Đó là câu chuyện của anh xe ôm kiêm shipper Nguyễn Văn Tiến (SN 1980) - cái tên mà chắc chắn nhiều người sống và làm việc ở khu vực ĐH Ngoại thương Hà Nội đều nhớ đến bởi đã nhiều năm nay, người ta quen với hình ảnh anh xe ôm chuyên phục vụ các loại dịch vụ ship, từ đưa hàng cho các cửa hàn online, đến đưa công văn hoả tốc, giao luận văn (ngoài trường), đưa đón con, mang giấy tờ đi công chứng... Như lời giới thiệu về anh trên facebook P.H - một cán bộ đang làm việc trong trường ĐH Ngoại thương: "Nói chung gi gỉ gì gi anh ấy cũng làm. Mà quan trọng là anh ấy làm vô cùng trách nhiệm, giá cả rất phải chăng, biết giảm giá, khuyến mãi, không nề hà bất cứ việc gì, và luôn hướng tâm thức của mình về gia đình 1 vợ 2 con ở quê". 

Những lời giới thiệu về anh xe ôm khá đặc biệt này nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là những người sống và làm việc xung quanh đoạn phố Chùa Láng. 

Chúng tôi gặp anh Tiến vào một buổi chiều mùa hè khá oi bức, khi anh đang chuẩn bị chở khách. Sự thân thiện, gần gũi và chân thật của anh quả thực đã tạo thiện cảm từ phía chúng tôi dù mới chỉ lần tiếp xúc đầu tiên.

Chiếc xe máy là bước ngoặt cuộc đời 

Anh Tiến sinh ra trong một gia đình 5 anh em nghèo ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội. Bố anh Tiến thường xuyên uống rượu, kinh tế gia đình luôn rơi vào cảnh khó khăn, không nhận được sự quan tâm của mọi người trong đại gia đình. Ngay từ nhỏ, anh luôn suy nghĩ phải sống khác bố mình để vợ con đỡ khổ và được mọi người tôn trọng. Mặc dù phải nghỉ học từ năm lớp 6, anh Tiến vẫn ấp ủ bao suy nghĩ về tương lai, sự cầu tiến trong cuộc sống, trong công việc lao động thường ngày của anh. 

Năm 2004, anh Tiến rời quê lên Hà Nội ấp ủ suy nghĩ thay đổi cuộc sống của mình và của cả gia đình. Từ hai bàn tay trắng, anh đi làm thuê đủ mọi thứ nghề từ đẩy xe rác, lượm ve chai… và ai bảo gì làm đấy để mong kiếm được đồng vốn xoay xở làm ăn. Sau hơn một năm làm việc ở Hà Nội, anh Tiến quyết định lấy vợ để ổn định cuộc sống. 

Anh Tiến luôn muốn thay đổi cuộc sống của mình bằng chính sự thân thiện, chăm chỉ trong công việc lao động thường ngày. 

Số tiền mừng đám cưới chẳng được là bao nhưng anh phải đưa hết cho mẹ để chi trả nợ nần của cả gia đình vay mượn trước đó. Dành dụm được 8 triệu đồng sau nhiều năm đi làm thuê, anh Tiến quyết định vay thêm bạn bè, hàng xóm mua chiếc xe Honda Dream 16 triệu 800 nghìn đồng. Chiếc xe máy chính là bước ngoặt trong cuộc đời anh bởi với chiếc xe này, anh Tiến dự định đi làm nghề xe ôm ở Hà Nội để kiếm tiền nuôi gia đình và trả nợ.  

Những ngày đầu làm xe ôm, anh Tiến thường xuyên đứng đón khách ở ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã. “Lúc đầu mình chẳng quen ai làm xe ôm, cũng không biết chọn chỗ đứng nào phụ hợp. May mắn lại quen một anh chủ quán cafe ở đầu đường Nguyễn Chí Thanh, anh ấy cho đứng nhờ trước cửa để đón khách”, anh Tiến kể. 

Khuôn mặt hiền lành, chân chất của anh khiến nhiều khách hàng đi xe ôm cảm thấy tin tưởng và yêu mến.

Không định vị được chỗ đứng phù hợp, đường sá Hà Nội cũng không nắm rõ, anh Tiến luôn gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu bước vào nghề. “Nhiều lần mình rất chán nản, buồn tủi muốn đi tìm việc khác nhưng rồi được nhiều người động viên, làm nghề xe ôm thì không thể vội vàng, phải làm lâu mới có khách quen. Thế là mình lại tiếp tục với công việc này”, anh Tiến nói. 

Sau vài tháng kiên nhẫn đứng đón khách trên phố, anh Tiến dần dần quen và thông thạo đường phố hơn. Những người khách của anh cũng đủ hết kiểu người, từ người làm công chức, người lao động và cả người dân sống gần khu vực nơi anh đứng. “Việc mình càng ngày càng cảm thấy yêu nghề không chỉ là do khách hàng đông mà còn do mình nghĩ sẽ giúp được họ trong việc đi lại. Giá cả mình tính vừa phải chứ chẳng ép ai, thế mới bền lâu được”, anh Tiến tâm sự. 

Gắn bó với chiếc xe máy hàng ngày, làm việc bằng sự chân thành, anh Tiến được nhiều khách quen gọi khi muốn di chuyển. “Sau mỗi lần chở khách, mình thường nói chuyện và xin lại số điện thoại và dặn họ khi cần cứ gọi vào số mình, mình qua tận nơi đón”. 

Sau hơn 5 năm đứng tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã, anh Tiến được nhiều khách quen góp ý chuyển về ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Láng Hạ. Địa điểm mới không đón được khách lạ nhiều, nhưng đây lại là nơi mà khách quen của anh làm việc. Do đó, anh vẫn đứng ở đây cho đến tận bây giờ.  

Chẳng quản nắng mưa, anh Tiến luôn cố gắng, số tiền thiếu khi mua xe, anh cũng đã trả được sau vài năm sau đó. Xong nợ, anh vẫn tiếp tục công việc và chăm lo cuộc sống gia đình. 

Xe ôm hay shipper cũng cần nhất sự chân thành

Mưa dầm thấm lâu, xe ôm không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là công việc yêu thích hàng ngày của anh. Rời phòng trọ từ lúc hơn 5h sáng mỗi ngày và trở về khi tối muộn nhưng lúc nào anh Tiến cũng thấy vui vẻ. Hàng ngày được làm việc, được nói chuyện với nhiều người, có người là khách quen, có người là khách lạ nhưng anh luôn thấy những điều ý nghĩa, mới lạ từ họ. Nhiều người yêu quý gọi anh là chàng xe ôm kiêm shipper thân thiện nhất Hà thành.

Hơn 10 năm làm việc, số lượng khách hàng thân thiết, quý mến anh lại lớn hơn. Không chỉ chở khách như một xe ôm thông thường, chính niềm tin của khách hàng đã mở thêm cho anh Tiến nhiều công việc khác. “Được nhiều chị khách hàng tin tưởng, có ngày buổi sáng mình đón 2-3 cháu bé của những người khách quen đến trường. Được chở các bé mình thấy rất vui, cảm giác như được gần các con mình ở quê”, anh Tiến nói. 

Bên cạnh đó, ngoài giờ đi làm và tan ca, anh Tiến đứng đón khách đi xe ôm trên đường. Chẳng nề hà đường sá xa xôi, cứ có khách là anh đi: “Những lúc khách quen không gọi, có khách lạ đi xa mà trả rẻ hơn một chút mình cũng đi. Mình đi chở khách cả về Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình… Kiếm được đồng nào hay đồng đó, còn hơn là đứng không”. 

"Công việc nào cũng vất vả, khó khăn cả nhưng mình biết cố gắng thì mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt" - anh Tiến tâm sự. 

Điều đặc biệt ở người xe ôm này đó chính là sự đa năng, anh Tiến luôn sẵn sàng bất cứ khi nào được gọi. Đối với khách quen, anh là một shipper toàn diện. Chỉ cần một tin nhắn có nội dung tên thuốc, địa điểm, anh sẽ chủ động đi mua về giao cho khách mà không đắn đo. Hay từ một tin nhắn ghi tên cuốn sách cần mua, anh Tiến sẽ đến cửa hàng sách mua và đưa đến đúng nơi cần. “Mình có quen nhiều người đang làm việc ở một trường đại học, vào những ngày lễ, tết họ rất bận, mình thường đi giao hoa, quà cho họ khi cần. Mình còn giao cả luận văn, giáo án cho các bạn giảng viên, sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội nữa” - anh Tiến nói. 

Ở anh Tiến luôn toát lên sự thân thiện, chân thật trong công việc của mình. Anh chia sẻ: “Nghề nào cũng có khó khăn nhưng mình nghĩ cần phải có sự cố gắng. Yêu nghề và sống chân thật là cách để mình vươn lên mỗi ngày. Mình tin là khi khách hàng họ tin tưởng và yên tâm ngồi sau xe mình, hay giao đồ cho mình… thì chắc chắn họ sẽ không để mình thiệt thòi”. 

Sống thân thiện và chân thành, đó là phương châm sống, phương châm làm việc của anh Tiến trong nhiều năm qua. Đã có nhiều khách quen muốn giúp anh có công việc ổn định như là đầu bếp, nhân viên phục vụ… nhưng anh T từ chối. “Mình rất cảm ơn những tấm lòng tốt của các anh chị đã nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Có được công việc ổn định là điều ai cũng mong muốn. Nhưng, mình không nhận lời họ vì, khi đi học nghề, thời gian đó mình không kiếm được tiền, nhiều khách quen sẽ quên mình. Hơn nữa, khả năng học vấn thấp, mình sợ học không được lại phụ công mọi người”, anh Tiến khiêm tốn nói. 

Chị Hà, một người quen gọi anh Tiến giao hàng nhận xét: “Anh Tiến là một con người có trách nhiệm, rất cầu thị và quan trọng nhất là thật thà. Đặc biệt, trong công việc, anh không nề hà bất cứ việc gì.” 

Cũng theo chị Hà và rất nhiều người đã từng đi xe ôm của anh, anh Tiến là người nhanh nhẹn, chủ động trong công việc: “Khi tôi bảo anh Tiến giao hàng cho những người tôi từng gửi, tôi chỉ cần bảo giao cho ai, là anh tự khắc bảo em có số điện thoại rồi, em biết địa chỉ hay cơ quan này rồi và tự chủ động đưa hàng tới nơi cần giao”, chị Hà cho biết. 

Người chồng, người cha luôn nghĩ về gia đình 

Hơn 10 năm miệt miệt đi làm ngoài Hà Nội, khoảng cách với gia đình chỉ là 60km nhưng anh Tiến rất ít khi về thăm gia đình được bởi đặc thù của công việc xe ôm. “Mình phải ở Hà Nội, khi khách cần, gọi điện cho mình thì mình có mặt. Nếu về quê nhiều, khách gọi không được thì sẽ “mất mối” ngay. Trừ những ngày gia đình có việc cần, mình mới về nhà xong là đi luôn”.

Đảm bảo cuộc sống gia đình, nuôi dạy hai cô con gái Hiền và Thư luôn là mục tiêu phấn đấu của ông bố trẻ này. 

Dù ít khi được về với gia đình nhưng trong sâu thẳm, người đàn ông 35 tuổi này vẫn luôn hướng về vợ và hai con gái nhỏ với tất cả tình yêu thương. Anh chia sẻ: “Vợ mình ở nhà nuôi hai đứa nhỏ và trồng cấy 3 sào lúa. Công việc cũng vất vả lắm, mình thương vợ nhưng không biết phải làm sao. Chỉ biết cố gắng làm thật tốt ở đây để vợ con yên tâm thôi”, anh Tiến nhẹ giọng chia sẻ. 

Anh cũng đã từng nhiều lần nghĩ đến việc cho gia đình lên Hà Nội thuê trọ, để được gần vợ gần con. Nhưng đấy là chỉ biết tính vậy, chứ tự anh và vợ cũng biết sẽ rất vất vả nếu cả gia đình xoay sở trên thành phố với chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Thà xa nhau một chút, nhưng bù lại, con cái của anh được học hành tới nơi tới chốn, ăn uống đầy đủ hơn, có thêm nhiều tấm áo mới.

Chính bởi sự chân thành, thân thiện của anh Tiến, đã có rất nhiều vị khách quen, thân thiết với anh Tiến mong muốn tìm cho anh một công việc ổn định, phù hợp với khả năng và có nguồn thu nhập để nuôi gia đình. 

Theo Trí Tức Trẻ