Trở về từ bệnh viện, trên tay vẫn còn cắm ống tiêm truyền, khuôn mặt bé Bún bỗng tươi tỉnh hẳn lên khi nhìn thấy bức ảnh có đầy đủ ba thành viên của gia đình: Bố Phạm Công Huy, mẹ Như Quỳnh và Bún.
Từ trước đến nay, Bún chỉ biết về bố Huy qua album ảnh cưới của bố mẹ, qua những khung hình nhỏ mẹ treo trên tường.
Hôm ấy, Bún thấy bố cao lớn hơn, mặc bộ cảnh phục lại còn bế Bún trên tay, bên cạnh là mẹ mặc chiếc áo dài đỏ duyên dáng. Cô bé chỉ tay gọi bố, hoan hô gọi mẹ, rồi chạy nhảy xung quanh bức ảnh khổ lớn reo vui: "Mẹ ơi, bố bế con này!".
Dù đã quen với cảnh con tíu tít bên những khung hình của chồng, quen với cảnh Bún xem ảnh bố rồi đòi "bố bế em" nhưng Thiếu úy Đỗ Như Quỳnh (28 tuổi, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC& CHCN) Công an quận Đống Đa, Hà Nội) không khỏi thắt lòng.
Chị mỉm cười với con nhưng khóe mắt lại như chực khóc.
Bức ảnh đặc biệt trên do một nhóm bạn trẻ chuyên phục dựng ảnh liệt sĩ miễn phí gửi tặng gia đình.
Chồng chị - Đại úy Phạm Công Huy (SN 1993) là cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Hà Nội hi sinh tháng 1/2020 ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.
Lúc đó, bé Bún mới chỉ 6 tháng tuổi, cả gia đình còn chưa kịp có một bức hình chung khổ lớn nào thì anh Huy đã mãi mãi ra đi.
Bức ảnh đoàn viên sau 2 năm Đại úy Phạm Công Huy ra đi.
Người vợ trẻ luôn mơ ước được đứng chung khung hình với chồng, bên cạnh là cô con gái 3 tuổi xinh xắn. Một người bạn biết chuyện đã cùng nhóm phục dựng ảnh lên kế hoạch và đem đến món quà đặc biệt này cho hai mẹ con…
Từ bức ảnh đoàn viên đặc biệt ấy, phóng viên đã có dịp lắng nghe những tâm sự nghẹn lòng của một người vợ liệt sĩ giữa thời bình, về những mất mát hi sinh của Đại úy Phạm Công Huy…
Quỳnh còn trẻ quá!
Đó là ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu khi chúng tôi gặp mặt Như Quỳnh trong căn nhà nhỏ ở phố Khâm Thiên, Hà Nội.
Dáng người nhỏ nhắn, da trắng, gương mặt ưa nhìn, Quỳnh thường bị người ta nhầm với sinh viên mới ra tường. Nhưng cô gái trẻ ấy phải trở thành góa phụ từ năm 26 tuổi, khi mới về chung nhà với chàng trai Phạm Công Huy được hơn một năm.
Tốt nghiệp ngành PCCC, Như Quỳnh tự nhận tính mình hơi "đàn ông" và rất khó để rơi nước mắt. Nhưng đối mặt với cú sốc của cuộc đời, cô gái trẻ đã suy sụp suốt một thời gian dài… Quỳnh bảo: "Chuyện như chỉ mới hôm qua".
Quỳnh kể, cô quen chồng năm 2016 khi về thực tập ở đơn vị mà anh Huy công tác ở huyện Đông Anh. Tháng 11/2018, sau một thời gian tìm hiểu, yêu đương, đôi trai tài gái sắc quyết định gắn bó trọn đời bên nhau bằng một đám cưới hạnh phúc. Ít lâu sau, họ đón thêm thành viên nhí của gia đình - bé Bún xinh xắn.
Cô bé Bún ra đời thỏa nguyện niềm mong ước "có con gái" của anh Huy. Vẻ ngoài của Bún có nhiều nét tương đồng với anh Huy càng khiến ông bố trẻ quấn quýt bên con không rời.
Công việc đặc thù của người cảnh sát PCCC & CHCN khiến anh Huy không thường xuyên có mặt ở nhà. Nhưng hễ có thời gian rảnh rỗi, anh lại tranh phần bế con, phụ vợ thay tã, pha sữa cho con.
Những ngày đầu tháng 1/2020, anh Huy bị đau dạ dày phải nằm viện suốt một tuần. Sau khi hồi phục và ra viện, anh nhận lệnh tập trung đi làm nhiệm vụ.
Là một chiến sĩ công an, cũng đã quen với việc chồng đi công tác nên Như Quỳnh không hỏi quá sâu về nhiệm vụ lần ấy của chồng. Sau bữa cơm trưa đơn giản với vợ, anh Huy sửa soạn đồ đạc rồi đến bên giường tạm biệt con gái khi ấy còn đang say giấc.
"Anh ấy đến bên giường, thơm vào má con rồi nói: Con gái ơi con gái! Bố đi nhé!", Như Quỳnh nhớ lại.
Người vợ trẻ chẳng thể ngờ đó là lần cuối con gái được cảm nhận hơi ấm của bố và cũng là lần cuối mình được gặp mặt chồng.
Tối ngày 8/1, Như Quỳnh nhận được điện thoại của chồng nhưng cả hai chẳng trò chuyện được nhiều bởi Huy đang nhận lệnh công tác, sóng điện thoại chập chờn. Tháng lương vừa mới lĩnh, Huy chuyển khoản hết để vợ có tiền chăm sóc con và lo chi tiêu gia đình.
Cuộc gọi tối 8/1 cũng là lần liên lạc cuối cùng của đôi vợ chồng trẻ. Lúc ấy, cô chỉ nghĩ, chắc vài hôm nữa chồng sẽ trở về như những lần làm nhiệm vụ trước đó.
Tuy nhiên, trưa ngày 9/1, Như Quỳnh thấy bố đẻ xuất hiện ở nhà mình. Thấy người cha cũng làm trong ngành công an đến mà không hẹn trước, cô cứ nghĩ ông đi đâu có việc rồi ghé qua thăm con cháu. Song khi nhìn dáng vẻ thất thần của ông, Như Quỳnh thoáng chút lo lắng.
Sau một hồi trấn an tinh thần "con cần phải bình tĩnh", ông nghẹn ngào thông báo tin anh Huy đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ. Nghe tin sét đánh ngang tai, Như Quỳnh bàng hoàng, ngã quỵ.
Cô gào thét, hai tay đấm thùm thụp vào người cha rồi bắt ông gọi điện hỏi thẩm định lại thông tin. Cô gái trẻ cho rằng, chồng mình chị bị thương hay đang đi cấp cứu mà thôi. Rất nhiều giả thuyết được Quỳnh đưa ra để phủ nhận sự thực phũ phàng.
"Tôi như hóa điên và liên tục nói không tin. Mãi đến tận sáng hôm sau, tôi mới tỉnh táo lại một chút", Như Quỳnh nhớ lại khoảnh khắc nhận tin chồng hi sinh.
Những ngày sau đó là những ngày dài chìm trong nước mắt và nỗi đau nhói buốt tâm can. Ngày làm lễ truy điệu, Như Quỳnh được nhìn mặt chồng lần cuối, người vợ trẻ như không còn thiết sống…
Mâm cơm của mẹ vẫn có con
Trong ngôi nhà nơi ngõ phố Khâm Thiên ấy, ngoài Như Quỳnh còn có một người phụ nữ nữa cũng ngày đêm nhớ thương liệt sĩ Phạm Công Huy. Người đó không ai khác chính là mẹ đẻ của anh - bà Trần Thị Kim Thoa.
Tối 22/7, khi phóng viên đến thăm nhà, bà Thoa đang lặng lẽ ăn bữa tối một mình bởi Như Quỳnh còn đang chăm bé Bún trên phòng riêng. Mâm cơm tối có đĩa cá rán và mấy chiếc bánh tẻ. Ngoài phần cơm của bà Thoa còn hai bát cơm trắng như để phần cho ai đó.
Ít phút sau, hỏi ra phóng viên mới biết, đó là hai phần cơm bà Thoa dành cho người con đã rời xa cõi tạm của mình.
Nhắc đến mẹ chồng, giọng Như Quỳnh lại chùng xuống: "Em thương mẹ lắm. Làm mẹ rồi nên em càng hiểu và thương mẹ hơn".
Như Quỳnh vẫn nhớ như in dáng vẻ thất thần của bà Thoa khi mới hay tin con trai mất. Cô kể: "Khi nghe em gào thét nói không muốn tin chuyện chồng hi sinh là sự thực thì mẹ cũng nói: Con mới ở với Huy hơn một năm, còn mẹ ở với Huy 27 năm rồi. Mẹ cũng không muốn tin đó là sự thực".
Cuộc đối thoại của hai người phụ nữ cùng chung một nỗi đau khiến ai nghe thấy cũng phải nhói lòng. Có lẽ, họ chỉ mong có một sự nhầm lẫn nào đó, chỉ mong có một phép màu… Nhưng tiếc rằng điều đó đã không xảy ra.
Suốt hơn 2 năm qua, nỗi đau dường như vẫn chưa nguôi ngoai nơi mẹ liệt sĩ Phạm Công Huy. Mỗi khi có ai nhắc đến con trai, lòng người mẹ lại quặn thắt. Bao nhiêu thương nhớ lại dâng trào nơi khóe mắt.
Không nhớ, không thương sao được khi anh Huy là cậu con trai cả ngoan ngoãn và yêu thương bố mẹ hết lòng. Anh từng là niềm tự hào của gia đình khi học rất giỏi khối A và thi vào Trường Đại học PCCC vì yêu nghề chống "giặc lửa".
Bà Thoa cùng chồng vốn buôn bán hàng tạp hóa ở nhà nên vô cùng tự hào khi thấy con trai mặc trên mình bộ cảnh phục công an nhân dân và giúp ích cho đời.
Hai mẹ con bất đắc dĩ phải chia lìa đôi ngả, bà Thoa chỉ còn biết giữ lại tất cả những gì thuộc về con bên mình. Bên cạnh bàn thờ Đại úy Nguyễn Công Huy, có 3 bộ quần áo (một bộ trang phục cảnh sát nhân dân thu đông, một bộ lễ phục công an nhân dân còn mới nguyên và một bộ bộ trang phục của cảnh sát PCCC&CNCH).
Một bộ trang phục trong số đó vẫn còn nguyên mùi mồ hôi, còn nguyên vết bẩn nơi cổ áo được anh Huy mặc lần cuối trước lúc đến đơn vị nhận nhiệm vụ. Bà Thoa thống nhất với gia đình sẽ không giặt vì muốn giữ lại tất cả những gì thuộc về con…
Ngoài quần áo, những khung hình đẹp nhất của Đại úy Phạm Công Huy lúc sinh thời cũng được bà sắp xếp xung quanh gian phòng. Hơn 2 năm nay, mỗi bữa đều đặn, người mẹ này vẫn đơm cho anh hai bát cơm để ở góc bàn.
Từ ngày con trai ra đi, bà Thoa để chồng trông nom ngôi nhà đầu phố, còn mình chuyển vào ở hẳn cùng con dâu và cháu nội. Cô bé Bún mỗi ngày một lớn, tíu tít bên bà nội tối ngày nên cũng khiến lòng bà Thoa bớt trống trải.
"Dẫu vậy, thi thoảng bà vẫn nhìn cháu khóc thầm. Đôi lúc, bà đem những bộ quần áo hồi bé của anh Huy ra mặc cho Bún…", Như Quỳnh chia sẻ.
Mong con lớn lên vui khỏe, trưởng thành
Về phần mình Như Quỳnh tâm sự, khoảng thời gian đầu với cô thực sự khó khăn. Chồng vừa mất cũng là khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động đi lại, giao tiếp bị hạn chế.
Suốt khoảng thời gian dài quanh quẩn trong căn phòng đầy ắp kỉ niệm, Như Quỳnh gần như rơi vào trầm cảm, nước mắt dường như đã cạn khô. Nhiều lúc, người vợ trẻ chán nản nghĩ đến những hành động tiêu cực, không còn thiết sống.
Nhưng rồi, khi nghe báo đài đưa tin về nhiều trường hợp người bệnh qua đời vì Covid-19, nhiều đứa trẻ mất cả cha lẫn mẹ, Như Quỳnh nhìn con rồi tự nhủ, mình có cơ hội sống thì phải sống tiếp. Tất cả là vì con, vì trái ngọt tình yêu của hai người.
Được sự giúp đỡ, động viên của gia đình, của bạn bè, lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp, Như Quỳnh dần vực dậy tinh thần để từng nhịp thích nghi với cuộc sống không còn anh Huy bên cạnh.
Như Quỳnh tâm sự: "Mọi người bảo tôi mạnh mẽ nhưng hoàn cảnh rơi vào ai thì phải cố gắng thôi. Tôi nghĩ đến con, cố gắng vì con. Tôi may mắn có gia đình đôi bên hỗ trợ nhiều. Tôi chỉ mong Bún sau này lớn lên vui khỏe, trưởng thành.
Có một điều đặc biệt là từ ngày anh Huy mất, gia đình tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những người xa lạ. Có những người quan tâm, chăm sóc chúng tôi chẳng khác gì những người ruột thịt mặc dù trước đó chúng tôi chưa từng quen biết.
Tôi thực sự rất xúc động và biết ơn khi mọi người đã không quên chồng tôi, một liệt sĩ giữa thời bình".
Chiến tranh đã rời xa nhưng vẫn có những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng quân đội, cảnh sát, công an anh dũng ngã xuống trong khi thực hiện nhiệm vụ vì sự an toàn của xã hội. Họ để lại mẹ già, con thơ và những người vợ trẻ chỉ mới ngoài đôi mươi như Như Quỳnh.
Nỗi đau thời nào cũng thế và những thiệt thòi, mất mát mà những người vợ, người mẹ vẫn cứ còn đó, vẫn cứ dai dẳng mãi…
Theo Dân trí