Sang Angola làm bác sĩ

Sau khi sinh con gái đầu lòng được 10 tháng ở Việt Nam, Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1990, quê Hải Dương) lại cùng chồng thu xếp trở lại Angola, để em bé lại cho ông bà nội ngoại chăm giúp.

Cô chấp nhận cuộc sống xa gia đình, xa quê hương để quay lại mảnh đất cằn cỗi ở Nam Phi lần thứ 2, tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của một lương y.

Hiện 2 vợ chồng Quỳnh đang làm chuyên gia y tế của bệnh viện ở tỉnh Cuanza Norte, Angola.

Cô gái theo chồng sang Angola, ngày chữa bệnh, tối làm nông dân-1
Vợ chồng anh Quyết - chị Quỳnh đang sống tại Angola

Trước đây, khi đang học ĐH Y Dược Hải Phòng, Quỳnh gặp và quen anh Nguyễn Xuân Quyết (SN 1990, quê Thanh Hoá). Quyết tốt nghiệp chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh còn Quỳnh là bác sĩ chuyên khoa mắt.

Tuy nhiên thời điểm ấy, gia đình Quỳnh không chấp nhận cho cả hai phát triển mối quan hệ yêu đương và thúc giục chị sang Angola để tách họ ra. Nhưng khi Quỳnh chưa kịp đi thì Quyết đã đi trước.

Chàng rể tâm sự: "Lúc đó 2 vợ chồng mới ra trường, bị phía nhà vợ cấm không cho yêu nhau và muốn vợ sang Angola để tách cả hai ra. Nhưng không ngờ là mình đã 'đi ngầm' trước đó rồi.

Sau khi qua được 10 tháng thì Quỳnh bay sang. Khi 2 đứa sang đến nơi thì lúc đó cả hai gia đình mới phát hiện ra".

Quỳnh cũng cười mỉm khi nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó: "Lúc đó tuổi trẻ mà. Mình sang khám phá mọi thứ, cũng sợ nhưng cảm thấy hứng thú nhiều hơn".

Cặp đôi đăng ký theo diện tự nguyện sang Angola làm việc theo chương trình hợp tác của Bộ Y tế.

Cô gái theo chồng sang Angola, ngày chữa bệnh, tối làm nông dân-2

Trước khi đi, hai vợ chồng Quỳnh đã phải mất một năm để chuẩn bị từ việc học tiếng Bồ Đào Nha, kỹ năng sinh tồn trong môi trường địa lý, thời tiết khắc nghiệt...

Cô gái Hải Dương chia sẻ, ở Angola sợ nhất hai thứ: Một là cướp bóc, hai là bệnh sốt rét. Bản thân Quỳnh mới qua cũng đã trải qua 2 lần mắc phải căn bệnh nguy hiểm, thế nên chị thường vẫn đùa rằng bản thân thấy "sợ ốm" hơn là sự thiếu thốn về vật chất.

"Bản thân mình là bác sĩ thật nhưng bên này rất nhiều bệnh truyền nhiễm. Dù có phòng tránh mấy thì vẫn khó tránh khỏi. Đa phần ai qua đây cũng sẽ bị sốt rét 1 lần. Nếu ai sức đề kháng kém sẽ bị sốt rét 'vật' cho rất mệt", Quyết cho hay.

Ông bố trẻ cho hay, mức lương y tế bên Angola đứng cao hơn các ngành nghề khác. Tuy nhiên mức độ áp lực lại khó so sánh vì vật chất, nhân sự ở Angola vô cùng thiếu thốn, một người có thể phải "ôm đồm" nhiều việc.

Cô gái theo chồng sang Angola, ngày chữa bệnh, tối làm nông dân-3
Hai vợ chồng học cách hòa nhập tại Angola

Khi hết thời gian 3 năm công tác, Quyết về Hải Dương xin phép gia đình hai bên tiến tới chuyện làm đám cưới. Sau khi sinh bé gái đầu lòng, Quỳnh và Quyết lại lên đường sang Nam Phi, mặc sự lo lắng và ngăn cản của bố mẹ.

Bác sĩ hóa nông dân, "phủ xanh" vườn

Một ngày của vợ chồng Quỳnh bắt đầu từ 8h sáng đến 15h chiều. Tất cả các ngày trong tuần đều làm theo giờ hành chính, ngoài ra sẽ đăng ký theo ca trực.

Nhưng vì là bệnh viện duy nhất của tỉnh nên có nhiều ca cấp cứu ngoài giờ làm. Điện thoại của Quỳnh - Quyết luôn trong trạng thái 24/7 để "sẵn sàng" tới viện hỗ trợ.

"Ngần đó năm sinh hoạt có rất nhiều kỷ niệm, vui, buồn có rất nhiều. Người dân rất chào đón mình, đặc biệt họ rất thích bác sĩ. Dù chưa biết mình làm ở đâu nhưng nghe mình là bác sĩ, họ thích lắm, nhiệt tình, cởi mở. Với người Việt Nam lại càng niềm nở hơn.

Thi thoảng mình làm đồ ăn Việt, mời người dân Angola ăn như nem rán, các loại nộm, đồ chiên rán... Đa phần họ rất thích ăn nhưng cũng có một số không hợp", anh Quyết nói.

Cô gái theo chồng sang Angola, ngày chữa bệnh, tối làm nông dân-4
Vườn rau xanh của hai vợ chồng Quỳnh

Ngoài giờ làm, hai vợ chồng lại về chăm bẵm mảnh vườn nhỏ, trồng đủ loại cây trái, hoa quả ở Việt Nam. Từ rau muống, đậu, cà tím, bí cho tới ngô, lạc, mướp đắng, bắp cải, cà chua..., ngoài ra còn nuôi thêm cả đàn gà nhỏ.

Mảnh đất nhỏ cạnh nhà được Quyết dày công vun xới. Ngày khám chữa bệnh ở viện, chiều về, anh lại xắn quần, đeo đôi ủng xuống vườn cuốc đất. Nhờ kinh nghiệm trồng trọt và sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, rau trái xanh mướt, thu hoạch quanh năm.

"Chỉ có một số tỉnh nóng hơn chút thôi còn thời tiết ở Angola khá dễ chịu, mát mẻ nên thích hợp cho việc trồng trọt", Quyết nói.

Điều khiến Quyết lưu luyến nhất là sự chân chất của người dân nơi đây, tuy nghèo, thiếu thốn nhưng rất giàu tình cảm. Anh luôn tìm cách hỗ trợ họ ngoài giờ làm việc.

Quyết kể, anh quen một chàng trai Angola tên Atony, đông con nhưng nhà rất nghèo, cả nhà ăn chuối luộc quanh năm. Thương cảm cho hoàn cảnh nên Quyết nhiệt tình xuống giúp Atony, dạy anh cách trồng trọt, cách làm ăn, xây dựng một số công trình cho gia đình chàng trai nghèo.

Tình yêu dành cho đất nước, con người Angola giúp 2 vợ chồng trẻ nhen nhóm ý định thành lập một kênh YouTube, chia sẻ về văn hóa nơi đây. Tranh thủ ngày nghỉ và thời gian rảnh rỗi, anh Quyết lại quay video về cuộc sống của người dân Angola, đăng tải trên mạng xã hội.

Cô gái theo chồng sang Angola, ngày chữa bệnh, tối làm nông dân-5
Quyết mang bản sắc của Việt Nam đến với người dân châu Phi

Do dịch Covid-19 nên đã hơn 2 năm, Quỳnh và Quyết đều chưa về Việt Nam thăm nhà. Anh vẫn đùa vui rằng, con gái 3 tuổi đã "quên mặt" bố mẹ và giờ không còn đòi bế hay nhõng nhẽo mỗi khi gọi điện qua video nữa.

"Để con lại cho ông bà cũng áy náy, nhưng đành chấp nhận. Gia đình hai bên cũng trông ngóng con cái về nhưng biết công việc 2 vợ chồng là bác sĩ nên dù nhớ nhưng cũng không giục.

Giờ tụi mình vẫn chưa có dự định gì trong tương lai vì vẫn muốn ở đây để giúp đỡ cho y tế Angola một thời gian nữa. Y tế cần nhân lực và còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mong sẽ góp chút công sức nho nhỏ. Có lẽ 2 vợ chồng chờ con lớn thêm một chút sẽ về Việt Nam sau", Quyết cho hay.

Theo Trí Thức Trẻ