Chúng ta đã từng không ít lần được nghe về những câu chuyện đại loại như đi 2km taxi, khách Tây bị "chém" 600 đô, hay đi mua thuốc, khách Tây bị bán với giá đắt gấp 5 lần... Đây chỉ là một số ví dụ điển hình cho tình trạng chặt chém du khách nước ngoài tại Việt Nam gây xôn xao thời gian qua.

Mới đây, cư dân mạng lại tiếp tục truyền tay nhau một câu chuyện khác liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, một tài khoản Facebook có tên Phương Hảo đã chia sẻ trên một diễn đàn dành cho những người yêu thích ẩm thực câu chuyện đi mua bánh rán cho một người bạn nước ngoài của mình.

Bánh rán bán cho khách Tây tự động nâng giá gấp đôi vì... Tây tiêu tiền đô

Clip: Nhập vai du khách nước ngoài đi mua bánh rán trên phố cổ Hà Nội, tìm hiểu thực hư luật bán hàng cho Tây-1
Chia sẻ của Phương Hảo về "luật bán hàng cho Tây"

Theo đó, Phương Hảo cho biết chiều 29/11, cô đưa một người bạn nước ngoài qua phố Lương Ngọc Quyến mua một vài chiếc bánh rán để ăn thử và được báo giá là 3.000 đồng cho 1 chiếc bánh rán mặn, bánh ngọt là 2.500 đồng. Tuy nhiên, khi biết người cần mua bánh là người bạn Tây của Hảo chứ không phải cô, bà chủ tiệm bánh rán đã tự động "nâng giá" lên 5.000 đồng bằng một câu nói tỉnh bơ: "Ở đây bán cho Tây là 5.000 đồng 1 cái, không mua thì đi chỗ khác!" và yêu cầu Hảo dịch lại như thế.

Cảm thấy khó hiểu, Phương Hảo hỏi lại thì lý do được bà chủ này đưa ra là: "Tây nó tiêu tiền đô, nó nhiều tiền thì phải bán giá đó. Không mua thì thôi, đừng có vặn vẹo!".

Rất bức xúc nhưng không muốn để lại ấn tượng xấu về hình ảnh Việt Nam trong mắt người bạn nước ngoài, Hảo vẫn chấp nhận mua túi bánh rán cùng lời đề nghị: "Vậy thôi giờ bác bán cho cháu nhé. Không mua cho bạn ý nữa!". Do đã trót nói giá với Hảo nên cuối cùng, Hảo nhận được túi bánh rán 10 cái với giá 30.000 đồng, thậm chí cô còn được ông chủ quán nhắc khéo: "Hôm nay bác nể cháu lắm mới bán giá này đấy nhé. Lần sau cháu mà mua cho Tây là phải nói 5.000 đồng đó".

Nhập vai khách Tây thì bị "chém đẹp"

Để tìm hiểu rõ thực hư liệu có hay chăng tình trạng "luật bán hàng cho Tây" như câu chuyện trên, chúng tôi đã vào vai du khách Tây và tới đúng địa chỉ cửa hàng bánh rán trong phản ánh của Phương Hảo.

Trong vai khách nước ngoài đến hỏi giá bánh rán, ngay lập tức người nhập vai đã nhận được câu trả lời là: "5.000 đồng 1 cái". Clip còn xuất hiện một nhân vật có vẻ như là một người quen của quán, giữ vai trò "phiên dịch" lại thắc mắc của khách Tây cho chủ quán. Khi vị khách nói muốn mua 3 loại khác nhau, ban đầu, giá được đưa ra là 18.000 đồng, sau đó hạ xuống còn 16.000 đồng. Cuối cùng, người nhập vai đã mua 5 cái bánh, trong đó có 3 cái bánh ngọt giá tổng cộng 20.000, hoàn toàn không đúng với báo giá "3.000 đồng bánh mặn, 2.500 đồng bánh ngọt" như với khách Việt.

Clip: Nhập vai du khách nước ngoài đi mua bánh rán trên phố cổ Hà Nội, tìm hiểu thực hư luật bán hàng cho Tây-2
Bánh rán với giá riêng dành cho du khách nước ngoài

Cũng trong clip, chúng tôi còn được nghe trực tiếp về màn luật bán hàng cho Tây thông qua đoạn clip của cô "phiên dịch viên" và bà chủ quán.

"Bọn này thì bán 5.000/cái luôn đi!"

"Tại vì mình cũng toàn nói 5.000 mà!"

"Bác cứ nói luôn 5.000 đồng 1 cái. Ở phố nhà cháu, bọn nó toàn bán 20.000 đồng 1 cái đấy!"

Để thực nghiệm lại, chúng tôi cũng vào vai khách Việt và kết quả là đã mua được 5 chiếc bánh rán với giá 10.000 đồng, tức là chỉ bằng 1 nửa so với giá vị khách Tây vừa mua trước đó.

Rời cửa hàng, khi ống kính chưa kịp tắt đi, chúng tôi còn ghi lại được một màn bán hàng với phong cách rất "Tây" khác. Người phụ nữ bán hàng rong với thúng bánh rán trên tay đã ngay lập tức tiếp cận chúng tôi.

Clip: Nhập vai du khách nước ngoài đi mua bánh rán trên phố cổ Hà Nội, tìm hiểu thực hư luật bán hàng cho Tây-3
Người phụ nữ bán hàng rong hét giá vào mặt khách với thái độ như đe dọa

Với một xiên bánh rán 5 cái, người này đã ngay lập tức hét giá 50.000 đồng. Khi chúng tôi tỏ ý không mua, người bán hàng rong liên tục giảm từ 30.000 xuống đến 15.000 đồng.

Theo Trí Thức Trẻ