Ước mơ thành sự thật của cô giáo tật nguyền
Loay hoay chuẩn bị cho bữa cơm trưa trong căn nhà nhỏ nằm ẩn mình dưới dốc Truông Thọ, ngay bên quốc lộ 48B (xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), thỉnh thoảng bà Phạm Hoàng Ngân (SN 1947) lại ngoái đầu nhìn lên di ảnh người đàn ông mặc trang phục bộ đội trên bàn thờ rồi mỉm cười.
Di ảnh của người đàn ông đã phai màu, cũ kỹ. Dù chưa chính thức trở thành vợ chồng của nhau, nhưng với bà Ngân, đây là chồng của mình và vẫn hương khói đều đặn cho ông.
Sinh ra trong gia đình nghèo, hoàn cảnh của bà Ngân càng bi đát hơn khi chân trái bị dị tật, co quắp lại khiến bà chỉ nằm một chỗ trên giường. Khát khao được tới trường xóa mù chữ và mong ước lớn hơn là trở thành một giáo viên, sau thời gian được người thân ở xa hỗ trợ chi phí điều trị, bà Ngân đã có thể đi cà nhắc. Rồi với nỗ lực không biết mệt mỏi, bà đã tốt nghiệp tú tài và thi vào trường Trung cấp sư phạm Nam Đàn (Nghệ An). Ra trường với tấm bằng khá, dù đôi chân đi lại khó khăn nhưng cô giáo trẻ vẫn xung phong lên xã vùng cao công tác.
Bà Ngân dành gần trọn cả cuộc đời thờ cúng người chồng chưa cưới của mình
Với sự nhiệt huyết và yêu nghề của tuổi trẻ, cô giáo Ngân luôn hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, cùng với đó là sự hòa đồng và thân thiện nên được học sinh và mọi người quý mến.
Cũng tại vùng quê huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), bà Ngân như bước vào một thế giới mới, tràn đầy sức sống và mơ mộng bằng tình yêu với anh bộ đội gốc Ninh Bình có tên Nguyễn Thanh Tùng.
Từ sự ngưỡng mộ, khâm phục và những buổi trò chuyện tâm đầu hợp ý, hai người dần có tình cảm với nhau lúc nào không hay. Không tự tin về dáng vẻ bề ngoài và đôi chân tật nguyền nhưng bà Ngân vẫn để lại ấn tượng mạnh với người lính trẻ bằng nghị lực phi thường của người con gái nhỏ nhắn.
Ở vậy đợi chồng “trong mơ”
Quệt vội những dòng nước mắt lăn dài trên má sau khi thắp nén nhang cho người lính trẻ đoản mệnh, bà Ngân buồn bã chia sẻ: Một ngày đầu năm 1972, khi tình yêu của cả hai người đã đến ngày đơm hoa kết trái và đang tính đến đám cưới để về chung sống với nhau thì người yêu được lệnh phải lên đường nhập ngũ nên kế hoạch bị hoãn lại.
Người yêu lên đường trong vội vàng nên cả hai người chẳng kịp dành cho nhau một buổi giã từ. Chỉ với chiếc khăn và lời nhắn “Em ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe và công tác tốt, gắng đợi anh 3 năm nhé, nhất định anh sẽ về”, cô giáo trẻ Ngân tiếp tục dạy học và ngóng chờ tin vui ngày gặp mặt.
Căn nhà nhỏ bên quốc lộ là nơi sinh sống của cô giáo Phạm Hoàng Ngân
“Dù xa nhau nhưng anh ấy vẫn rất quan tâm và lo lắng cho tôi. Thời đó không có điện thoại nên chúng tôi thỉnh thoảng có thời gian mới có thể tâm sự và kể với nhau mọi chuyện qua những bức thư mà thôi. Mỗi lần có đồng đội về quê, anh ấy đều chuẩn bị quà cho tôi, dù đơn giản nhưng tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm và chu đáo của anh ấy”, cô giáo Ngân nhớ lại.
Bà cho biết, khi ngày đoàn tụ chỉ còn khoảng gần 1 năm nữa thì bà bất ngờ nhận tin dữ. Người bà yêu đã hy sinh tại chiến trường miền Nam. Không dám tin vào những điều mình nghe thấy, bà Ngân chỉ còn biết cầu nguyện rồi chạy khắp nơi dò tìm thông tin từ về người yêu.
“Đến khi cầm tờ báo tử trên tay, nước mắt tôi chảy dài, cay xè không nhìn thấy đường đi. Nhưng tôi vẫn nuôi hi vọng thông tin đó sai. Ngay hôm sau, tôi vội đạp xe lên Nghĩa Đàn nơi đơn vị anh đóng quân để kiểm tra lại, nhưng tất cả đều là sự thật”, bà kể.
Cô giáo trẻ yêu nghề khi đó phải xin nghỉ mấy ngày liền để trấn an lại bản thân. Ít ngày sau, bà quyết định xin phép gia đình lập bàn thờ riêng cho người lính Nguyễn Thanh Tùng để lo hương khói như chồng mình.
Kể từ đó, dù chưa biết đến thế nào là cuộc sống vợ chồng, thế nhưng người đàn bà 68 tuổi này vẫn đều đặn hương khói, làm trọn bổn phận như một người vợ góa. “Lúc đó cũng bị gia đình phản đối lắm, đặc biệt là lúc có nhiều người tìm hỏi cưới tôi nhưng tôi vẫn một mực không chịu nên càng bị gia đình cấm đoán nhiều hơn. Thế nhưng thời gian trôi qua, mọi chuyện cũng dần êm đẹp cả”, bà Ngân nhớ lại.
“Chỉ cần trong lòng tôi luôn có ông ấy là đủ. Chúng tôi vẫn còn có thể gặp nhau trong giấc mơ cơ mà”, bà Ngân tâm sự và cho biết sẽ dự định chuyển vào Trung tâm dưỡng lão sống vì tuổi đã cao, lại bệnh tật. Nhưng dù ở bất cứ nơi nào, bà cũng sẽ mang theo hình ảnh của người mình yêu trong lòng.
Theo Gia đình & Xã hội