Không phải ai mua hàng hiệu cũng thích tiêu tiền ''tất tay''. Chẳng phải dân chơi xa xỉ phẩm nào cũng muốn vung tiền mà không phải nghĩ ngợi.

Nhiều người tìm tới hàng hiệu bởi vẻ hào nhoáng của nó, bởi vậy họ nâng lên đặt xuống, cân đo đong đếm giá thành để sở hữu món hàng với cái giá ''ổn áp'' nhất.

Cũng từ đây mà lắm rắc rối rởm đời xảy ra. Ví như mới đây, một phụ nữ Singapore đã vướng cú lừa trên Instagram chỉ vì muốn tiết kiệm hơn 2 triệu đồng cho một chiếc túi xách Chanel.

Trang AsiaOne đưa tin, Lee (27 tuổi), một nhân viên ngành tài chính này cho hay mình đã mua một chiếc túi Chanel thông qua tài khoản Instagram có tên @myparisbag.eu.

Người bán tên Esther, khẳng định các sản phẩm của mình là rẻ nhất bởi chúng được nhập trực tiếp từ Châu Âu.

Cô gái mua túi Chanel 82 triệu ở nơi có vẻ uy tín và cái giá phải trả-1
Nơi mà Lee thực hiện giao dich

"Tôi nghĩ sẽ an toàn khi mua hàng của cô ấy, vì số lượng người theo dõi Instagram của cô này rất cao", Lee nói. Chính chủ đã trao trọn niềm tin vào nơi mà cô thấy trông ''có vẻ'' uy tín nhất.

Ngay khi chọn được một chiếc túi Chanel ưng ý, Lee đã chuyển hơn 82 triệu đồng cho Esther qua tài khoản ngân hàng ở Malaysia. Trong khi đó, thiết kế tương tự có giá niêm yết hơn 87 triệu đồng.

Tới đầu tháng 4, món hàng được gửi tới tận nhà Lee cùng với biên lai trông ''rất thật''.

Nhưng hai tuần sau, cô gái đọc được tin cảnh báo trên Instagram về một tài khoản đang rao bán hàng fake. Éo le thay, đó cũng chính là tài khoản mà Lee đã mua chiếc túi Chanel kia!

Lee lập tức nhắn tin cho Esther và yêu cầu hoàn lại tiền. Cô cho biết người bán có thái độ quanh co, chối tội. Esther còn khẳng định rằng bài tố cáo trên Instagram là tin vịt và "mọi người có vẻ thích tiếp nhận tin tức tiêu cực nhiều hơn tin tích cực."

Cô gái mua túi Chanel 82 triệu ở nơi có vẻ uy tín và cái giá phải trả-2
Hoá đơn và chiếc túi có biểu hiện ''pha ke''

Không thuyết phục với lời giải thích của Esther, Lee đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng để xác thực chiếc túi xách của cô thông qua một trang web của Mỹ.Và kết quả, đây là một chiếc túi fake loại kém tinh xảo nhất. Tài khoản Instagram trên cũng ''bốc hơi'' sau một đêm.

Câu chuyện của Lee cũng chỉ là một trong số hàng vạn trường hợp người mua, vì ham rẻ, thiếu kiến thức và kinh nghiệm mua hàng nên đã trao trọn niềm tin cho những shop trông ''có vẻ" uy tín.

Những chuyên gia trong ngành cho hay, sản phẩm của các nhà sản xuất hàng fake ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. 

Ngay khi một mẫu xa xỉ phẩm được tung ra thị trường, họ sẽ cử người đến tận nơi xem trực tiếp hoặc mua sản phẩm chính hãng, từ đó tạo mẫu theo đúng mẫu mã đó.

Các chi tiết sẽ dần được tối ưu hóa, để cuối cùng là sản xuất hàng loạt và đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, bạn cần hết sức cảnh giác với những lời chào mời ''hàng tuồn'', ''hàng nhập trực tiếp'' từ các shop bán hàng hiệu online.

Cô gái mua túi Chanel 82 triệu ở nơi có vẻ uy tín và cái giá phải trả-3

Theo Pháp luật bạn đọc