Ngày 9/8, tài khoản Facebook Thảo **** đăng tải video với nội dung bạo hành trẻ em trên trang cá nhân.

Theo đó, người đàn ông trong video treo ngược một bé trai lên cửa phòng và dùng ống nước đánh liên tiếp vào cơ thể. Mặc cho đứa trẻ la khóc, người đàn ông trong video vẫn đánh và liên tục nói "phát chết mày".

Video đánh đập dã man trẻ em đăng trên Facebook

Clip hành hạ trẻ em 5,4 triệu view tồn tại nhiều giờ trên Facebook Việt Nam-1
Đoạn video bạo hành trẻ em được đăng tải trên Facebook và tồn tại nhiều giờ.

Chứa đầy nội dung bạo hành trẻ em, đoạn video 26 giây này vẫn tồn tại trên Facebook hơn 12 giờ cho đến khi tài khoản Thảo **** tự xóa video.

Trước khi bị xóa bỏ, video trên thu hút hơn 5,4 triệu lượt xem, 235.000 lượt chia sẻ và 39.000 tương tác.

Bên dưới phần bình luận, nhiều người cho rằng đoạn video trên không nên tồn tại trên Internet và đặt câu hỏi về khả năng kiểm duyệt của Facebook tại Việt Nam.

"5,4 triệu lượt xem thì phải có người báo cáo nội dung bạo lực này chứ. Hay vì dịch Covid-19 Facebook cho nhân viên kiểm duyệt nghỉ cả rồi?", tài khoản Facebook Thiện Hoàng bình luận.

Theo chủ tài khoản Thảo ****, video trên được cô đăng lại, không phải người quay trực tiếp. Vì quá nhiều người cho rằng cô không can thiệp mà còn quay phim nên chủ tài khoản đã xóa bài.

Theo tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, các video bạo lực và phản cảm tùy theo mức độ sẽ được phủ một lớp cảnh báo.

Chúng tôi sẽ thêm một nhãn cảnh báo vào nội dung đặc biệt phản cảm hoặc bạo lực. Mục đích là để những người dưới 18 tuổi không thể xem nội dung này và để mọi người biết về tính chất phản cảm hoặc bạo lực trước khi họ nhấp vào xem”, trích chính sách Facebook.

Tuy vậy, với đoạn video bạo hành trẻ em trên Facebook không có bất kỳ phản ứng nào cho đến khi chủ nhân video tự xóa bài viết trước áp lực của dư luận.

Clip hành hạ trẻ em 5,4 triệu view tồn tại nhiều giờ trên Facebook Việt Nam-2
Để tăng tương tác cho video livestream quảng cáo, nhiều trang cắt ghép, trình chiếu cả phim đen. Tuy vậy, Facebook vẫn không đủ năng lực để kiểm duyệt những nội dung này ở Việt Nam.

Vốn đã bất lực với nội dung video bạo lực, thuật toán của Facebook còn gặp khó khăn gấp nhiều lần khi xét duyệt livestream.

Cũng trong ngày 9/8, trang Facebook Bình Xịt **** đăng tải đoạn livestream kéo dài hơn 1 giờ. Video này được phát trực tiếp để quảng cáo cho sản phẩm bình xịt chống nước. Để tăng thêm tương tác, trước những đoạn mô tả tính năng sản phẩm, chủ fanpage chèn vào nhiều đoạn video khiêu dâm.

Những video này dễ dàng vượt qua lớp kiểm duyệt của Facebook và đến nay vẫn tồn tại. Hiện, video livestream trên đã đạt gần 9.000 lượt xem và 200 lượt chia sẻ.

Video man rợ tồn tại nhiều ngày trên Facebook

Đây không phải lần đầu Facebook để mặc cho những nội dung bạo lực, khiêu dâm như vậy trên nền tảng tại Việt Nam. Trước đó, ngày 8/7, tài khoản Facebook Âu Triệu. N đăng tải bài viết gồm một đoạn video và 18 hình ảnh một người đàn ông đang tự đâm dao vào bụng.

Đoạn video quay cận cảnh, nhiều góc máy quá trình tự làm hại bản thân của người đàn ông trên. Với máu me bê bết, hình ảnh và những video này vẫn được lan truyền trên Facebook nhiều ngày sau đó.

Clip hành hạ trẻ em 5,4 triệu view tồn tại nhiều giờ trên Facebook Việt Nam-3
Đoạn video người đàn ông tự rạch bụng tại quận 12, TP.HCM được chia sẻ chóng mặt trên Facebook.

Theo đó, đoạn video nhận được hơn 20.000 lượt xem. Bài đăng được chia sẻ 71.000 lượt, 44.000 bình luận và hơn 10.000 lượt tương tác. Để so sánh, một bài viết của ca sĩ Sơn Tùng sau một ngày chỉ nhận được gần 400 lượt chia sẻ và 4.000 bình luận.

Đến ngày 13/7, tức sau 5 ngày đăng tải, bài viết trên mới biến mất khỏi Facebook. Trong suốt 5 ngày tồn tại, hình ảnh và video man rợ trên vượt qua lớp kiểm duyệt của Facebook.

Đáng nói, để thu hút lượt xem video, Facebook áp dụng cơ chế tự động phát. Với cách hoạt động này, đoạn video sẽ ngay lập tức đập vào mắt người dùng khi vô tình lướt qua.

Bên cạnh đó, những hình ảnh chụp cận cảnh người đàn ông tự đâm dao vào bụng không được phủ lớp cảnh báo nào. Trong 18 hình được tài khoản Âu Triệu. N đăng tải, chỉ có một bức hình được thuật toán Facebook phát hiện và phủ lớp cảnh báo.

Xem một đoạn mà chân tay mình đã bủn rủn cả rồi. Không hiểu sao một video man rợ như vậy lại tồn tại được trên Facebook nhiều ngày như vậy mà không bị gỡ bỏ”, tài khoản Facebook Ái Nhi bình luận bên dưới bài viết.

Clip hành hạ trẻ em 5,4 triệu view tồn tại nhiều giờ trên Facebook Việt Nam-4
Bên dưới nội dung bạo lực là các bình luận bán hàng của chủ tài khoản.

Thế giới từng lên án Facebook vì khả năng kiểm duyệt nội dung

Cả hai sự việc trên gợi nhớ lại vụ thảm sát diễn ra năm 2019 tại New Zealand. Vụ xả súng đã cướp đi sinh mạng của 49 người, làm 20 người bị thương. Hành động khủng bố này không chỉ gây bàng hoàng vì số lượng người bị hại, mà còn ở cách mà thủ phạm sử dụng mạng xã hội để phát tán những hành động của mình.

Tay súng tự nhận là Brenton Tarrant đã phát trực tiếp (livestream) cảnh bản thân tiến hành vụ xả súng vào thánh đường Al Noor ở New Zealand hôm 15/3. Hắn đã truyền trực tiếp video dài 17 phút với góc nhìn thứ nhất lên Facebook, đồng thời đăng một bản thông báo 87 trang trên Twitter trước vụ xả súng.

Sự việc khiến Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ Bennie G. Thompson (nghị sĩ đảng Dân chủ từ bang Mississippi) viết thư gửi lãnh đạo các công ty Facebook, YouTube, Twitter và Microsoft yêu cầu một buổi điều trần vào ngày 27/3/2019.

Clip hành hạ trẻ em 5,4 triệu view tồn tại nhiều giờ trên Facebook Việt Nam-5
Cảnh quay vụ thảm sát tại New Zealand trên Facebook.

Ngoài ra, ngày 25/3/2019, một tổ chức đại diện cho hàng triệu người Hồi giáo ở Pháp thông báo kiện Facebook và YouTube vì cho phép video vụ xả súng được phát tán.

Hội đồng Tín ngưỡng Hồi giáo Pháp (CFCM) cho biết họ đâm đơn kiện các chi nhánh ở Pháp của hai công ty công nghệ nói trên vì đã cho phép “phát tán thông điệp có nội dung bạo lực, có mục đích khủng bố, hoặc nội dung vi phạm nghiêm trọng nhân phẩm và để trẻ vị thành niên xem được”, theo đơn kiện mà hãng tin AFP tiếp cận được. Ở Pháp, những tội danh đó có thể chịu án ba năm tù và 85.000 USD tiền phạt.

Theo Zing