỏ, Mạc Can đã bước lên sân khấu, bám vào cái nghiệp để kiếm cơm qua ngày.

Lênh đênh trên sông nên cuộc sống rày đây mai đó, bữa đói bữa no. Bữa nào trời thương, khô ráo, cả đoàn mới có bát cơm nóng. Bữa nào mưa xuống, ai nấy nhìn nhau mặt héo như tàu lá, đến cháo cũng chẳng có mà húp.

Đói có đáng sợ không? Có chứ, nhưng chẳng thể sánh bằng nỗi sợ hãi đang mọc rễ trong suy nghĩ của một đứa trẻ.

Ngay từ ngày ấy, Mạc Can đã mường tượng về tương lai bằng cái nhìn đầy u ám. Ông sợ rồi đây mình cũng chìm nổi như đám bèo ven sông hay như thanh củi khô dạt vào bờ ngày mưa bão.

Đến tuổi đi học, thấy người ta được đến trường, mình không, ông tủi thân đến bật khóc. Khát con chữ nên mỗi lần ghe hát ghé lại chờ diễn, ông tức tốc chạy lên bờ, tìm trường học rồi nghe lóm.

Không có giấy cũng chẳng có bút, cậu bé Mạc Can cứ thế, dùng chính trí nhớ của mình “chụp ảnh” con chữ để rồi khi rảnh rang, lại lấy ra ôn.

Người ta học chữ từng bước một còn quên quên, nhớ nhớ. Còn ông phải bắt thân với nó bằng những cuốn tiểu thuyết dày cộm. Ấy vậy mà cũng xong. Nhờ chăm chỉ, dần dà, ông và “nó” (con chữ - PV) cũng trở thành người quen.

Nhưng càng thân với “nó”, ông lại càng chán nghề, chán cái cuộc sống sông nước, nay ghé chỗ nọ, mai ghé chỗ kia để mua vui cho thiên hạ. Vậy nên, khi gánh hát tan, gia đình chuyển lên Sài Gòn sinh sống, ông chịu liền.

Thấy ông không mấy tha thiết, bố mẹ quyết định gửi ông vào nhà thờ học chữ. Được ba năm, ông lại phải nghỉ vì máu nghề trong lòng bố vẫn còn nguyên. Gia đình di chuyển, ông còn cách nào khác.

Ấy vậy nhưng cũng chẳng được bao lâu. Một phần vì không hợp cụ thân sinh nên ông quay trở lại Sài Gòn, tự mình kiếm sống.

Và cũng sau cái lần chia tay ấy, chẳng mấy khi ông có cơ hội gặp lại gia đình. Cuộc sống cô đơn cũng từ đó bắt đầu.


Cuộc sống cô đơn

Chẳng người thân thích, không bạn bè, Mạc Can và nghiệp diễn cứ tựa vào nhau mà sống. Từ phòng trà này, sang sân khấu khác, cả hai cứ bám víu, giữ rịt lấy nhau để đắp đổi qua ngày.

Không chết đói nhưng cuộc sống của Mạc Can cũng chẳng có gì vui. Tương lai với ông vẫn mù mịt và vô định lắm.

Cũng chính trong những ngày ấy, khi đang dò dẫm bước đi trên phố với cái dáng cúi đầu như thể lượm bạc cắc cùng bộ quần áo ố màu, sờn vai, Mạc Can bị công an bắt.

“Ngày ấy, cứ thấy nghèo nghèo, người ta liền nghĩ là kẻ gian”, ông cười.

Xộ khám, “kẻ gian” ấy được các bạn tù đón nhận nồng nhiệt lắm. Người ta nhận ra, gọi ông là nghệ sĩ và đặc cách cho ông chẳng phải làm những công việc nặng nhọc.

Rồi họ hùa nhau, dọn luôn cho ông một chỗ gọi là sân khấu ngay trong trại giam để biểu diễn. Đó cũng là lần đầu tiên ông được phong là nghệ sĩ. Nghe cũng oách!

Hết hai tuần, ông được thả. Lúc thắc mắc: “Tại sao giam tui lâu vậy? Tui có làm gì sai đâu, chỉ không có giấy tờ thôi mà”, ông nhận được câu trả lời ráo hoảnh: “Ừ thì thả ông sớm cũng được nhưng mà thả ông rồi, ở đây không có vui”.

Cứ như đùa!

Nhưng đời ông nhiều chuyện đùa lắm. Ai quen với Mạc Can rồi đều biết ông không có nhà. Hành trang của ông cũng chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo, con xe, cái máy tính, chiếc điện thoại thông minh và cái đồng hồ được tặng.

Nhẹ nhàng vậy cho dễ di chuyển vì Mạc Can không thích ở nơi nào đó quá lâu. Chán khách sạn này, ông lại di chuyển sang chỗ khác.

Mỗi đêm cũng tốn vài chục nghìn nhưng ông chẳng chịu tận hưởng cảm giác chăn ấm đệm êm bởi Mạc Can không ngủ được.

Khi đêm xuống, cũng chính là lúc ông tẩn mẩn với từng con chữ. Hết viết văn, ông lại viết báo, kì cạch cả đêm để chờ sáng nhưng nhiều đêm không chờ nổi, ông trốn vào góc phòng, ngồi thu lu ở đó, chẳng biết để làm gì.

Mãi khi trời sáng, mọi người bắt đầu thức giấc, ông mới chợp mắt được một chút. Hỏi ông không mệt à, ông cười lành: “Tui quen rồi, ban ngày thỉnh thoảng ngồi như này cũng ngủ được một lúc đó”.

Và cả sự cô đơn nữa, chẳng biết từ bao giờ, ông bắt đầu quen với nó, chỉ biết rằng “họ” yêu nhau lắm, chẳng dứt ra được.

Thế nên, ông đâu thể dành tình yêu cho những người khác phái. Dạo trước còn trẻ, ông còn chẳng mấy khi nghĩ tới, giờ già rồi lại càng không thấy bận lòng. Sống riết cũng quen.

Trong câu chuyện dài, chúng tôi không một lần nào nhắc tới bệnh tật, một phần cuộc sống của người nghệ sĩ bây giờ, bởi tôi chẳng tìm thấy lý do gì để nhắc đến chúng.

Mạc Can nói cuộc sống của ông bây giờ vẫn đầy đủ những cung bậc cảm xúc, lúc vui, lúc buồn. Ông vẫn được mời đi diễn thường xuyên, lịch chạy sô đôi lúc còn bận rộn hơn bọn trẻ.

Thời gian rảnh rỗi, ông dành để viết về cảm nhận và những trải nghiệm trong cuộc sống. Cũng nhờ thói quen ấy nên ông trở thành nhà văn ở cái tuổi xế chiều. Vậy là vui.

Cuộc trò chuyện kết thúc khi người nghệ sĩ ấy lại muốn di chuyển. Chúng tôi chào nhau, ông lẫm chẫm bước từng bước một như đứa trẻ về phía chiếc xe máy dựng sát tường, run rẩy bước lên.

Tự nhiên thấy lo, tôi không giấu được cái nhìn ái ngại: “Bác đi cẩn thận nhé”. Như hiểu được, ông nói, chắc như đinh đóng cột: “Không sao đâu, tui đi chậm lắm”.

theo Trí Thức Trẻ