Điểm ưu tiên nhiều bất công: Đinh Quang Hưng, cựu học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, cho rằng những học sinh Việt Nam du học, dù không được cộng điểm ưu tiên, vẫn cố gắng hết mình để giành học bổng.
Chia sẻ với Zing.vn, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh - chỉ ra những bất cập về việc cộng điểm ưu tiên.
- Thưa PGS Văn Như Cương, gần đây, dư luận quan tâm về vấn đề cộng điểm ưu tiên và cho rằng còn bất cập. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi xin kể câu chuyện thật như đùa như thế này. Trường THPT Lương Thế Vinh có hai địa điểm học để thuận tiện cho học sinh đi lại là tại Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) và xã Tân Tiều (huyện Thanh Trì), đều thuộc TP Hà Nội. Hai địa điểm cách nhau gần 10 km.
Thế nhưng, trong kỳ thi THPT quốc gia, học sinh ở Thanh Trì được cộng thêm 0,5 điểm ưu tiên do thuộc khu vực 2. Các em học ở Cầu giấy không được cộng. Phần lớn học sinh học ở Thanh Trì đều ở nội thành cả, số lượng các em ở ngoại thành rất ít, thành ra nhiều em "cộng oan".
Trong khi đó, học sinh ở hai cơ sở cùng trường, giáo viên như nhau, chương trình dạy học giống nhau, cũng không thể xác định được nơi nào khó khăn hơn. Đây chính là một ví dụ nhỏ về bất cập của điểm ưu tiên.
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh. Ảnh: Nhật Ánh.
- Theo ông, chính sách điểm ưu tiên cần thực hiện như thế nào?
Tôi vẫn ủng hộ chính sách cộng điểm ưu tiên tuy nhiên cơ chế cần thay đổi. Đối tượng cộng điểm cần được thu hẹp và được quy định chặt chẽ như người có công, dân tộc vùng cực kỳ khó khăn thì nên cộng điểm. Tổng ưu tiên tối đa chỉ 1 điểm thay vì 3,5 điểm như hiện tại.
Cũng cần nhìn nhận lại mức cộng điểm sao cho hợp lý, một mặt phải chiếu cố những đối tượng như trên, mặt khác đảm bảo chất lượng chung của nền giáo dục.
Số cộng điểm tối đa lên mức 3,5 điểm trong khi điểm sàn chỉ là 15,5 là quá lớn. Hiện tại, chỉ chênh nhau 0,1 diểm đã có người đỗ, người trượt, huống gì chênh nhau 3,5 điểm thì bao nhiêu người sẽ “trượt oan”.
- Nếu vẫn giữ chính sách đối tượng cộng điểm ưu tiên như hiện tại sẽ gây bất cập gì?
Hai học sinh thi có kết quả thực chất là 30 điểm và 26,5 điểm hoàn toàn khác nhau về trình độ. Chúng ta có điểm ưu tiên nhưng không vì thế mà hy sinh để làm sụt giảm chất lượng đào tạo. Nếu tuyển sinh ồ ạt những thí sinh đỗ vì điểm ưu tiên trong các trường chất lượng cao, những em này có thể không đảm bảo được chương trình học, thậm chí mất thời gian đào tạo, ảnh hưởng nhà trường
Điểm ưu tiên là chủ trương rất hợp lý của Nhà nước, tuy nhiên ưu tiên như thế nào thì Bộ GD&ĐT cần rà soát, xem xét lại sao cho cho vừa lòng dân.
- Nhìn chung về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ông đánh giá như thế nào?
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay không tốt hơn so với những năm trước. Trường hợp thí sinh 29, 30 điểm vẫn trượt đại học là một trong những bất cập đáng phải bàn. Mức điểm chuẩn trên 30 cũng là điều vô lý. Bộ GD&ĐT cần xem lại cách thi này với phổ điểm như vậy gây thuận lợi hay khó khăn cho các trường tuyển chọn.
Mấu chốt của kỳ thi năm nay là đề chưa phân hóa tốt. Việc thi trắc nghiệm Toán còn gây nhiều tranh cãi. Công tác tổ chức thi tại các địa phương có đảm bảo khi kết quả tốt nghiệp nhiều nơi cao đến 99%.
Điều cơ bản cốt lõi là có nên sáp nhập thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học thành hai trong một không? Nguyên tắc học sinh tốt nghiệp THPT đã là điểm sàn, việc tuyển sinh vào đại học nên giao cho các trường.
Theo Zing