Nỗi xót xa của người con gái quyết định hiến tạng của mẹ cứu 4 người
Tìm về xóm Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hỏi thăm thiếu nữ tự nguyện hiến tạng mẹ ruột chết não cho y học, chúng tôi được người dân nhiệt tình đưa đến căn nhà nhỏ nơi 3 chị em Nguyễn Thị Sáng (19 tuổi, trú thôn 7, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) đang ở.
Mời khách ngồi, Sáng cho biết đây là nhà của cậu Nguyễn Tiến Đường (em trai của mẹ Sáng). Do mong muốn được mai táng ở quê, Sáng và 2 hngười em còn lại quyết định đưa thi thể mẹ là bà Nguyễn Thị L. từ Bình Dương về.
"Vì cuộc sống khó khăn nên gia đình em mới chuyển từ Hà Tĩnh vào Đắk Nông. Thế nhưng không ngờ được một thời gian thì bố mẹ ly hôn, sau đó mẹ tái hôn với dượng. Nhưng dượng ác lắm, đánh đập mẹ và bọn em suốt ngày. Nên năm 2015, mẹ đưa 3 chị em xuống Bình Dương lập nghiệp", Sáng kể.
Không khí tang thương bao trùm căn nhà nhỏ.
Sáng không thể quên được quãng thời gian sống trong "địa ngục" với người cha dượng. Những tưởng từ đây, 4 mẹ con sướng khổ có nhau, nhưng không ngờ cuộc đời cay nghiệt đã bắt người mẹ phải rời xa các em.
"Em vẫn nhớ như in cái ngày khủng khiếp đấy, khi đó mẹ đang bế em út qua đường để mua dây sạc điện thoại thì bất ngờ bị chiếc xe máy đâm vào. Người dân đưa mẹ đi cấp cứu tại bệnh viện ở Bình Dương, nhưng tình trạng nặng quá mẹ được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn", Sáng đau đớn kể.
Những ngày đó, Sáng và các em đều luôn túc trực bên mẹ, mong có một phép màu để mẹ sống lại, nhưng sức khỏe của mẹ ngày càng yếu đi. Và rồi bác sỹ đến thông báo với Sáng do mất máu quá nhiều nên bệnh nhân Nguyễn Thị L. khó có thể duy trì sự sống nữa.
Sáng cho biết, hành động hiến tạng của mẹ cho y học là để mong muốn đưa lại sự sống cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác.
"Em đau đớn ngồi khóc ở hành lang bệnh viện. Lúc này, truyền hình đang chiếu chương trình 'Những mảnh ghép cuộc sống'. Họ nói về việc hiến tạng và các bộ phận cơ thể để cứu người. Mẹ em là một người tốt nên chắc chắn khi ra đi mẹ cũng sẽ muốn được làm điều tốt để an tâm yên nghỉ", Sáng nói.
Mặc dù biết chắc chắn mẹ sẽ mỉm cười với quyết định của mình, nhưng lòng Sáng vẫn đau như cắt, với thiếu nữ chỉ mới 19 tuổi, hành động này của em thật không dễ dàng gì. "Em đã hỏi ý kiến người thân và em gái, sau khi suy nghĩ kỹ thì mới quyết định hiến tạng của mẹ".
Một phần bộ phận của người mẹ quá cố gồm giác mạc, tim, thận được ghép cùng lúc vào ngày 22/3 cho 4 bệnh nhân khác. "Em không hối hận với việc đã làm, bởi cơ thể mẹ vẫn sống và góp phần cứu những người thực sự cần các bộ phận này. Em biết việc mất đi người thân yêu là như thế nào, em không muốn bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh như em".
Ba chị em trước di ảnh người mẹ quá cố.
Được biết, hiện các bộ phận cơ thể của mẹ Sáng đã có dấu hiệu tốt khi ghép vào cơ thể của 4 người khác. Việc làm của Sáng và các em đã trở thành điều kỳ diệu của cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho nhiều người.
Khuôn mặt Sáng sạm đen và gầy đi vì khóc thương mẹ, nhưng ánh mắt em sáng như tên của chính mình, một thiếu nữ mới 19 tuổi đã làm việc mà không phải ai cũng dám làm, hành động nhân văn của em xứng đáng được mọi người nể phục.
Tuổi 19 và quyết định "đầy tình người"
Trước nghĩa cử cao đẹp này của em Nguyễn Thị Sáng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư khen. Trong thư, Chủ tịch nước viết: "Tôi rất xúc động được biết, dù đang vô cùng đau thương khi mẹ đẻ của mình bị tai nạn giao thông, không thể qua khỏi, cháu đã quyết định hiến tạng của mẹ để kịp thời cứu sống nhiều người khác.
Tôi trân trọng và đánh giá cao cháu, tuy tuổi còn trẻ nhưng đã vượt qua định kiến xã hội, vượt qua khó khăn mất mát của gia đình để làm được việc đầy tình người đó, nghĩ rằng mẹ của cháu cũng hài lòng về nghĩa cử cao đẹp của con mình".
Chiều 6/4, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã trực tiếp đến và trao thư khen của Chủ tịch nước tới em Nguyễn Thị Sáng. Vị này cũng nhấn mạnh nghĩa cử của em vô cùng cao đẹp và hết sức nhân văn. Mong rằng, nó sẽ tạo sự lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng.
Sáng dự định sẽ đi làm công nhân để nuôi các em.
"Tôi đã giao cho chính quyền địa phương coi đây là trường hợp đặc biệt cần giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cháu có nơi ăn chốn ở ổn định. Cháu lớn phải được học nghề, cháu nhỏ phải được học tập bình đẳng, thậm chí được quan tâm hơn. Chúng tôi sẽ quan tâm để tương lai của các cháu tốt đẹp hơn", ông Sơn khẳng định trong buổi lễ, sẽ kêu gọi cả xã hội chung tay để giúp cho gia đình em Sáng vượt qua khó khăn.
Ngoài thư khen, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi phần quà 20 triệu đồng cho em Nguyễn Thị Sáng. UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi tặng 10 triệu đồng và Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cũng trao quà động viên em.
"Tôi không nghĩ cháu Sáng mới 19 tuổi mà có thể suy nghĩ được việc làm nhân văn và cao cả như vậy. Hành động này đã cứu sống rất nhiều người khác, chắc hẳn mẹ cháu ở trên trời cao cũng rất tự hào. Chắc chắn rằng các cháu sẽ được hưởng hạnh phúc", bà Nguyễn Thị Hồng, người dân địa phương chia sẻ.
"Trong lúc này, em không thể gục ngã được, nếu không các em biết dựa vào ai để sống"...
Nói về dự định tương lai, Sáng cho biết, một thời gian nữa có lẽ em sẽ vào Nam làm công nhân để chu cấp cho 2 em ăn học. Người em út còn nhỏ nên để ở nhà cho người thân chăm nom, còn em gái giữa mới 17 tuổi vẫn muốn được trở lại trường học.
"Mẹ mất khiến bọn em rất hụt hẫng, nhưng dù đau đớn em vẫn phải cố gắng vượt qua để nuôi các em. Trong lúc này, em không thể gục ngã được, nếu không các em biết dựa vào ai để sống", trước khi chia tay, Sáng khẳng định sẽ cho các em đi học đầy đủ, bởi như vậy thì người mẹ quá cố mới an lòng yên nghỉ.
Theo Thời Đại