Trong thời gian qua khi tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đại phương đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng nhiều địa phương áp dụng quá cứng nhắc khiến cho không ít người dân gặp khó khăn thật sự. Như sự việc nam công nhân đi mua bánh mì nhưng bị thu giữ phương tiện và xử phạt ở Khánh Hòa.
Những tưởng sau vụ việc trên, các địa phương sẽ rút kinh nghiệm, linh hoạt hơn trong quá trình thực hiện các Chỉ thị để vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống người dân thì mới mới đây thêm một trường hợp tương tự xảy ra tại huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Người dân không được qua chốt kiểm soát để đi mua gạo
Theo đoạn clip đăng tải, người dân muốn được ra khỏi địa bàn xã để mua gạo vì đã hết gạo 3-4 ngày, nhưng lực lượng chức năng tại một chốt kiểm soát vẫn nhất quyết không cho qua.
Lực lượng chức năng cho hay: "Gạo không phải là thực phẩm thiết yếu, trừ khi đi cấp cứu mới được lưu thông qua địa bàn phường". Thậm chí, ráo hoảnh hơn, phía lực lượng chức năng phường Phước Lộc còn hướng dẫn người dân: "Khó khăn quá, cứ về nhà gọi điện thoại cho chủ tịch, bí thư xã mà kêu".
Lực lượng chức năng thị xã La Gi tại chốt trên địa bàn. Ảnh cắt từ clip.
Dù người đàn ông trong clip đã nói hết nước hết cái rằng, mình "đặt hàng trên mạng đã 4 ngày" những vẫn chưa có hàng, trong khi "gạo trong nhà đã hết 2 ngày nay" nhưng cán bộ tại chốt vẫn nhất quyết không cho qua. Vị cán bộ này còn giải thích thêm rằng, nếu khó khăn quá thì hãy liên hệ với Chủ tịch hoặc UB xã để được hỗ trợ giải quyết.
Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Được biết đoạn clip trên được quay lại tại xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Liên quan đến vụ việc, thông tin trên báo Lao động cho biết, thị xã La Gi đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ ngày 14/7, tuy nhiên đến 00h00 ngày 15/7 lại bất ngờ thay đổi, áp dụng ngay Chỉ thị 16 lần 1. Tiếp tục Chỉ thị 16 lần 2 nối dài từ 00h ngày 29/7.
Với dân số hơn 100.000 người, nhưng tại đây chỉ có 1 siêu thị và 4 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Chuyện mua thực phẩm sau gần 15 ngày đầu giãn cách với sự tuân thủ đầy đủ trở nên khó khăn, việc giao hàng đặt qua online cũng chậm trễ vì quá tải.
Chưa kể đến việc sau khi áp dụng Chỉ thị 16 thì các chốt, trạm dọc các tuyến đường từ phường qua xã, từ phường qua phường được dựng lên nhiều hơn để hạn chế người dân ra đường.
Địa phương khoanh vùng phong tỏa nơi có nguy cơ cao ở chợ La Gi - Ảnh: Tuổi trẻ.
Đó là điều cần thiết, để đảm bảo chủ trương. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân trên địa bàn, đặc biệt là những người lớn tuổi khi họ không am hiểu, thành thạo sử dụng công nghệ để mua lương thực, thực phẩm trên mạng. Không còn sự lựa chọn họ đành phải ra đường đến các siêu thị, cửa hàng bán lương thực được phép mở cửa để mua hàng.
Tuy nhiên, giữa xã Tân Phước và phường Phước Lộc, hướng đi về phía cửa hàng Bách Hóa Xanh - nơi được thị xã cho phép mở cửa bán nhu yếu phẩm, có rất nhiều điểm chốt chặn do phía phường Phước Lộc tổ chức.
Dù có nhiều người dân đã giải thích rằng, khu vực xã Tân Phước, chợ, tiệm tạm hóa đều bị đóng cửa hết rồi, siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì không có. Họ xin bước qua bên kia phường, chỉ để mua thực phẩm nhưng đều bị từ chối. Thậm chí, khi 1 người đại diện cho nhiều hộ đi mua cũng bị từ chối. Mà hơn 15 ngày qua, chưa có một chuyến hàng nào được các tổ chức rao bán hay hỗ trợ tiếp phẩm từ chính quyền.
Trong khi đó, tới chiều 28/7, La Gi không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Chính vì vậy, cách giải quyết như lực lượng chức năng trong clip trên tại chốt kiểm soát đã khiến không ít người dân gặp khó khăn thật sự.
Cũng liên quan đến vụ việc, theo thông tin mới nhất, đến sáng nay 31/7, các chuyến hàng hỗ trợ đã đến được với người dân, gồm 2 tấn gạo, 4 tấn rau, củ, quả, thanh long, 500 hộp muối sả, mì tôm... do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức đã khởi hành đến thị xã La Gi.
Hàng hóa hỗ trợ đã được chuyển đến vùng dịch La Gi vào sáng 31/7. Ảnh: báo Bình Thuận.
Ông Nguyễn Văn Trí - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Đây là 6 tấn hàng được vận động từ các mạnh thường quân, các tổ chức tôn giáo ủng hộ để chuyển nhanh đến La Gi, vùng dịch đang rất cần chia sẻ, thông tin trên báo Bình Thuận cho biết.
Theo Pháp luật bạn đọc