Tranh thủ dịp lễ cưới của người cháu họ, vợ chồng anh Dương Cao Thành và chị Chu Thị Bích (33 tuổi) cùng hai con chụp mấy kiểu ảnh kỉ niệm.
Sau khi lưu lại những bức hình đẹp nhất, chị Bích xốc nách chồng dậy rồi xoay người cõng anh đi xuống phía dưới để về phía bàn tiệc.
Động tác thuần thục này chị Bích đã thực hiện suốt hơn 7 năm nay. Dù dáng người nhỏ bé nhưng chị vẫn bước đi rất chắc chắn. Người phụ nữ không hề cảm thấy mệt nhọc mà luôn nở nụ cười tươi.
Vợ 43kg cõng chồng 70kg suốt 7 năm: Nguyện suốt đời làm đôi chân cho chồng
Anh Dương Cao Thành và chị Chu Thị Bích hiện sinh sống ở thôn Đống Cao, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Câu chuyện của cặp vợ chồng này được nhiều người dân địa phương biết đến bởi sự hi sinh và tình yêu chân thành người vợ dành cho chồng.
Anh Thành tâm sự, năm 13 tuổi, anh không may bị ngã xe đạp dẫn tới chấn thương cột sống. Gia đình anh đã chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không cứu được đôi chân của anh.
"Ngày đó, tôi nhớ rằng mình đi viện nhiều hơn ở nhà. Gia đình neo người, các bác, các chú phải hỗ trợ bố mẹ vào viện chăm tôi. Tôi được đưa đi khắp các viện ở Vĩnh Phúc, Hà Nội nhưng vẫn không đi lại được", anh Thành kể.
Ngày đó, để anh Thành không bị sốc, gia đình luôn động viên anh rằng, sau này lớn lên, chân sẽ khỏi và anh có thể tự đi được. Nhưng khi trưởng thành, thấy mình vẫn phải gắn bó với chiếc xe lăn, anh tự hiểu và chấp nhận hiện thực phũ phàng.
Những ngày cấp học cấp 2, anh Thành đến trường trên đôi chân của bố mẹ, bạn bè. Học hết lớp 9, anh đành nghỉ học vì trường cấp 3 quá xa nhà.
Cuộc sống của anh từ ấy chỉ quanh quẩn trong nhà, phụ giúp bố mẹ vài việc vặt. Năm anh 25 tuổi, một người chú làm cai thầu xây dựng đã động viên anh nên mở rộng các mối quan hệ bạn bè. Biết đâu, từ đó, anh sẽ tìm được người hợp ý trăm năm.
Người chú giới thiệu anh Thành làm quen với chị Chu Thị Bích (quê ở Sơn Dương, Tuyên Quang). Chị Bích khi ấy làm thợ phụ hồ. Ai quen biết đều cảm mến chị bởi tính hiền lành, chịu khó.
"Khi đó tôi cũng khá tự ti nhưng nghe người chú động viên, tôi vẫn tìm gặp Bích làm quen. Mới đầu, cô ấy cũng e ngại lắm", anh Thành kể.
Sau lần gặp đầu tiên, anh Thành đã cảm mến người con gái hiền lành, chịu thương chịu khó. Suốt 3 tháng sau đó, anh ở lại nhà người quen ở Tuyên Quang và cứ cách ngày lại nhờ anh họ đưa tới nhà chị Bích.
Anh Thành, chị Bích kết hôn năm 2016 (Ảnh: NVCC).
Thương người đàn ông chân thành, sống tình cảm, chị Bích mở lòng, bỏ qua khiếm khuyết cơ thể, chấp nhận lời yêu anh. Sáu tháng sau đó, họ nên duyên vợ chồng.
Trước khi cưới chị Bích, anh Thành chủ yếu di chuyển bằng xe lăn hoặc dựa vào sự trợ giúp của người quen. Nhưng từ sau khi kết hôn, chị Bích kiên quyết không cho chồng ngồi xe lăn. Thay vào đó, chị cõng anh và tình nguyện trở thành đôi chân cho chồng.
Anh Thành kể: "Hôm đi chụp ảnh cưới, cô ấy đã thử cõng tôi nhưng không cõng được. Lúc ấy, tôi nặng 65kg, còn vợ chỉ hơn 40kg. Sau này khi cưới về, cô ấy vẫn kiên quyết tập cõng tôi. Thấy vợ loạng choạng bước đi, xiêu vẹo muốn ngã, tôi đã ngăn cản nhưng cô ấy không chịu".
Cứ như vậy, dần dần chị Bích làm quen với trọng lượng cơ thể chồng. Từ cõng được quãng đường ngắn chị đi từng bước xa hơn và có thể cõng anh 100-200m. Đến đâu mệt, chị lại nghỉ rồi cõng chồng đi tiếp. Cần đi đâu xa, cặp vợ chồng thường kết hợp di chuyển bằng xe máy, ô tô nên người vợ không quá tốn sức.
Ban đầu, anh Thành cảm thấy khá tự ti khi được vợ cõng. Anh luôn ám ảnh suy nghĩ đáng lẽ mình phải là bờ vai cho vợ nương tựa giờ lại để vợ cõng trên lưng. Thời gian đầu, thấy người ngoài bàn tán, anh càng thêm chạnh lòng. Biết chồng tủi thân, chị Bích nhiều lần an ủi, động viên anh.
Do chỉ nặng 43kg trong khi anh Thành nặng gần 70kg, không ít lần chị Bích cũng gặp phải những cú ngã đau điếng. Có khi cả hai ngã sõng soài ra đất, có khi lại bị trượt trong nhà tắm.
Sau mỗi lần bị ngã, chị Bích lại cẩn thận, chọn thế đứng cho vững chắc rồi mới bước đi. Chị Bích thường chỉ sử dụng những đôi dép bằng đế, thấp gót để dễ dàng di chuyển khi cõng chồng.
Trên đôi chân của vợ, anh Thành được đưa đi khắp nơi, ra ngoài đường, ngoài ngõ, tới dự các đám đình, các hoạt động của thôn xóm, thăm nhà người quen.
Mỗi năm một lần, chị lại đưa anh xuống Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tái khám. Chị cõng anh lên xe, đi từ cổng viện vào sảnh mới mượn giường nằm đẩy đi các khoa…
Anh Thành luôn thầm cảm ơn vợ đã hi sinh cho mình. (Ảnh: NVCC).
Chia sẻ về lý do không để chồng ngồi xe lăn, chị Chu Thị Bích cho biết, chị sợ chồng ngồi xe lăn, chân sẽ yếu đi và không thể tự đi lại được nữa.
Chị vẫn hi vọng một ngày nào đó, anh ấy có thể đi lại được. Nếu anh Thành không đi lại được, chị sẽ làm đôi chân cho anh đến hết đời.
Nhiều năm qua, nhiều lần anh Thành được các hội nhóm từ thiện, mạnh thường quân tặng những chiếc xe lăn hiện đại nhưng chị Bích không đồng ý cho chồng dùng.
Trong nhà vẫn có xe lăn nhưng chị Bích chỉ để vào một góc. Bởi anh Thành cần đi đâu thì đã có chị đưa đi.
Hiện tại, vợ chồng anh Thành chị Bích đã sinh được hai cậu con trai khỏe mạnh đáng yêu. Nhìn tổ ấm hạnh phúc, anh Thành càng thêm cảm phục, yêu thương vợ vì đã hi sinh và vun vén cho gia đình nhỏ.
Theo Dân Trí