Đến hội người mù thành phố Hải Phòng mới thấy, tại đây có nhiều số phận phụ nữ khiếm thị bất hạnh nhưng vẫn khát khao được làm mẹ.

Tại đây, chúng tôi được nghe kể nhiều về người phụ nữ tên Minh (thành viên Hội người mù Hải Phòng). Được biết, bị khiếm thị bẩm sinh nên chị Minh luôn khát khao về một mái ấm gia đình. Nhưng bản thân chị Minh biết, tất cả ước mong ấy đi vào vô vọng vì chị bị mù lòa.

Vì thế ở cái tuổi quá lứa lỡ thì, chị đã khóc khản cả tiếng xin người quen một đứa con. Cuối cùng mong ước của chị cũng được toại nguyện. Một đứa trẻ bụ bẫm cũng đã ra đời.

Vì không nhìn được nên chị đều phải cảm nhận mọi biểu hiện tình cảm của con trẻ. Đôi khi con ngã mà chị không biết con đau ở đâu. Con khóc, chị làm mẹ cũng khóc. Nhiều khi chị phải sang nhờ hàng xóm giúp vì ông bà ngoại đều ra đồng hết.

Hầu như mọi việc chăm sóc con khi còn nhỏ, chị đều phải nhờ cả vào bàn tay chăm sóc của ông bà ngoại. Đôi khi chị vẫn tự trách mình vì những việc đơn giản nhất như cho con ăn, đưa con đi vệ sinh chị cũng phải rất khó khăn mới làm được.


Những phụ nữ khiếm thị tìm mình trong cuộc sống bằng tiếng nói của con chứ không thể nhìn con bằng mắt. 

Không chỉ riêng chị Minh mà chị Cao Thị Đoan, 36 tuổi, thành viên thành hội người mù Hải Phòng cũng vậy. Người đàn bà khiếm thị này vẫn không hiểu sao chị lại có thể vượt qua 12 năm gian khó nuôi con.

Chị Đoan thường đếm thời gian bằng những lần làm việc mệt nhọc. Đến tuổi con cái đi học, cuộc sống của bà mẹ khiếm thị này càng khó khăn hơn bội phần. Nhiều đêm chị mất ngủ nghĩ cách kiếm tiền duy trì cuộc sống của hai mẹ con và gia đình.

Thấy các chị em ở Hội người mù thường làm tăm và đi bán rong, chị xin vào làm thành viên của hội và quyết tâm học nghề. Nhưng từ khi bị mù, chị Đoan ít đi lại và hầu như không tiếp xúc với bên ngoài nên giờ đây phải làm tăm rồi lại phải đi bán rong trên các đường phố quả là một việc ngoài sức.

Chị nhớ lại: “Những hôm đầu không quen, chị phải dò từng bước, có khi cả ngày mà cứ luẩn quẩn ở 1 con phố, tăm cũng chả bán được mấy vì người ta chưa quen. Vài lần còn bị xe máy đâm vào trầy xước cả chân tay. Đã thế họ lại còn mắng chửi chị, mù hay sao mà đi như thế làm chị đau lòng lắm". 

Với chị Đào Thì Bình ở trung tâm này cũng không khá hơn. Khó khăn chồng chất khó khăn khi chị vừa bị mù lòa nhưng lại có một chị gái vừa mù vừa thiểu năng trí tuệ. Bởi thế, gánh nặng gia đình càng thêm đè nặng trên đôi vai chị Bình.

Được những người cùng cảnh ngộ động viên, chị Bình cũng mò mẫm đi bán tăm. Có hôm bán được nhiều tăm, chị đi xa quên cả đường về, làm cho các anh các chị ở trung tâm phải chạy đôn chạy đáo đi tìm.

Cháu Phong, con chị thấy mẹ đi bán vất vả, đang học lớp 1 cũng bỏ học dở chừng để đi giúp mẹ. Vậy là cứ ban đêm hai mẹ con ngồi vót tăm còn ban ngày Phong lại dắt mẹ đi trên các con phố ở Hải Phòng bán dạo.

Hôm nào bán được hết hàng thì hai mẹ con được về sớm. Còn những hôm không bán được thì 2 mẹ con chị phải đi thêm vài ba cây số là chuyện bình thường.

Cứ thế, cuộc sống trôi qua được 2 năm thì chị Bình mới giật mình nhớ ra con chưa được đi học. Để con có tương lai hơn, chị bắt con về quê cùng ông bà ngoại để đi học tiếp và nhờ hội người mù tìm cho một công việc khác làm để có điều kiện chăm con.

Câu chuyện "ở hiền gặp lành"

Một trong những câu chuyện đầy tính nhân văn mà tôi được nghe từ các chị tại thành hội người mù Hải Phòng kể là trường hợp của chị Vũ Thị Hải Lý, thành viên Hội người mù.

Giống như một số chị em khác, chị khao khát có một đứa trẻ. Qua những lần đi bán tăm dạo, chị quen với một anh xe ôm đầu phố.

Sau một thời gian, thấy anh xe ôm có vẻ cảm thông với hoàn cảnh của mình, chị bày tỏ mong muốn “xin” anh một đứa con và không bao giờ dám đòi hỏi trách nhiệm gì ở anh cả.

Anh xe ôm nghe thấy thế giật mình, chối đây đẩy. Vì anh đã có một gia đình với hai đứa con xinh xắn. Sau thấy chị đáng thương, lại rất tha thiết cầu xin, anh đành bí mật chấp nhận lời đề nghị của chị.

Nhưng không hiểu thế nào, tiếng dữ đồn xa, vợ anh xe ôm lại nghe được chuyện này. Ban đầu chị chỉ nghĩ, chắc người ta trêu chị thôi. Chị vợ tra hỏi chồng nhưng anh chối đây đẩy. Còn danh dự, còn 2 mặt con, anh nào dám nhận chuyện “tày đình” như thế.

Rồi câu chuyện trên cũng dần lắng xuống. Thời gian trôi qua, đứa bé lớn dần lên. Và cái sự “vô tình” giống nhau của đứa bé với người chồng hờ lái xe ôm khiến chị vợ kia không thể không nghi ngờ.


Không còn cách nào khác, chị Lý đã khóc và thừa nhận lỗi lầm của mình. Ảnh minh họa.

Một ngày trời mưa gió, chị vợ đã sang nhà chị Lý hỏi chuyện. Không còn cách nào khác, chị Lý đã khóc và thừa nhận lỗi lầm của mình.

Ban đầu chị vợ giận chồng, giận người đàn bà đã đưa gia đình chị vào tình thế khó xử. Nhưng rồi, nước mắt người mẹ, sự chân thành của chị Lý đã làm chị vợ kia mủi lòng. Chị vợ giận thì giận người phụ nữ mù nhiều mà thương cũng không ít.

Những ngày sau đó, cậu bé 6 tuổi của người mẹ mù bỗng nhiên có thêm một gia đình. Dù không được chính thức thừa nhận, nhưng câu “chuyện trong nhà” thì ai cũng hiểu.

Chị Lý cũng ra sức làm việc tích lũy tiền nuôi con ăn học. Bởi vì con của chị dẫu sao cũng biết mình còn có một người cha, dù bàn tay che chở không vẹn toàn như những cậu bé sinh ra trong những gia đình bình thường khác…

 

Theo Emdep