Trước căn phòng trọ ở lối rẽ vào đường 374, ấp Bàu Tre 2, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TPHCM mẹ con chị Huỳnh Thanh Phương đang thuê là khoảng sân rộng mênh mông. Chị Phương là giáo viên tiểu học, một mình nuôi con trai 9 tuổi. 

Trừ những lúc trẻ nhỏ bên ngoài vào chơi cùng con trai chị Phương, dãy trọ lúc nào cũng im ắng. Cả dãy với 7 phòng rộng rãi chỉ 2 phòng có người thuê với tổng cộng 4 người. 

Chuyện từ dãy trọ chỉ 2 trên 7, hai mẹ con nhiều đêm không ngủ-1
Ở xung quanh dãy nhà trọ, nhiều đồ dùng cũ lâu năm bị bỏ lại (Ảnh: Hoài Nam).

Trước những căn phòng bỏ trống nằm ở hai bên dãy trọ là những tủ gỗ, sofa, chậu nhựa và thêm đồ linh tinh cũ lâu ngày không ai dọn dẹp. Phía bên trong những căn phòng bỏ hoang ẩm mốc, bụi bặm. Sau những trận mưa, ếch nhái, côn trùng nhảy khắp nơi.  

Chị Phương là giáo viên tiểu học. Tháng 11 năm ngoái, mong tìm được chỗ ở rộng rãi, chị đến đây hỏi phòng, chủ nhà mới sửa sang lại để cho thuê. Chủ trọ cho biết, từ sau dịch Covid-19, nơi này để hoang khi công nhân lần lượt bỏ đi.

Những ngày đầu chuyển đến, mẹ con chị Phương không tài nào ngủ nổi. Bước chân ra ngoài sân, hai bên là những căn phòng không có người ở làm chị thêm trống trải, hụt hẫng.

Gần nửa năm sau, dãy trọ có thêm người đến ở. T., người mẹ trẻ từ miền Tây ôm đứa con nhỏ chưa tròn 2 tuổi đến đây mưu sinh sau khi không chịu nổi cảnh người chồng nghiện ngập, vũ phu.

Chuyện từ dãy trọ chỉ 2 trên 7, hai mẹ con nhiều đêm không ngủ-2
Chỉ có 2/7 phòng ở dãy trọ có người ở nhưng cũng khó duy trì lâu dài (Ảnh: Hoài Nam).

Dãy trọ đã có thêm hơi người. Khi nấu miếng chè, bát cháo, T. đều múc qua cho mẹ con chị Phương. Ngược lại, có đồ dùng, quần áo hay món ăn gì, chị Phương cũng không quên cầm qua cho mẹ con T. 

Không chỉ là tình hàng xóm mà gắn bó một thời gian, biết hoàn cảnh của nhau, chị Phương nặng lòng với suy nghĩ, rồi mẹ con T. có thể trụ ở đây được đến bao giờ. 

T. làm công nhân với mức lương chỉ 4,5 triệu đồng. Cô vẫn được xem là may mắn khi còn có việc khi quanh đây, thời gian qua công nhân bị sa thải, cắt giảm hàng loạt. Họ đi, để lại nhiều dãy trọ không có người ở như vậy... 

Với mức lương đó, T. gửi con nhỏ với chi phí gần 2 triệu đồng, 700.000 đồng tiền nhà trọ. Còn lại tất tần tật mọi thứ chi tiêu sinh hoạt của hai mẹ con chỉ vỏn vẹn trong số tiền hơn 1,5 triệu đồng. 

Chuyện từ dãy trọ chỉ 2 trên 7, hai mẹ con nhiều đêm không ngủ-3
Chị Phương khâu lại gấu bông cho con nhà hàng xóm (Ảnh: Hoài Nam).

Chị Phương kể, mấy tháng trước, chị phấn khởi khi thấy có thêm người chuyển đến phòng bên cạnh. Hai vợ chồng công nhân đến sửa sang quét dọn, háo hức chuẩn bị nơi ở mới. 

Nhưng rồi, chỉ ở được hơn tháng, họ dắt nhau ra đi vì bị cắt giảm, mất việc làm. Căn phòng đó, thêm một vài người chuyển đến được dăm ba hôm rồi lại đi. 

Chị Phương gọi chỗ trọ của mình là dãy trọ "ma", như rất nhiều dãy trọ không có người ở. Tên gọi không chỉ bởi sự trống vắng mà còn là sự thoắt ẩn thoắt hiện của nhiều phận người... 

Là người ở địa phương, chị Phương cho biết, chị chưa từng thấy tình cảnh này ở quê mình. "An cư mới lạc nghiệp" nhưng với biết bao nhiêu người lao động di cư, nghiệp không ổn thì nào có thể an cư. 

Chiều tối hôm đó, chị cầm ít đồ ăn sang cho mẹ con T. Bữa cơm tối của hai mẹ con chỉ có 2 bìa đậu trắng chan nước tương. Người mẹ quát con inh ỏi: "Ăn đi! Nuốt nghen! Không ngậm!". 

Có đêm, sau tiếng những tiếng quát tháo, là tiếng khóc rấm rứt của người mẹ trẻ. 

Nằm ở phòng bên này, chị Phương trằn trọc mãi. Có đêm không ngủ được, chị với con kéo nhau đi ăn hủ tiếu lúc đã gần nửa đêm. Ngồi ở quán hủ tiếu, chị nghe tiếng mời: "Cô ơi, mua giúp vài tờ vé số". 

Chị Phương ngước lên, người bán vé số là bố của một em học sinh trong lớp chị. Cả ngày bán không nổi 50 tờ, cả hai vợ chồng rong ruổi bán thêm về đêm. Bởi phía sau họ còn biết bao nhiêu khoản cần lo từ tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền học của con... 

Chuyện từ dãy trọ chỉ 2 trên 7, hai mẹ con nhiều đêm không ngủ-4
Con trai chị Phương cùng bạn ngồi đọc sách trước khoảng sân rộng thênh vì cả khu trọ gần như không có người ở (Ảnh: Hoài Nam).

Là giáo viên, công việc của chị Phương không bị ảnh hưởng trực tiếp vì kinh tế khó khăn nhưng chị cảm nhận rõ điều đó từ bầu không khí ngay nơi mình ở, từ người thân, người quen, phụ huynh...

Họ đều trong cảnh mất việc, thất nghiệp, khó khăn. Những thứ xung quanh đó làm chị dễ trở nên nhạy cảm, mệt mỏi, dễ khóc, khó ngủ. 

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TPHCM, 10 tháng qua, thành phố ghi nhận 128.000 người nghỉ việc, đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp.

Mới đây, con số cắt giảm nhân sự tại Công ty may Garmex Sài Gòn từ con số 3.780 lao động vào cuối năm 2021 đến nay chỉ còn... 35 người gây choáng váng. 

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 khoảng 1,08 triệu người, tăng 6,3 nghìn người so với quý trước và tăng 22,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng hậu quả sau Covid-19 không chỉ ở con số bao nhiêu công ty đóng cửa, bao nhiêu công nhân thất nghiệp. Nó còn hiển hiện rõ với cả những người đang bám trụ nơi từng khu trọ, trong từng bữa ăn, trên từng nét mặt, lời nói, tâm tính, cách ứng xử của... mỗi con người. 

Chuyện từ dãy trọ chỉ 2 trên 7, hai mẹ con nhiều đêm không ngủ-5
Những tổn thương sau Covid-19 không chỉ ở vấn đề kinh tế, tài chính mà còn ở sức khỏe tinh thần của người dân (Ảnh: Hoài Nam).

Thông tin tại Hội thảo Xây dựng đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023-2030 diễn ra hồi tháng 8 vừa qua chỉ ra hàng tỷ người trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 

Đại dịch này có tác động sâu hơn đến sức khỏe tâm thần của con người, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng ngắn hạn cũng như dài hạn và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Các ước tính cho thấy sự gia tăng của cả rối loạn lo âu và trầm cảm ở mức hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch.

Theo Dân Trí