Tại xã Ea Đar, hiện nay một số người dân nuôi cá trê bằng cách mà bất cứ ai khi đã tận mắt chứng kiến chắc chắn sẽ không còn đủ can đảm để ăn loại cá này. Ở đây, thay vì nuôi cá trong môi trường sạch, bằng những thức ăn thông thường thì người dân lại nuôi trong ao nước thải từ hầm biogas và cho cá ăn... phân lợn.
 
clip: kinh hoang nuoi ca bang... phan lon truc tiep tu ham biogas hinh anh 1
Cá nhung nhúc ăn dưới ống thải từ hầm biogas (ảnh cắt từ clip).
 
Theo tìm hiểu, các hộ dân này đều có trang trại chăn nuôi heo với số lượng khá lớn. Và, để “tận dụng” tối đa chất thải của trại lợn, họ đã có “sáng kiến” nói trên.

Sáng 10.6, tại trại lợn của ông N.M.T (thôn 8), PV đã được tận mắt chứng kiến: Ở hồ nuôi cá (cũng là hồ nước thải từ hầm biogas), có hàng trăm con cá trê đang chen chúc ăn tại một ống dẫn nước xuống hồ. Ở đó, chiếc ống dẫn nước to chừng hơn ống chân người lớn đang thải ra một loại nước vàng đặc quánh hết sức hôi thối. Chứng kiến cảnh này, một cán bộ xã Ea Đar đi cùng với PV đã phải thốt lên rằng: “Từ nay tôi sẽ không bao giờ dám ăn cá trê nữa”.

Theo quan sát của PV, chiếc ống này thông với khu chăn nuôi lợn và nước chảy qua ống là tất tần tật những thứ dơ bẩn trong quá trình vệ sinh chuồng heo thải ra. Hồ nước nuôi cá cũng là một nơi hết sức ô nhiễm với màu nước đen quánh, cùng mùi hôi nồng nặc rất khó chịu.

Theo một số người dân, nguồn nước thải từ hầm biogas hết sức độc hại. Ngay cả với cây trồng lâu năm, nếu dùng nước này tưới “quá tay” cũng sẽ bị chết trụi. Thế nhưng ngược lại, nơi ấy lại rất thích hợp với loài cá ăn tạp như cá trê.

Qua người nhà ông T, PV được biết, nhiều năm nay gia đình ông này vẫn nuôi cá trê bằng cách trên. Hằng năm gia đình ông T thường xuất từ 1-2 lứa cá với số lượng lên đến hơn 2 tấn/lứa. Loại cá này hiện rất được các thương lái rất ưa chuộng, mua về phân phối tại một số vùng của Đắk Lắk. Hiện ở thôn 8, một số hộ chăn nuôi khác cũng nuôi cá trê bằng cách này.
 

Clip PV Dân Việt ghi lại hôm 10.6 tại nhà ông T.

Theo Dân Việt