Theo tài liệu nghiên cứu khoa học được viết thành sách của Nhà nghiên cứu Đặng Phong được lưu trữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia, cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XIX, tại Hà Nội, người Pháp đã phá bỏ đình Quảng Văn nằm trên khu đất bên phía Đông của chợ Cửa Nam. Sau đó, họ tạo ra một quảng trường nhỏ, đặt tên là Place Neyret, nay là vườn hoa Bách Việt mà người dân vẫn thường gọi là vườn hoa Cửa Nam.

Chuyện về tượng Nữ thần Tự do xuất hiện trên đường phố Hà Nội xưa-1
Tượng “Nữ thần Tự do” đặt tại vườn hoa Cửa Nam

Quảng trường này có hình tam giác, mũi nhọn đâm ra phía đường Lê Duẩn, cạnh phía Bắc là phố Hàng Bông, cạnh phía nam chỉ hướng phố Cửa Nam. Tại giữa quảng trường này, vào khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, chính quyền Pháp đặt một tượng đài phiên bản “Nữ thần Tự do” cao khoảng 2,85 mét. Người Việt Nam thời đó gọi bức tượng này là “Tượng Đầm xòe”. Quanh tượng có trồng nhiều cây xanh và bồn hoa nên dân còn gọi đó là “Vườn hoa Đầm xòe”.

Theo tìm hiểu của Nhà nghiên cứu Đặng Phong, bức tượng này được đưa sang Việt Nam vào năm 1887 để trưng bày tại hội chợ triển lãm đầu tiên của Pháp ở Hà Nội nhân ngày Quốc khánh Pháp 14/7 cùng năm đó. Hội chợ này được tổ chức ở khu “Đấu Xảo”, nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Sau đó, tượng được đặt tại quảng trường mà ngày nay là vườn hoa Lý Thái Tổ.

Tiếp đó, vào năm 1890, Tổng Trú sứ Pháp ở Bắc Kỳ Paul Bert chết, nhà cầm quyền Pháp muốn tưởng niệm Paul Bert nên đã lấy cái tên này đặt cho quảng trường và dựng tượng ông ta ở đó. Đến năm 1891, “Nữ thần Tự do” phải “sơ tán” khỏi vị trí ban đầu đến phía trên Tháp Rùa, mặt quay về phía tượng Paul Bert. Tuy nhiên, dư luận dân chúng cùng báo chí đã phản ứng kịch liệt và cho rằng đây là một sự sắp đặt lố bịch, ảnh hưởng đến biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Chuyện về tượng Nữ thần Tự do xuất hiện trên đường phố Hà Nội xưa-2
Tượng “Nữ thần Tự do” được đặt trên đỉnh Tháp Rùa.

Sau 5 năm nhận công kích không ngừng nghỉ từ phía dư luận, đến năm 1896, tượng “Nữ thần Tự do” buộc phải dỡ xuống. Địa điểm thứ 3 được lựa chọn là Place Neyret trước chợ Cửa Nam. Tại quảng trường này, mỗi chiều chủ nhật lại có lính quân nhạc đến thổi kèn đánh trống cho công chúng xem mà theo nhà nghiên cứu Đặng Phong thì “công chúng” chủ yếu là “tây đầm” chứ người Việt Nam hồi đầu không quen với thứ nhạc lạ tai đó.

Đến đầu tháng 8/1945, trong cao trào tiền khởi nghĩa, theo lệnh của Thị trường thành phố Hà Nội lúc bấy giờ là bác sĩ Trần Văn Lai, tất cả các pho tượng lớn do Pháp dựng lên ở Hà Nội đều bị kéo đổ. Tượng “Nữ thần Tự do” bị kéo đổ vào lúc 9h40 sáng ngày 1/8/1945.

Sau ngày 1/8/1945, những pho tượng “tây đầm” như tượng Toàn quyền Paul Bert, tượng Thống chế Foch, tượng “Nữ thần Tự do”… đều được cất vào kho của Sở Lục Lộ Đông Dương ở phố Lò Sũ. Từ ngày 19/8/1945, các pho tượng này được chuyển về cất trong tầng hầm của Tòa Thị chính Hà Nội.

Đến năm 1952, tất cả các pho tượng “tây đầm” nói trên được Thị trưởng Hà Nội thời điểm đó là ông Thẩm Hoàng Tín đem hiến cho chùa Thần Quang ở phố Ngũ Xã.


Theo Danviet.vn