(Có tiết lộ trước nội dung phim)
Khán giả xem Em Và Trịnh có lẽ cũng sẽ tinh ý biết được: "Em" ở đây chính là M., viết tắt cho cái tên Michiko, "nàng thơ" đến từ Nhật Bản.
Trong phim Em Và Trịnh, nhạc sĩ và cô gái người Nhật gặp nhau tại một đêm nhạc ở Thủ đô Paris, nước Pháp. Michiko lúc này đang là nghiên cứu sinh, dự tính làm một đề tài về âm nhạc của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Michiko sau đó học tiếng Việt, về Việt Nam tìm Nhạc sĩ và mối quan hệ lãng mạn giữa cả hai dần nảy nở.
Tuyến tình cảm của Michiko với NS Trịnh Công Sơn ở tuổi lục tuần mang đến cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng nhưng cuối cùng lại có cái kết dở dang...
Vậy câu chuyện thật ngoài đời giữa Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Michiko như thế nào?
Từ tình yêu văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam đến mối duyên với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Vào khoảng năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Michiko Yoshii - lúc này là sinh viên đại học tại Paris (Pháp) - đã bén duyên với Việt Nam vì yêu văn hóa, ngôn ngữ và con người của đất nước này. Một trong những tình yêu lớn nhất ở cô gái Nhật thời ấy là tình cảm sâu nặng dành cho nhạc Trịnh Công Sơn.
Michiko yêu nhạc Trịnh đến nỗi, lúc đó dù đã có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, cô vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.
Để gần được hơn với nhạc Trịnh, Michiko không chỉ nhiều lần từ Pháp điện thoại về Việt Nam trò chuyện với Trịnh Công Sơn, cô còn đến Việt Nam để gặp gỡ trực tiếp người nhạc sĩ mình ngưỡng mộ. Luận án cao học và âm nhạc là cầu nối cho cuộc tình nhẹ nhàng của họ.
Trong quãng thời gian yêu nhau, nhạc sĩ họ Trịnh đã tặng cho Michiko một sáng tác có tên Lời Ru Michiko Ra Đi (3/1995). Ca khúc vốn được giữ kín suốt nhiều năm và chỉ mới được phát hiện, đưa ra trước công chúng vài năm gần đây.
Chi tiết về bản nhạc này cũng đã xuất hiện thoáng qua trong bộ phim Em Và Trịnh.
Ca khúc "Lời Ru Michiko Ra Đi" với thủ bút của chính NS Trịnh Công Sơn.
Vào năm 1990, khi GS. Michiko đến sinh sống ở Sài Gòn, bà đã có nhiều kỉ niệm thú vị khi sống trong hoàn cảnh “Điện đóm thường xuyên bị cắt. Bất kỳ ngày nào, giờ nào cũng có thể bị mất điện, nhiều khi có điện lại ngay sau 5 phút, nhưng không hiếm khi mất điện đến 3 ngày”.
Trong một lần cùng Trịnh Công Sơn tham gia một bữa tiệc, bà đã bị Trịnh Công Sơn “ép” lên sân khấu hát bài Diễm Xưa: "Khi ấy run quá nên phải hát 'Diễm Xưa' bằng tiếng Nhật rồi mới hát tiếp bằng tiếng Việt, không ngờ được vỗ tay rất nhiều và được thưởng 2.000 đồng, vui nhất là đã làm Trịnh Công Sơn vui!”.
Dù không nhớ chính xác khoảng thời điểm nào cuộc tình ấy ngày càng trở nên sâu đậm, các thành viên trong gia đình cố nhạc sĩ đến nay vẫn còn nhớ như in cảm giác cả nhà náo nức khi biết tin hai người chuẩn bị làm đám cưới.
Ba người em gái của Trịnh Công Sơn lúc này đang ở Canada gồm ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, chị Diệu và chị Tâm háo hức đi sắm đồ cưới cho anh trai. Họ chọn bộ vest thật đẹp cho anh, xấp vải tốt gửi về Việt Nam cho mẹ may áo dài. Còn ở nhà, người mẹ yêu quý của Trịnh Công Sơn rất vui.
Bà tất bật sắm sửa, chuẩn bị lễ nghi cưới theo phong tục Việt Nam. Nhẫn cưới cũng được chuẩn bị chu đáo chỉ chờ ngày để tân lang và tân nương trao nhau.
Tranh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ Michiko.
Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê cũng từng viết về Michiko: “Michiko là một thiếu nữ mảnh mai duyên dáng, tóc dài vừa phủ ót, miệng lúc nào cũng mỉm cười. (…) Cô Michiko nâng đàn lục huyền cầm và cất tiếng hát hai bài...
Tiếng hát êm êm nhè nhẹ không kiểu cách, không sắc sảo mà rất thấm thía, đi vào lòng người. Phát âm rất chuẩn. Nếu nhắm mắt lại thì có lẽ bạn không thể nghĩ rằng người hát là một thiếu nữ Nhựt, chỉ học tiếng Việt trên đất Pháp mới bốn năm.
Trong giây phút, tôi quên rằng đây là một buổi bảo vệ luận án Cao học ở một trường Đại học tại Pháp. Giám khảo và thính giả ngồi im thưởng thức hai bài hát như trong một buổi hòa nhạc.
Dứt tiếng đờn, một tràng pháo tay nổi lên. Trong đời làm giáo sư đại học của tôi chưa bao giờ gặp cảnh thí sinh mới mở đầu, chưa đề cập nội dung của luận án mà đã được vỗ tay tán thưởng nồng hậu như thế này”.
Vụ "từ hôn" bí ẩn: Lý do còn "choáng" hơn cả trên phim?
Trong phim, đám cưới của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Michiko đến cuối cùng vẫn không thành do Michiko nhận ra ông vẫn giữ mãi tình yêu với Dao Ánh, suốt nhiều năm vẫn không thay đổi và càng trở nên mãnh liệt sau khi "Ánh hướng dương" trở về Việt Nam.
Phát hiện này khiến Michiko vô cùng đau khổ đưa đến quyết định trở về nước, để lại dang dở một cuộc tình.
Vậy còn ở ngoài đời thì sao?
Chia sẻ với truyền thông, Michiko khi ấy cho biết do ba mẹ của cô đã rất già không thể sang Việt Nam nên muốn nhờ ông bà Đại sứ người Nhật tại Việt Nam thay thế cha mẹ, đại diện nhà gái trong ngày hai bên gặp gỡ nhau.
Theo phong tục cưới của người Nhật, ông bà đại sứ phải ngồi để Trịnh Công Sơn và Michiko quỳ gối xuống lạy tạ. Trịnh Công Sơn không đồng ý điều này với lý do người mẹ sinh ra ông nhưng cả đời ông còn chưa quỳ xuống lạy bao giờ thì không lẽ nào ông lại quỳ gối trước ông bà đại sứ Nhật. Chính vì thế, hôn lễ bị hủy bỏ.
Em gái ruột Trịnh Công Sơn - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh kể lại: "Tôi cũng không rõ là mọi chuyện kết thúc như thế nào, vì lúc đó tôi đang ở Canada. Nhưng khi nghe tin nhà báo sang đám cưới bị hủy, mọi người đều buồn lắm.
Cũng có thể còn nhiều lý do nào đó, nhưng bản tính anh Sơn và cả chị Michiko đều kín đáo, sâu sắc và tế nhị nên chuyện cũng ít được nói ra. Qua sự cảm nhận và góc nhìn của tôi, tôi nghĩ anh Sơn lúc đó rất xúc động với việc một cô gái nước ngoài lại am hiểu và yêu nhạc anh đến thế.
Anh rất ấn tượng khi Michiko thuộc hàng trăm ca khúc của mình.
Tôi nhớ khoảng năm 1992, tôi và anh Sơn cùng anh Nguyễn Quang Sáng được mời sang Pháp và có dự một chương trình. Đó là lần tôi được thấy Michiko - một người con gái Nhật mảnh mai, duyên dáng. Chị ôm đàn guitar và hát rất nhiều bài nhạc Trịnh một cách say sưa, đầy tình cảm khiến cho mọi người xúc động".
Tháng 7/1991, tại Paris, Michiko Yoshii đã bảo vệ thành công luận án cao học về ảnh hưởng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong xã hội Việt Nam thời chiến tranh. Luận án này được giám khảo của Đại học Paris VII xếp loại tối ưu.
Và người con gái Nhật mảnh dẻ ấy vẫn luôn để lại ấn tượng với mọi người với hình ảnh cây đàn guitar hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn với đôi mắt phảng phất nét buồn.
GS Michiko Yoshi và Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Đằng sau là bức tranh mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ bà.
Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, Michiko Yoshii vẫn thường về thắp hương cho ông. Từ năm 1993, bà gắn bó với Việt Nam qua việc quyên tiền, tài trợ, kêu gọi, là đại diện tại Nhật cho các chương trình giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, xây cầu tặng những làng quê nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, Michiko Yoshii là Giáo sư giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế tại Đại học Mie, miền trung nước Nhật.
Bà thường cùng chồng là ông Trần Văn Soi (Thomas Soi) (Người thành lập chương trình Bạn Trẻ Em Đường Phố tại TP.HCM) thường tổ chức nhiều chương trình giúp trẻ em nghèo, dạy học miễn phí cho trẻ em.
Theo Trí Thức Trẻ