80 tuổi, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - cùng vợ vẫn ở lại trường 24/24 để tiện chăm lo cho học trò. Ngồi bên nhau, PGS Văn Như Cương cùng vợ là bà Đào Kim Oanh kể cho chúng tôi nghe về gần 60 năm họ kết hôn, cùng nhau đi qua những mùa khai giảng.

Ngược dòng ký ức, thầy Cương nhớ về thời học tiến sĩ ở Nga, khi họ xa nhau trong mùa học sinh đến lớp. Nhớ người vợ hiền, giữa chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông đã viết những câu thơ:

"Anh và em, ta yêu nhau mà chẳng được sống gần nhau

Giữa hai chúng mình hố bom dày chi chít

Trên con đường ta đi, cây trồng những năm xưa nay đều chết hết

Những nhịp cầu đau như những vết thương sâu".

Yêu nữ sinh trường Trưng Vương Hà Nội là mối tình đầu và cũng là sau cuối, chuyện tình của PGS Văn Như Cương và vợ khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Ngày ấy, năm 1957, chàng trai 20 tuổi Văn Như Cương đang học ĐH Sư phạm Hà Nội, đã mạnh dạn đăng ký thực tập tại trường THPT Trưng Vương. Ngôi trường chỉ có nữ sinh, chưa từng có tiền lệ giáo viên trẻ là nam giới.

Chuyện tình cùng nắm tay nhau đi qua 60 mùa  khai giảng-1
Thầy giáo Văn Như Cương

Ấn tượng với thầy giáo có tài, dạy hay, viết chữ và trình bày đẹp, nữ sinh 17 tuổi Đào Kim Oanh đem lòng yêu mến. Thầy giáo mới ra trường cũng có cảm tình với cô gái dáng người nhỏ nhắn, học lớp 11.

Nhắc lại kỷ niệm thời thanh xuân, bà Đào Kim Oanh bồi hồi kể: Cuối tuần nào, cả lớp cũng rủ nhau xuống KTX của thầy Cương ở khu Bạch Mai để “hỏi bài thì ít mà thăm thì nhiều”.

Còn PGS Văn Như Cương, với đôi mắt tươi vui như trở lại thời trai trẻ, nói: “Nữ sinh vào thăm tôi mỗi lúc một vơi dần đi, sau cùng chỉ còn lại nhà tôi, rồi chúng tôi yêu nhau”.

Kể về lời tỏ tình, thầy giáo đã ngoài 80 vẫn còn nhớ như in: "Hôm đó, tôi mượn xe đạp của bạn để đưa cô ấy đi chơi và nói câu muôn thủa: I love you”.

Biết được truyền thống hai gia đình đều theo ngành sư phạm, bố là hương sư, thầy Cương càng thêm yêu mến. Hai năm sau, do định hướng của cha và người yêu, nữ sinh Oanh thi đỗ ngành sư phạm, sau khi được thầy Cương làm gia sư riêng.

Năm 1959, thầy giáo trẻ được cử vào ĐH Sư phạm Vinh, là người dựng nền móng cho trường đại học đầu tiên trên cả nước không đóng ở Hà Nội. Được gia đình tin tưởng và đồng ý, cô sinh viên Kim Oanh nhập học ĐH Sư phạm Vinh để thầy Cương dìu dắt, dù giữa họ chưa hề đính ước.

Rời xa cuộc sống thân thuộc ở Hà thành, xa con đường Thanh Niên suốt những năm cấp 3 gánh đất xây dựng mà chưa được đặt chân lên khi hoàn thiện với đầy tiếc nuối, nữ sinh viên theo thầy Văn Như Cương vào xứ Nghệ. Một người là giảng viên, một người là tân sinh viên, họ cùng nhau dự lễ khai giảng đầu tiên dưới mái nhà chung sư phạm.

Chuyện tình cùng nắm tay nhau đi qua 60 mùa  khai giảng-2
Những dòng thư thầy viết tặng vợ

“Khai giảng những năm chiến tranh còn đơn sơ, lớp học là nhà tranh, vách lá. Vừa học trong hầm, vừa học vừa tránh bom là những kỷ niệm không thể nào quên”, thầy Cương kể lại. Năm 1962, sau khi cô Đào Kim Oanh tốt nghiệp đại học, họ tổ chức hôn lễ.

Công đoàn trường ĐH Sư phạm Vinh ngăn cho hai vợ chồng trẻ một căn phòng nhỏ ngay tại trường. Giường cưới cũng được ghép từ hai chiếc giường đơn còn kênh nhau.

Lễ cưới không hoa, không chụp ảnh, có ban giám hiệu, giáo viên tổ toán, bạn bè và bà con thân thuộc. Sau đó, bà Oanh dạy học tại các trường phổ thông ở Vinh, thầy Cương công tác ĐH Sư phạm Vinh. Mỗi mùa khai giảng, họ cùng nhau sửa soạn, đón đưa nhau tới trường với niềm vui, háo hức.

Bốn năm sau (từ năm 1966 đến 1971), PGS Văn Như Cương sang Nga học tiến sĩ, bà Oanh đang mang thai người con thứ hai, một mình gồng gánh để chồng yên tâm nghiên cứu, học tập.

Sau khi thầy Cương trở về, cả gia đình đoàn tụ tại Hà Nội. Với khát vọng có một ngôi trường để thực hiện đổi mới giáo dục, PGS Văn Như Cương mạnh dạn viết thư tay cho Bộ trưởng GD&ĐT lúc ấy là GS.TS Phạm Minh Hạc, với lòng kiên trì, quyết tâm được mở trường.

Đến năm 1989, trường THPT dân lập Lương Thế Vinh được thành lập, PGS Văn Như Cương là hiệu trưởng, bà Đào Kim Oanh là hiệu phó. Thầy Văn Như Cương bồi hồi nhớ về ngày khai giảng đầu tiên được chuẩn bị gấp gáp ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, với sự tham dự của chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, hai vợ chồng PGS Văn Như Cương không có gì trong tay ngoài sự quyết tâm và kỳ vọng. Thầy Cương kể: “Chúng tôi không vốn, không thầy giáo, không trường lớp, bàn ghế, đến việc đi làm con dấu cũng phải vay mượn, phải thuê địa điểm để đón học trò”.

Lễ khai giảng khi ấy diễn ra khi trường còn chưa có phấn, có bảng nhưng mang theo khát vọng của hai vợ chồng về ngôi trường dân lập dạy thực, học thực.

Chuyện tình cùng nắm tay nhau đi qua 60 mùa  khai giảng-3
Bà Đào Kim Oanh, vợ thầy Văn Như Cương

Thời gian trôi đi, khóa tốt nghiệp đầu tiên của trường có 42% học sinh đỗ đại học. Gần đây nhất, kỳ thi THPT quốc gia 2017, 100% học sinh đạt số điểm 17 trở lên.

Tiếp nối sự nghiệp giáo dục của bố, con gái Văn Thùy Dương làm hiệu phó của trường. PGS Văn Như Cương bảo ông thường nói với con và cháu của mình rằng bác sĩ có đối tượng là bệnh nhân, nghề xây dựng làm việc với đất sỏi, giáo viên làm việc với con người. Con người ấy lại đang ở tuổi thanh xuân đầy sức sống, triển vọng. Vì thế, các con hãy tận tâm, tận lực để làm sao cho xứng đáng với học trò.

Từ đó trở đi, 28 năm đã trôi qua, THPT Lương Thế Vinh trở thành một trong những ngôi trường danh giá của thủ đô. Cứ đến ngày 5/9, họ cùng nhau đón khai giảng chung dưới một mái nhà.

Đó là những mùa khai giảng đẹp đẽ, trọn vẹn, dù 3 năm trở lại đây, sức khỏe thầy Cương không ổn định. Tháng 7/2014, PGS Văn Như Cương biết mình bị mắc ung thư gan. Bác sĩ kết luận thời gian của ông chỉ còn từ 3 đến 5 tháng. Thời gian thầy nhập viện cũng cận kề ngày khai giảng - dịp ông chỉ chăm chăm nhớ tới học trò.

Bà Đào Kim Oanh kể lúc đó, bác sĩ, người nhà đều nghĩ thầy không thể dự khai giảng được khi di chuyển phải có người cõng, hai chân buông thõng xuống.

Thế nhưng, ngày 1/9, thầy Cương bắt đầu tập đi. Ông bảo học sinh đang chờ mình về. Thầy dặn vợ dành 200 triệu đồng tiền tiết kiệm để may tặng tất cả học sinh, giáo viên chiếc áo phông in hình cờ đỏ, sao vàng làm quà tặng đầu năm học mới.

Ngày 4/9, PGS Văn Như Cương về trường phát biểu, minh mẫn và đầy yêu thương. Ở đó, người thầy giáo đáng kính truyền cho học sinh lòng yêu nước: “Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ Việt Nam, rất ngọt ngào và được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng”.

Từ đó trở đi, những năm học sau, trước ngày khai trường, dù sức khỏe yếu, thầy Cương cũng cố gắng trở về, dành thời gian nói chuyện, truyền cảm hứng cho học trò. Những lời phát biểu của thầy đã trở thành châm ngôn, lẽ sống cho nhiều thế hệ.

Năm học 2015, thầy Cương nói: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, nhà kỹ thuật chuyên môn giỏi, người nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, chính khách uyên bác…, nhưng trước hết phải là người tử tế, biết yêu thương và căm giận, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta… Đó là điều thầy mong chờ ở các em”.

Năm 2016, cũng trong ngày tựu trường, thầy chia sẻ về tình yêu với nghề giáo: “Bố thầy nói rằng rồi con sẽ khóc khi bước lên bục giảng đầu tiên và con sẽ hạnh phúc hơn nếu con được sống những giờ phút cuối cùng bên những học sinh thân yêu của mình.

Thầy thực sự rất cảm động trước nghĩa thầy trò của chúng ta, tình bạn của chúng ta, cũng như mái trường của chúng ta đã làm nên được những điều mà thầy cũng muốn ấp ủ làm”.

Phía sau những bài phát biểu ấy là hình ảnh bà Đào Kim Oanh, chỉ mới đây thôi, trên giường bệnh đã luôn nắm tay chồng động viên trong lúc cận kề giữa sự sống và cái chết: “Anh không thể chết được. Anh không thể xa mẹ con em và không thể bỏ hơn 3.000 học sinh nữa. Anh còn nợ mọi người nhiều lắm".

Bà Oanh nghẹn ngào kể lại chỉ mới 7 tháng trước, chồng mình bị tràn dịch màng phổi. Khi thầy lâm bệnh nặng, học sinh trường Lương Thế Vinh đã gấp hơn 11.000 hạc giấy với lời ước nguyện mong thầy sớm bình phục để trở về. Hơn 3.000 học sinh đã hát để cổ vũ thầy giáo kính yêu với lời ca truyền thống của trường.

“Tôi nghĩ lần ốm này chắc mình đi rồi, nhưng hạc giấy và bài hát của học sinh khiến mình có động lực. Tôi chưa thể chết. Tôi cố gắng ăn vài thìa cháo rồi dần tỉnh lại. Tôi tập đi và về trường với các em bằng xe lăn.

Khai giảng năm nay, tôi lại trở về với các em, nhìn thấy từng gương mặt háo hức, đó là điều hạnh phúc nhất của cuộc đời làm nghề giáo", PGS Văn Như Cương nghẹn ngào chia sẻ trước một mùa khai giảng mới sắp bắt đầu. 

 

Theo Zing