Chí Tài qua đời

Clip danh hài Chí Tài leo 18 tầng cầu thang trước khi qua đời, chuyên gia tim mạch cảnh báo

Sau khi nghệ sĩ Chí Tài qua đời vì đột quỵ trong lúc leo cầu thang, các chuyên gia cảnh báo việc vận động quá sức có thể gây tai biến, tử vong cao.

Chiều 9/12, cả showbiz Việt lẫn người hâm mộ đều bàng hoàng trước sự ra đi của cố nghệ sĩ Chí Tài. Danh hài qua đời sau cơn đột quỵ khi đang tập luyện trong khu chung cư nơi ông sống.

Theo một số người dân sống cùng tòa nhà cho biết, trưa 9/12, Chí Tài vẫn đứng đợi thang máy ở cửa tòa chung cư.

Đến 13h30' cùng ngày, người dân phát hiện Chí Tài nằm bất động bên chiếc điện thoại di động ở cầu thang bộ tầng 7 của tòa nhà. Dù đã được gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện sau đó nhưng nam danh hài vẫn không qua khỏi.

Theo điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác nhận Chí Tài tử vong do đột quỵ khi đang tập luyện.

Clip danh hài Chí Tài leo 18 tầng cầu thang trước khi qua đời, chuyên gia tim mạch cảnh báo-1
Cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của nghệ sĩ

Những người ở đây cho biết, Chí Tài thường có thói quen leo cầu thang bộ tới 36 tầng lầu mỗi ngày. Đây cũng là cách để ông duy trì sự dẻo dai và hỗ trợ điều trị căn bệnh tiểu đường ở tuổi 62.

Trước đó, vào ngày 30/9, trên fanpage của Chí Tài còn chia sẻ một video tập luyện với tiêu đề: "Chí Tài 62 tuổi vẫn leo 36 tầng lầu mỗi ngày".

Để người hâm mộ nắm rõ hơn, nghệ sĩ quay hẳn clip hướng dẫn người hâm mộ tập luyện theo ông. Nơi mà Chí Tài thực hiện việc leo bộ chính là cầu thang thoát hiểm của chung cư nơi ông sống.

Theo nam danh hài, khi leo bộ, để duy trì sức bền thì 4 bậc thang đầu tiên nên nín thở, 4 bậc tiếp theo hít đều và thở nhẹ. Khi đi được 9 tầng lầu, cố nghệ sĩ sẽ dừng lại nghỉ một chút rồi mới đi tiếp.

Cứ đều đặn như vậy, mỗi ngày Chí Tài leo bộ 18 tầng chia làm 2 lượt, tổng cộng là 36 tầng/ngày.

Clip danh hài Chí Tài leo 18 tầng cầu thang trước khi qua đời, chuyên gia tim mạch cảnh báo-2
Hình ảnh cuối cùng của Chí Tài trước khi qua đời

Tập luyện quá sức dễ dẫn đến tai biến, nguy cơ tử vong cao

Liên quan đến căn bệnh đột quỵ Chí Tài mắc phải, rất nhiều chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo về các nguyên nhân dễ dẫn đến tử vong.

Chia sẻ trên báo Pháp Luật và Bạn Đọc, Giáo sư Phạm Gia Khải (nguyên chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam) cho biết, nguyên nhân dẫn đến đột quỵ có rất nhiều trường hợp, trong đó có tăng huyết áp, người có bệnh mãn tính như tiểu đường giống cố nghệ sĩ Chí Tài lại càng có nhiều nguy cơ đột quỵ.

GS Khải cho rằng, nếu như vận động quá sức thì có nguy cơ đột quỵ rất lớn.

Những người tập thể dục, thể thao xảy ra tai biến dẫn đến đột tử phần lớn là do bị cao huyết áp, tụt huyết áp hay có bệnh lý về tim mạch. Họ chỉ phát hiện bệnh khi vận động quá sức.

Chính vì vậy, nhiều người thấy sức khỏe bình thường, kiểm tra không phát hiện bệnh, nhưng khi chơi thể thao, thi đấu thể thao thì dễ bị tai biến, tử vong.

Khi tập thể dục, tập gym thì nhịp tim sẽ thay đổi nhanh hơn, đập nhanh hơn. Quá trình tập luyện nếu không kiểm soát nhịp tim thì dễ gây nguy hiểm vì nhịp tim tăng, huyết áp cũng tăng, có thể xuất hiện các cơn thiếu máu thoáng qua.

Có thể sau vài phút, người bệnh trở lại trạng thái bình thường nhưng đây chính là dấu hiệu dự báo cơn đột quỵ sắp xảy ra.

Clip danh hài Chí Tài leo 18 tầng cầu thang trước khi qua đời, chuyên gia tim mạch cảnh báo-3
Giáo sư Phạm Gia Khải - nguyên chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam

4 nhóm người dưới đây có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ cao, cần cảnh giác:

Trước đây, nghệ sĩ Chí Tài từng chia sẻ, trong gia đình ông, cả ba và mẹ đều bị tiểu đường.

Trong một lần kiểm tra sức khỏe năm 30 tuổi, ông cũng phát hiện chỉ số đường huyết của mình vượt mức cho phép. Kể từ đó, nam nghệ sĩ đã phải điều chỉnh lại lối sống và chế độ ăn.

Người mắc bệnh cao huyết áp

Bệnh huyết áp cao có thể không có triệu chứng, một số người sống chung với căn bệnh này trong nhiều năm trước khi phát hiện.

Huyết áp cao có thể dẫn đến đột quỵ vì làm hỏng các mạch máu dần theo thời gian, hình thành các cục máu đông trong mạch máu não và là nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch.

Người bị cholesterol cao

Quá nhiều cholesterol trong máu sẽ dẫn đến cục máu đông. Để duy trì mức cholesterol lành mạnh, hãy áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với trái cây và rau quả cũng như thực phẩm ít natri và chất béo.

Tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng.

Người hay hút thuốc

Khói thuốc lá chứa các hóa chất độc hại, chẳng hạn như CO, có thể gây hại cho hệ tim mạch và làm tăng huyết áp. Thêm vào đó, hút thuốc dễ gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch.

Sự tích tụ của các mảng bám có thể gây ra các cục máu đông, làm giảm lưu lượng máu lên não. Hút thuốc cũng làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.

Người hay bị đau nửa đầu

Thực tế, mối liên hệ sinh lý giữa tình trạng đau nửa đầu và bệnh đột quỵ vẫn chưa rõ ràng nhưng có nhiều giả thuyết cho rằng, bệnh đau nửa đầu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo khuyến cáo của trường ĐH Sản phụ khoa ở Mỹ khuyến cáo, những phụ nữ mắc chứng đau nửa đầu đang dùng thuốc tránh thai nên tìm phương pháp khác, bởi sự kết hợp giữa 2 tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 2-3 lần.

Clip danh hài Chí Tài leo 18 tầng cầu thang trước khi qua đời, chuyên gia tim mạch cảnh báo-4

Cách nhận biết bệnh nhân đột quỵ

Chia sẻ trên Zing, PGS.TS Mai Duy Tôn (Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chỉ cần thời gian khoảng 1 phút là có thể nhận biết được các dấu hiệu bệnh nhân mắc đột quỵ bằng việc áp dụng quy tắc F-A-S-T. Cụ thể:

- F (Face): Kiểm tra miệng bệnh nhân xem có bị méo không, có thể yêu cầu huýt sáo, nhe răng.

- A (Arm): Giơ 1 tay hoặc 2 tay lên (hoặc giơ chân), nếu bệnh nhân không có khả năng hoặc tay, chân rơi xuống nhanh bất thường thì nên chú ý.

- S (Speech): Yêu cầu bệnh nhân nói những cụm từ đơn giản, nếu giọng méo, nói không trôi chảy là dấu hiệu bất thường.

- T (Time): Nếu có các dấu hiệu trên thì cần khẩn cấp đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.

Cách sơ cứu cho người mắc bệnh đột quỵ

Khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ, bạn cần:

- Cho bệnh nhân nằm cao đầu.

- Nếu bệnh nhân có nôn, rối loạn ý thức, cần cho bệnh nhân nằm nghiêng một bên, tránh sặc chất nôn vào miệng họng.

- Không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ loại thuốc gì, kể cả uống nước lọc.

- Cố gắng đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân bằng cách tháo răng giả (nếu có), lau sạch chất nôn, đờm dãi, nới rộng vùng trên ngực để bệnh nhân thông thoáng đường hô hấp.

- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

- Không thực hiện các phương pháp như xoa bóp, bấm huyết, chích nặn máu...

MT
Theo Vietnamnet


đột quỵ Chí Tài

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Chí Tài qua đời