Những người 4 năm mới được tổ chức sinh nhật

Năm nay, Trần Phạm Việt Hà lại háo hức đón tuổi mới sau 4 năm chờ đợi. Cô gái Hà Nội chào đời vào một ngày được coi là rất đặc biệt trong năm 29/2.

"Hồi còn nhỏ tôi chưa ý thức gì về ngày sinh kỳ lạ của mình. Tới khi đi học tôi mới biết 4 năm mới có một ngày 29/2 nên nhiều khi tới ngày sinh nhật lại băn khoăn không biết nên chọn tổ chức vào ngày 28/2 hay 1/3.

Đôi lúc, bạn bè vẫn đùa rằng năm nay không tặng quà nữa mà sẽ bù vào năm sau. Thế nhưng kể cả những năm không có ngày 29/2, tôi vẫn nhận được rất nhiều lời chúc ấm áp từ gia đình, bạn bè", chị Hà chia sẻ.

Chuyện những người sinh 29/2, 4 năm mới tổ chức sinh nhật một lần - 1
Giấy khai sinh của anh Long ghi ngày 29/2 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Long (Quỳnh Côi, Thái Bình) lại có "nỗi khổ riêng". Người đàn ông sinh năm 1983 cho biết, cũng vì ngày sinh này, từ thời đi học cho tới lúc làm thủ tục hành chính, anh thường vất vả hơn người khác.

"Không lâu sau khi tôi chào đời, bố mẹ đi làm kinh tế mới, chuyển từ Thái Bình vào Đắk Lắk. Sau đó, bố đi làm giấy khai sinh cho tôi lại không nhớ ngày nên lấy tạm ngày 29/2/1983.

Sau này gia đình trở lại quê, tôi đi làm giấy tờ thủ tục gặp khó vì ngày sinh không có trên hệ thống", anh Long cho biết.

Chuyện những người sinh 29/2, 4 năm mới tổ chức sinh nhật một lần - 2
Năm 2020, để tránh rắc rối khi đi làm giấy tờ, anh Long quyết định xin đổi ngày sinh thành 28/2 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đến năm 2020, anh trở về Quỳnh Côi (Thái Bình) và trình bày lý do xin đổi ngày sinh từ 29/2/1983 thành 28/2/1983 và được chấp thuận. Từ đó, khi anh Long đi làm giấy tờ, thủ tục hành chính trở nên dễ dàng hơn.

"Không ai chọn được nơi sinh và ngày sinh. Nhưng tôi cũng không nghĩ ngày sinh đặc biệt này lại rắc rối như vậy", anh Long nói.

Vì sao 4 năm mới có một ngày 29/2?

Trao đổi với phóng viên Dân trí về chuyện 4 năm mới có một ngày 29/2, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), đã có những lý giải ở góc độ khoa học.

Theo ông Sơn, năm Dương lịch có tất cả 12 tháng. Mỗi tháng trong số này đều có từ 30 đến 31 ngày, trừ tháng 2 chỉ có 28 ngày (29 ngày nếu là năm nhuận).

"Chúng ta dễ thấy rằng, chỉ cần lấy bớt 2 ngày của 2 tháng 31 ngày nào đó bù vào là tháng 2 sẽ có 30 ngày và không bị quá chênh lệch với các tháng khác.

Mặc dù vậy từ cổ chí kim, người ta vẫn giữ tháng 2 chỉ có 28 ngày. Lý do của việc này là sự giữ nguyên cách tính lịch của người La Mã trước kia", ông Sơn phân tích.

Cụ thể, nhà nghiên cứu này chia sẻ, lịch La Mã ban đầu ban hành bởi Romulus, vị hoàng đế đầu tiên của thành Rome. Lịch do ông ta ban hành dựa vào chu kì của mặt trăng, tức là tương tự như Âm lịch của người phương Đông, tuy nhiên chỉ có 10 tháng.

Mười tháng của lịch này bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng 12. Lưu ý rằng cách đánh số tháng 1, 2, 3, ... là do cách dịch của người Việt Nam, còn trong nguyên bản của lịch La Mã cũng như cách dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới thì mỗi tháng có tên riêng.

Như vậy, một năm chỉ có 10 tháng, tức là có một khoảng thời gian kéo dài hai chu kỳ trăng không được đưa vào lịch. Lý do là Romulus cho rằng đây là thời gian mùa đông không có ý nghĩa gì với việc làm nông nghiệp nên không cần có quy ước.

Khoảng thế kỷ thứ 8 TCN, hoàng đế Numa Pompilius là người quyết định đưa thêm hai tháng nữa vào lịch cho đủ 12 chu kỳ trăng. Mỗi tháng này có 28 ngày, làm cho lịch kéo dài đủ 12 chu kỳ trăng, tổng cộng là 354 ngày.

Tuy vậy, Pompilius cho rằng số 28 là con số không may mắn nên sau đó quyết định cho tháng một thêm một ngày thành 29 ngày, còn tháng hai không hiểu vì lý do gì vẫn giữ nguyên chỉ có 28 ngày.

Lịch đặt theo chu kỳ của mặt trăng dần bộc lộ điểm yếu vì không phản ánh đúng được chu kỳ biến đổi thời tiết các mùa, bởi chu kỳ này gắn liền với chuyển động của trái đất quanh mặt trời.

Vì lý do đó, người La Mã lại quyết định cứ hai năm thì đưa vào thêm một tháng nhuận kéo dài 27 ngày sau ngày 23 tháng 2 (những năm đó tháng 2 chỉ có 23 ngày).

Việc thay đổi như trên làm việc tính lịch trở nên rắc rối. Đến khoảng năm 45 TCN, Julius Caesar quyết định thay đổi hệ thống tính lịch này, giữ nguyên 12 tháng nhưng thêm ngày vào các tháng để cho 12 tháng đó trùng với chu kỳ của mặt trời (chu kỳ vị trí của mặt trời trên bầu trời, chứ không phải chu kỳ trái đất chuyển động quanh mặt trời vì thời đó người ta không biết trái đất có quỹ đạo quanh mặt trời).

Caesar cũng đặt quy định cứ 4 năm một lần thì tháng 2 lại được cộng thêm một ngày cho phù hợp với chu kỳ của mặt trời được tính ra khi đó là 365,25 ngày. Điều này về cơ bản khá gần với chu kỳ thật của trái đất quanh mặt trời hiện nay chúng ta biết là 365,24 ngày.

Có nguồn tài liệu ghi rằng ban đầu theo cách tính lịch của Caesar, tháng 2 có 29 ngày và mỗi 4 năm nó được thêm một ngày thành 30 ngày, tức là không có chênh lệch lớn với các tháng khác.  

Tuy vậy, sau này khi các tháng được đặt tên lại, ngày thứ 29 của tháng 2 được chuyển sang tháng 8 do tháng tám (August) được đặt theo tên của Augustus (Hoàng đế sáng lập đế chế La Mã), để cho tháng đó có độ dài tương đương với tháng 7 (July) đặt theo tên của Julius Caesar.

Dương lịch con người sử dụng ngày nay chính là lịch La Mã đã được hoàn thiện thêm. Cách chia các tháng vẫn giữ nguyên để tôn trọng lịch sử và đó là lí do tháng 2 có ít ngày hơn các tháng khác.

Về cơ bản đây chỉ là một quy ước, không gây ảnh hưởng gì tới việc sử dụng thời gian của loài người.

Theo Dân trí