Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đơn vị vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 20 tuổi nhập viện trong tình trạng mất thăng bằng, đi lại không vững, thị lực giảm, tê bì chân tay. Thời điểm đến bệnh viện, bệnh nhân vẫn nhận thức được nhưng phản ứng chậm.
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó cô sử dụng bóng cười nhưng không nhớ rõ thời gian và liều lượng. Cô cũng cho biết thêm, ban đầu cô chỉ thấy chóng mặt, tưởng bị rối loạn tiền đình nhưng càng về sau tay chân càng yếu dần, thị lực cũng giảm dần.
Ảnh minh họa
PGS.TS Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng Bộ môn Thần kinh cho biết, do bị tổn thương nặng nên cô gái này sẽ cần nhiều thời gian điều trị, truyền vitamin B12 kết hợp phục hồi chức năng.
"Bóng cười được bơm khí N2O là nhóm chất gây nghiện, ảo giác và có xu hướng tăng liều. Người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện và ngộ độc nếu sử dụng thường xuyên", PGS Hưởng giải thích.
Ông Hưởng cũng cho biết thêm, bệnh nhân bị ngộ độc khí N2O thường xuất hiện biến chứng thần kinh, tiếp đó là sự yếu dần đi của các cơ quan khác, cảm giác ban đầu là tê bì tứ chi, mất thăng bằng, đi lại không vững.
Nếu một bệnh nhân xuất hiện triệu chứng này trong thời gian dài sẽ làm giảm khả năng tập trung trí nhớ, trầm cảm thậm chí có thể dẫn tới co giật, đột quỵ. Bên cạnh đó, loại khí N2O còn dẫn tới yếu tứ chi, tàn phế, thậm chí hôn mê và tử vong.
Hiện nay, đa phần rất nhiều người trẻ vì tò mò, thích thử cảm giác lạ nên sử dụng bóng cười và nghĩ nó không nguy hiểm giống các loại chất kích thích khác như thuốc lắc, ma túy đá,...
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân đặc biệt là giới trẻ nên lựa chọn hình thức giải trí lành mạnh. Khi không may ngộ độc cần đến bệnh viện sớm để được hỗ trợ kịp thời.
HT
Theo Vietnamnet