Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, một số người bệnh Covid-19 xuất hiện triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng sức khoẻ hoặc khả năng lao động. Sau mắc bệnh, một số người chậm phục hồi sức khoẻ cần được theo dõi.

Ngoài ra, hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc bệnh, kéo dài 12 tuần và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác. 

Các triệu chứng hậu Covid-19 rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực... 

Khi các dấu hiệu, triệu chứng của hậu Covid-19 làm sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, tác động đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội, người dân cần đi khám sức khỏe. 

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa thực hiện khám bệnh, chữa bệnh hậu Covid-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép. 

Có 203 triệu chứng hậu Covid-19, khuyến cáo về thuốc sử dụng-1
Nữ bệnh nhân khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội)

Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân hậu Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và hậu Covid-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành.

Khám, chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19 nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.

Các đơn vị truyền thông, quảng cáo công tác khám bệnh, chữa bệnh, khám hậu Covid-19 phải tuân thủ theo quy định. Bộ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khám, chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không chính thống để chữa bệnh. 

Bộ cũng giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Thanh tra Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm. 

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với các Vụ, Cục liên quan, các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, đề xuất ban hành các hướng dẫn chuyên môn và triển khai tập huấn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Kể từ đầu dịch đến ngày 23/4, Việt Nam có 10.554.689 ca mắc Covid-19, trong đó 9.081.494 ca được điều trị khỏi, 43.004 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm).

Theo Trí Thức Trẻ