Sau khi tổ chức đám cưới, cô dâu Thu Hương (27 tuổi - Đà Nẵng) mới nhận ra bản thân có nhiều sơ sót. Những sơ sót này đã dẫn đến việc đón tiếp không chu đáo, khiến nhiều khách khứa không vui trong hôn lễ của mình.
Cô kể: "Không dự tính trước lượng khách, tính nhầm lẫn nên cuối cùng khách thì nhiều bàn tiệc lại ít. Đến hôm tổ chức, có mấy chục người lố nhố đứng chứ không có chỗ ngồi khiến gia đình hai bên ai cũng bối rối.
Mặc dù sau đó phía khách sạn có bố trí thêm bàn nhưng khách cũng phải chờ đến nửa tiếng đồng hồ mới có đồ ăn thêm. Vợ chồng mình khóc ròng luôn vì ngại, bố mẹ hai bên thì thở dài tỏ ý không hài lòng. Đúng là đám cưới sơ sót khâu nào cũng để lại hậu quả cả".
Việc tính toán số lượng khách là một việc vô cùng quan trọng. Nếu như có thừa cũng chỉ nên thừa 1-2 bàn tiệc, không được thiếu bàn.
Vậy mà cặp đôi này lại khiến bản thân lâm vào tình huống khó xử. Dưới đây là những điều nhỏ nhặt trong hôn lễ dễ bị bỏ qua nhưng hậu quả lại rất "tê tái".
1. Chọn vị trí thuận lợi
Khi chọn địa điểm, bạn hãy chú ý xem phương tiện đi lại có thuận lợi không, có gần bãi đỗ xe hay dễ dàng bắt taxi hay không. Nhiều tiệc cưới tổ chức vào buổi tối và tan rất muộn, nếu như địa điểm không thuận lợi thì thật sự rất phiền phức cho khách đến tham dự.
2. Dự đoán số lượng người tham dự
Bạn nên lên danh sách khách mời cưới một cách kỹ càng. Sau khi gửi thiệp mời, bạn cũng có thể xác nhận chuyện họ có đến hay không 1 tuần trước hôn lễ. Nhiều nhà hàng có bàn "sơ cua" cho khách tuy nhiên giá cả sẽ khác và thời gian chờ đợi cũng lâu.
Về phần khách khứa, nên cẩn thận và chú ý để tránh rơi vào tình huống khách đã đến mà bàn tiệc thì không thấy đâu.
3. Sắp xếp chỗ ngồi cẩn thận
Việc sắp xếp chỗ ngồi cho quan khách một cách chu đáo cũng là cách thể hiện sự trân trọng của cô dâu chú rể. Bạn cố gắng xếp những nhóm bạn vào cùng một bàn, phân loại khách khứa ra để tránh tình trạng người nào đó lạc lõng, không biết nói chuyện với ai.
Nếu bạn bè, người thân đến một mình thì hãy sắp xếp ngồi cùng bàn với những người có kĩ năng xã hội vững vàng và gửi gắm chuyện quan tâm hộ đến khách, tránh trường hợp không vui xảy ra.
4. Sạc đầy pin điện thoại
Điện thoại di động nên được sạc đầy vào đêm trước ngày cưới để có đủ pin. Ngày cưới thường kéo dài, nhiều người muốn liên lạc với bạn vì đủ lí do khác nhau nên hãy sạc đầy pin và mang theo sạc dự phòng để không rơi vào tình trạng bối rối.
5. Chú ý đến đôi giày mới của cô dâu
Nhiều người mua hẳn một đôi giày mới để làm giày cưới. Họ không thích đi giày cũ vì nó mang đến cảm giác không tốt lành. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý giày mới nhưng phải đi thật sự thoải mái.
Bạn có thể dùng giũa để đánh bên trong gót giày để giảm trầy xước gót chân khi di chuyển. Bạn cũng có thể dán urgo để đề phòng xước chân. Một cô dâu đi khập khiễng vì chân đau chắc chắn sẽ nhận về nhiều sự tò mò, thắc mắc đấy.
6. Chú ý đến chế độ ăn uống ngay trước đám cưới
Ngày trước hôn lễ, bạn nên ăn nhẹ, tránh ăn đồ dầu mỡ chiên rán và tránh uống trà, cà phê để không mất ngủ. Bạn cũng nên ăn tối sớm hơn để tránh đầy hơi, khó vào giấc.
Ngoài ra, bạn cũng tránh uống nước trước khi đi ngủ 1 tiếng để không bị phù nề vào hôm sau, trang điểm và chụp ảnh sẽ không được đẹp.
7. Mặc thử váy cưới 1 ngày trước khi tổ chức
Nhiều người mua váy cưới hoặc may váy cưới. Số đo khi lựa chọn có thể không phải là số đo của họ hôm tổ chức hôn lễ.
Nhiều người muốn xinh đẹp hơn đã giảm cân. Bởi vậy, 1 ngày trước hôn lễ bạn nên thử váy lần nữa để xem có điểm nào chưa ưng ý thì sửa ngay. Phải sửa váy để đạt được kích thước vừa vặn và thoải mái nhất.
8. Phải đến địa điểm tổ chức thật sớm
Để đảm bảo việc tắc đường không ảnh hưởng đến thời gian, bạn nên đến địa điểm tổ chức thật sớm. Việc makeup có thể làm ở đó.
Đã từng có câu chuyện cô dâu chú rể không đến kịp hôn lễ của mình, để cho rất nhiều vị khách phải chờ đợi. Sau đó họ lỡ cả giờ đẹp để thành hôn. Suốt buổi lễ cô dâu không vui một chút nào cả. Bởi vậy, thà đến sớm chứ đừng để bị muộn nhé.
Theo Phụ Nữ Việt Nam