Đến với "Tôi muốn được lắng nghe" - chiến dịch được thực hiện bởi We Are Family và Humans Of Hanoi nhằm mục đích giúp mọi người chia sẻ những tâm sự khó mở lời với gia đình, Diệu Hằng mang theo nỗi lòng nặng trĩu dành cho người cha vĩ đại của mình. Không may mắn như nhiều nhân vật khác được phỏng vấn, bố của Hằng đã không còn trên cõi đời này để nghe con gái nói, bởi ông đã mất vì căn bệnh thế kỷ HIV. Câu chuyện của Hằng đã gây xúc động mạnh cho các thành viên trong ekip thực hiện. Chúng tôi mong được gặp Hằng để được nghe cô chia sẻ nhiều hơn về tình cảm cùng những câu chuyện về người cha đáng kính của mình. Trong quá trình ghi hình, Hằng nhiều lần không ngăn nổi những giọt nước mắt yêu thương, kính trọng và hơn cả là cảm giác tiếc nuối về quãng thời gian ngắn ngủi 2 bố con được ở bên nhau.


"Người ta thường nói, bố là mối tình đầu của con gái mà, thì tình đầu không quên được. Và sau này con cũng không cảm thấy, một vòng tay nào thực sự đủ rộng, thực sự đủ khoan dung và chắc chắn cho con như bố". Mở đầu phần chia sẻ, Diệu Hằng khẳng định một cách chắc chắn vị trí không thể thay thế của bố trong lòng mình.

2
Hằng đã không kìm nén được nước mắt khi bày tỏ cả xúc tiếc nuối vì chưa thể tận dụng tất cả thời gian bên bố một cách xứng đáng hơn.

"Đối với con thì, cuộc sống của một đứa con gái, với một người bố, biết mình nhiễm HIV giai đoạn cuối. Trong giai đoạn bố nằm liệt giường, lúc đó bố sắp mất, bố vẫn leo bộ lên 7 tầng cầu thang bệnh việt Việt Đức chỉ để nhìn con. Lúc đó con ước, con biết đấy là lần cuối cùng, bố đứng trước mặt con như thế. Thực sự con cảm thấy, cuộc sống của con với bố nó ngắn ngủi quá. Con chỉ ước giá mà căn bệnh đó không đến, thì có lẽ giờ này chắc nhà mình đang ăn cơm. Và cho đến bây giờ nhớ lại, thì tất cả những năm con ở với bố, tất cả những gì con còn giữ lại trong đầu, nó không hề có bóng dáng của căn bệnh đó, nó chỉ còn những gì mà một người bố có thể đem đến cho con gái của mình. Con ước lúc đó, cả bố cả con có thể tận dụng tất cả thời gian một cách xứng đáng hơn, để bây giờ, khi con nhớ lại, con không còn hối tiếc, con không phải xin lỗi bố vì đã ghét bố."

2

Hối hận tột cùng vì đã ghét bố, đã không biết trân trọng khoảng thời gian có bố bên cạnh... Đó có lẽ cũng là tâm lý chung của mỗi người chúng ta khi đã mất đi hạnh phúc giản dị mà mình đã từng có. "Giá mà căn bệnh đó không đến, thì có lẽ giờ này chắc nhà mình đang ăn cơm...", "con ước lúc đó cả bố và con có thể tận dụng tất cả thời gian một cách xứng đáng hơn, để bây giờ khi con nhớ lại, con không còn hối tiếc..."  - ao ước của Hằng dễ khiến người ta chạnh lòng.

Phần chia sẻ của cô con gái Diệu Hằng về bố không quá dài. Những điều cô muốn nói có lẽ cũng bị ngăn lại một phần bởi tâm trạng xúc động. Khi Hằng bình tĩnh hơn, chúng tôi đã có một cuộc chuyện trò nho nhỏ với cô.

Hằng biết bố nhiễm HIV từ khi nào? Là bố chủ động nói hay bạn được biết qua ai khác?


Có lẽ vì khá nhạy cảm nên mình tự đoán được khi bố ốm nặng không dậy được nữa.

Có quãng thời gian hay kí ức nào là khó khăn nhất đối với Hằng kể từ sau khi biết bố mình nhiễm HIV không?


Quãng thời gian khó khăn nhất có lẽ là sau khi bố mình mất được một thời gian. Giai đoạn đó mình cảm thấy vô cùng trống trải.

Trong đoạn clip chia sẻ, Hằng có nói là rất hối tiếc vì đã từng “ghét bố”. Có phải vì lúc đó bạn còn quá nhỏ để hiểu và thông cảm với ông? Phản ứng của bố khi thấy bạn có những hành động thể hiện sự ghét bỏ đó thế nào?


Thực sự lúc đó mình ghét bố chỉ vì nghĩ ông đang làm khổ mẹ mình. Nhưng mình chỉ giữ suy nghĩ đó trong lòng. chứ không biểu hiện ra ngoài.

Vậy bố đã làm gì để bù đắp, động viên tinh thần bạn?


Bố mình bị bệnh nặng như vậy nên không làm được gì nhiều. Nhưng khoảng thời gian bố bệnh cũng là giai đoạn hiếm hoi cả gia đình được ở bên nhau, vậy nên bố luôn cố gắng bằng những hành động nhỏ nhặt để mọi người cảm thấy vui vẻ. Sau này khi nhớ lại những chuyện đó, tâm trạng mình trở nên tích cực hơn. Mình cảm nhận được tình yêu thương mà bố dành cho con cái dù ông không bao giờ nói ra.

Điều tuyệt vời nhất mà bố từng làm cho bạn là gì?

Đó là những bức thư viết tay khi mình còn nhỏ và những lời dạy dỗ về lễ nghĩa, phép tắc cư xử.

Bố có từng nói câu gì khiến bạn nhớ tới tận bây giờ không?

Thực sự thì thời gian hai bố con ở bên nhau quá ngắn ngủi nên mình chỉ còn nhớ về lời dặn của bố sau mỗi bức thư: "Hai đứa ở nhà ngoan, nhớ nghe lời mẹ".

Cảm ơn vì những chia sẻ chân thực của Hằng!


Thời gian đã không nhân nhượng với Diệu Hằng và nó cũng không chờ đợi bất cứ ai. Hãy nói ra những lời yêu thương khi còn cơ hội! We Are Family 2016 ở đây để lắng nghe bạn. Không chỉ là sự thấu hiểu, không chỉ là cầu nối yêu thương giữa bạn và gia đình, chúng tôi còn giúp bạn gửi gắm thông điệp về tình yêu thương đến khắp mọi nơi.

Theo Tri Thức Trẻ