Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, từ 5 giờ sáng 6-6, rất đông người dân tại các xã thuộc huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã bắt đầu chở vải đi bán. Những sọt vải lớn nặng từ 200 kg đến 250 kg được vận chuyển bằng xe máy đến các địa điểm thu mua vải thiều lớn tại huyện Lục Ngạn như Thị trấn Kim, Thị trấn Chũ…
CLIP: Hàng đoàn xe vải nặng trĩu qua "cầu tử thần".
Đa phần người dân ở đây đều phải đi qua cây cầu phao Tòng Lệnh bắc qua sông Lục Nam (ở thôn Tòng Lệnh, xã Trường Giang, huyện Lục Nam, Bắc Giang).
Cây cầu phao chòng chành bằng sắt được giữ nổi bằng những chiếc phao cỡ lớn phía dưới. Đường xuống cầu phao ở cả hai đầu đều có độ dốc lớn, trong khi mỗi chuyến vải nặng vài tạ khiến việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn mỗi chuyến vải đều phải có người hỗ trợ đẩy xe vải lên dốc.
Anh Long, một người thường xuyên chở vải qua đây, cho biết: "Trong khoảng thời gian này, mỗi ngày tôi chở khoảng 6-8 chuyến đến bãi tập kết chờ thu mua. Để đến bãi tập kết phải đi qua cây cầu này. Cây cầu này thực sự đáng sợ với chúng tôi vì độ dốc nó lớn và trơn. Nhiều người qua đây đã bị ngã. Bản thân tôi cũng đã ngã vài ba lần nên tôi đã chọn cách an toàn hơn là thuê người khác đẩy hộ qua dốc. Một chuyến như thế chỉ mất 4-5 ngàn đồng thôi".
"Giá vải những ngày đầu mùa ngày lên ngày xuống nhưng trung bình khoảng 9 - 12 ngàn đồng/1kg. Việc buôn bán đã nhộn nhịp lắm, có những thời điểm đoạn đường này tắc hàng km. May mắn vải nhà tôi chín sớm nên được giá" - anh Long nói.
Tuy là mới đầu vụ song vải thiều cũng đã chín rộ, nhiều người dân đã tấp nập chở vải đến điểm tập kết bán cho thương lái.
Biển thông báo "Mặt cầu trơn, dễ xảy ra trơn trượt".
Một số người dân đã bị ngã do hàng quá nặng, mặt cầu, mặt đường trơn trượt.
Chiếc cầu phao là con đường duy nhất giúp mọi người đi đến chợ đầu mối bán vải.
Nhiều người dân cũng rất lo lắng vì không biết khi qua cây cầu này còn vải để bán nữa không.
Cây cầu nhỏ, hẹp, đường lên xuống cầu có độ dốc lớn.
Tại hai đầu cầu này có khá nhiều người chờ để đẩy những chiếc xe chở nặng. Mỗi chuyến phải trả phí 4-5 ngàn đồng.
Nhiều người phụ nữ cũng phải gồng mình chở vải với trọng tải lớn từ 200 kg đến 250 kg mỗi chuyến.
Theo Người lao động