Trước tình hình các biến chủng nguy hiểm mới xuất hiện và nghiên cứu gần đây cho thấy người đã tiêm vaccine Covid-19 có lượng kháng thể bảo vệ giảm dần từ sau khoảng 8 tháng, một số quốc gia đặt ra vấn đề bổ sung mũi thứ 3.
Vấn đề gây tranh cãi
Việc tiêm mũi thứ 3 đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cho nhóm người có hệ miễn dịch bị suy giảm, cụ thể là các trường hợp ghép tạng, mắc bệnh ung thư, có khiếm khuyết về sự phát triển của tế bào miễn dịch...
Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy hiệu quả của vaccine Covid-19 trong nhóm người này không cao như trường hợp có sức khỏe bình thường ngay từ những những mũi đầu. Liều bổ sung (mũi thứ 3) cho những người này đã được thực hiện ở Mỹ từ ngày 12/8.
Tuy nhiên, câu hỏi tiếp theo là: "Có cần tiêm mũi thứ 3 cho người có sức khỏe bình thường hay không?".
Chính quyền quận 1, TP.HCM, tổ chức tiêm vaccine mũi 1 cho người dân tại Trung tâm Thể thao Tao Đàn.
Đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa các chuyên gia.
Tranh cãi này đã dẫn đến quyết định từ chức trong tháng tới của hai chuyên gia hàng đầu trong FDA là Marion Gruber, Giám đốc văn phòng nghiên cứu và đánh giá vaccine (head of the FDA’s Office of Vaccines Research & Review) và Phil Krause, Phó giám đốc dưới quyền của Marion.
Sau tuyên bố sẽ từ chức trong tháng tới, Marion và Philip đã cùng các nhà khoa học quốc tế khác công bố một bài báo khoa học trên tạp chí chuyên ngành Lancet vào ngày 13/9.
Việc này để phân tích các nhận định của họ về quyết định tiêm liều thứ 3 bổ sung cho người khỏe mạnh cần được suy xét cẩn thận.
Hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm 2 mũi vaccine
Hiện nay, hiệu quả của vaccine Covid-19 có thể bị giảm đối với chủng Delta nhưng vẫn còn khả năng bảo vệ khá tốt cho người đã được chích đủ liều.
Để hiểu rõ điều này, chúng ta có thể xem qua các số liệu như sau: Một nghiên cứu lớn trên bệnh nhân ở bang New York, Mỹ, được công bố vào ngày 18/8 tại báo cáo hàng tuần về bệnh và tử vong, cho thấy hiệu quả của vaccine chống lại tất cả trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 giảm từ 91,7% xuống 79,8%.
Số liệu này được thu thập trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 khi chủng Delta bắt đầu chiếm lĩnh. Bên cạnh đó, khả năng bảo vệ khỏi nhập viện đối với Covid-19 vẫn đạt gần 95%.
Dữ liệu từ Bộ Y tế Israel cũng cho thấy khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng vẫn là gần 92% đối với những người từ 50 tuổi trở xuống và 85% đối với trường hợp trên 50 tuổi.
Theo dữ liệu của CDC, từ ngày 4/4 đến 17/7, sau thời điểm chủng Delta chiếm lĩnh, số lượng người bị nhiễm tăng vọt. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở người đã được tiêm vaccine đầy đủ vẫn ít và là rất thấp nếu tính trên số ca phải nhập viện và chết vì Covid-19.
Một cách dễ hình dung hơn, so với những người chưa tiêm chủng, trường hợp đã được tiêm đầy đủ ít có nguy cơ bị nhiễm bệnh bởi chủng Delta hơn khoảng 5 lần, khả năng nhập viện vì Covid-19 thấp hơn 10 lần và nguy cơ tử vong do biến thể này thấp hơn 11 lần.
Do vậy, nhóm các nhà khoa học đưa ra nhận định là việc bổ sung mũi thứ 3 cho những người đã tiêm vaccine có thể giúp đẩy mạnh hệ miễn dịch nhưng sẽ cứu được nhiều người hơn nếu dùng cho trường hợp chưa được tiêm chủng.
Một số triệu chứng phụ nguy hiểm của vaccine hiện nay đã được làm rõ nhưng việc tiêm chủng cho thấy lợi ích cao hơn rất nhiều so với bị mắc bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, lợi ích của mũi bổ sung thứ 3 chưa được làm rõ và liệu có cần thiết hay không nên được xem xét kỹ lưỡng. Nếu nó không có lợi ích (hoặc lợi ích quá thấp), chúng ta không nên đánh đổi với những nguy cơ phản ứng phụ nguy hiểm, dù là nhỏ.
Điểm cuối các nhà khoa học đưa ra là việc tiêm mũi bổ sung sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn khi sử dụng các “vaccine cải tiến” phù hợp với chủng hiện hành.
Như vậy, bài phân tích của các chuyên gia đầu ngành này nhận định rằng bằng chứng hiện tại chưa cho thấy việc tiêm mũi thứ 3 bổ sung trên toàn cộng đồng là cần thiết.
Ngoài ra, việc sử dụng vaccine cho những nơi còn đang thiếu là điều cần thiết hơn để ngăn chặn sự biến đổi tiếp theo của virus, tạo ra biến chủng nguy hiểm trong tương lai.
Chiến đấu với đại dịch Covid-19 hiện nay không còn là trận chiến ở từng quốc gia mà của nhân loại. Việc hỗ trợ của các nước có điều kiện cho những quốc gia nghèo hơn không chỉ mang tính nhân văn mà còn là lợi ích chung cho mọi người, bao gồm cả chính họ.
Trong tương lai, nếu tình trạng dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài và số lượng lớn người trên thế giới vẫn nhiễm virus này, cơ hội cho biến chủng mới nguy hiểm hơn là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Ngoài việc tận dụng nguồn vaccine viện trợ, chúng ta nên sử dụng hiệu quả quỹ vaccine hiện có. Từ đó, chúng ta có thể dập dịch hiệu quả hơn, giảm thiểu nguy cơ biến chủng của virus, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và hồi phục kinh tế.
Theo Zing