Chuyện xúc động về nụ hôn 76 năm sau trận đánh 'Trân Châu Cảng'

Nếu không có cuộc tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, có lẽ hai người bạn già này đã có một tình yêu học trò đẹp đẽ, thậm chí có thể "về chung một nhà".

Đó là câu chuyện xúc động của hai người bạn thời trung học từng phải lòng nhau, nhưng bị chiến tranh chia cắt: Carl Warner, cụ ông 92 tuổi và Abby Deutsch, cụ bà 91 tuổi.

Hơn 7 thập kỷ xa nhau, họ gặp lại nhau, trao nhau nụ hôn ở cái tuổi "gần đất xa trời" mà nhẽ ra phải là nụ hôn đầu đời từ 76 năm về trước.

Chuyện xúc động về nụ hôn 76 năm sau trận đánh Trân Châu Cảng-1
Carl Warner và Abby Deutsch giờ đã ngoài 90 tuổi

Năm 1941, Carl Warner khi đó là cậu học sinh trung học sống ở Miami, đã bị cô bạn Abby Deutsch, kém 1 tuổi "hớp hồn". Carl đã dự định sẽ ngỏ lời với Abby; thế nhưng cuộc chiến tàn khốc không cho phép anh thực hiện điều đó.

Buổi sáng chủ nhật định mệnh ấy, ngày 7/12/1941, quân đội Nhật Bản giáng một đòn bất ngờ vào vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng, Hawaii. Cú tấn công này kéo Mỹ vào Thế chiến thứ 2. Vài ngày sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, Carl gia nhập thủy quân lục chiến. Tình cảm đôi lứa vừa được nhen nhóm đã vội bị chiến tranh chia cắt.

Chuyện xúc động về nụ hôn 76 năm sau trận đánh Trân Châu Cảng-2
Abby thủa trung học

Cuộc sống của họ rẽ sang 2 hướng khác nhau; cho đến 10 năm trước họ tình cờ có số điện thoại của nhau thông qua những người bạn. Khi đó, Carl Warner sống ở Sherman Oaks, California; còn Abby sống ở Florida. Kể từ đó, họ thường xuyên giữ liên lạc qua điện thoại, nhưng chưa một lần gặp gỡ.

Suốt quãng thời gian ấy, những cuộc trò chuyện xa đã nhen nhóm lại tình cảm đặc biệt trong lòng họ, dù 2 người đã lập gia đình từ lâu. Năm 2012, chồng Abby qua đời. Dù đã về hưu, bà vẫn làm thêm tại Đại học Miami với tư cách là thư ký của hiệu phó trường.

Còn Carl Warner, khi chiến tranh kết thúc ông từng làm phóng viên cho hãng thông tấn Hoa Kỳ UPI (United Press International). Tại đây, ông đã kể lại nhiều trải nghiệm chinh chiến và bị bắt làm tù binh ở Cuba, cũng như bị thương khi tham chiến ở Venezuela.

Thậm chí, đài CBS còn đưa tin rằng ông đã qua đời. Tuy nhiên, Carl Warner vẫn sống khỏe mạnh. Ông kết hôn 2 lần và người vợ thứ 2 đã qua đời năm 2015 vì bệnh viêm phổi mãn tính, sau 22 năm chung sống.

Chuyện xúc động về nụ hôn 76 năm sau trận đánh Trân Châu Cảng-3
Carl Warner từng làm phóng viên chiến tranh

Chia sẻ với tạp chí People, cụ bà Abby khiêm tốn nói rằng hai người chỉ là bạn trung học; nhưng cụ ông Carl không ngần ngại bộc bạch: "Abby Deutsch là một người tốt bụng. Cho đến bây giờ, bà ấy vẫn là người phụ nữ ngọt ngào nhất mà tôi biết".

Tuy nhiên, ông nói thêm khi đó thật sự không phải thời điểm phù hợp cho mối quan hệ của 2 người. Cậu thanh niên Carl Warner thủa đó mới 17 tuổi, sự nghiệp học hành vẫn chưa xong, việc làm chưa có và chiến tranh lại nổ ra.

Cả thập kỷ trao đổi qua điện thoại, nhiều lần hẹn hò gặp nhau nhưng đều không thành cho đến ngày 17/8 vừa qua, Carl và Abby mới có một cuộc gặp gỡ thực sự nhờ sự trợ giúp của một hội người cao tuổi.

"Tôi thích cảm giác được chờ đợi, và thật tuyệt vời khi cuối cùng tôi cũng gặp được ông ấy", Abby thổ lộ. Bà cũng tiết lộ thêm cuộc hẹn hò với "người trong mộng" từ 76 năm về trước đã vượt xa sự mong đợi của bà.

Họ đã trải qua một cuộc hẹn hò thú vị ở Warner Bros, Burbank, Los Angeles; sau đó ăn tối tại nhà của Carl. "Chúng tôi ôm và rồi hôn nhau. Tôi biết điều này sẽ xảy ra", Carl chia sẻ với People.

"Chúng tôi thật may mắn vì còn sống khỏe mạnh ở tuổi này... Nụ hôn ấy thật tuyệt vời. Nếu đây là cách bạn hôn một ai đó sau 76 năm, thì tôi có thể ra đi và trở lại sau 76 năm nữa để được hôn ông ấy", Abby nói.

Còn Carl cho biết được gặp lại Abby là điều vô cùng hạnh phúc.

Chuyện xúc động về nụ hôn 76 năm sau trận đánh Trân Châu Cảng-4
Gặp lại "người trong mộng" 76 năm sau, cả 2 đều vô cùng hạnh phúc

Trận đánh Trân Châu Cảng (hay còn gọi là Chiến dịch Hawaii) là một sự kiện lớn trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Đây là đòn tấn công quân sự bất ngờ của quân đội Nhật Bản nhằm vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, tiểu bang Hawaii ngày 7/12/1941. Trận đánh này cũng lôi kéo Mỹ vào Thế chiến 2.

Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay, xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản, đã gây thiệt hại lớn cho quân đội Mỹ. Theo thống kê, 4 thiết giáp hạm Hoa Kỳ bị đánh chìm, 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục, 1 tàu thả mìn, 188 máy bay bị phá hủy; hơn 2.000 người tử vong và hơn 1.000 người bị thương.

Về phía quân Nhật cũng thiệt hại ít hơn, 29 máy bay và 4 tàu ngầm bỏ túi bị hư hại, với 65 người thương vong.

LEO
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/chuyen-xuc-dong-ve-nu-hon-76-nam-sau-tran-danh-tran-chau-cang-n-131743.html

câu chuyện cuộc sống Tình yêu

Tin tức mới nhất