Bà Mai Thị Bốn (tên gọi khác là Ba, 75 tuổi, ở phường 2, quận 4, TP.HCM). Hiện bà đang làm cửu vạn ở chợ đầu mối quận Thủ Đức. 11 giờ khuya bà đi xe buýt đến chỗ làm. 9 giờ sáng hôm sau bà mới về nhà.
Đã tranh thủ ngủ trên xe buýt, vì thế, về đến nhà, tắm rửa xong bà dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị nấu bữa trưa cho con trai và con dâu đi làm về ăn.
Khi mọi việc xong hết, bà đi rửa tay, thắp nén hương cho người chồng quá cố. Ông mất đến nay đã hơn 30 năm.
"Tôi là vợ thứ ba của ông ấy. Chúng tôi gặp nhau rồi sống chung, có với nhau ba con, không đám cưới, không đăng ký kết hôn", nhìn vào di ảnh chồng trên bàn thờ, cụ bà nói.
Bà Bốn. Ảnh: Thảo Nguyên.
Bà Bốn quê huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Năm bà 5 tuổi mẹ qua đời. Nhà đông anh em, cuộc sống khó khăn, 9 tuổi bà nghỉ học đi làm giúp việc cho một gia đình ở Đà Nẵng.
Năm 1965, bà nhận được thư của bố bảo về nhà gấp để lấy chồng. Bố bà và gia đình làng bên đã gả con cho nhau.
Nhà bên kia làm nghề chăn nuôi heo, có nhiều ruộng vườn, lại đông anh em. Người bà lấy làm chồng là con trai đầu. Phía sau, 9 người em đang tuổi đi học.
Không đồng ý nhưng bà vẫn bỏ việc về nhà theo ý bố. Tuy nhiên, bà vạch kế hoạch sẽ bỏ trốn để phản đối quyết định của bố.
"Đi làm giúp việc từ nhỏ, tôi chỉ làm những công việc: nấu ăn, lau nhà, giặt quần áo, trông em bé. Nhà họ đông con, còn nuôi heo nhiều, tôi sợ mình sẽ khổ", cụ bà giải thích về quyết định hủy hôn của mình.
Hằng ngày, bà Bốn đi làm lúc 11 giờ khuya, trở về nhà vào 9 giờ sáng hôm sau. Ảnh: Thảo Nguyên.
Ở quê, gia đình bà Bốn và chú rể chia nhau đi tìm cô dâu nhưng chẳng thấy, phải thông báo cho khách mời dừng đám cưới. "Bố tôi rất giận. Ông đã từ tôi luôn. Lúc nhắm mắt, ông ấy dặn các con, không cho tôi để tang", bà Bốn hối hận vì làm bố buồn.
Trước đó, chỉ còn mấy hôm nữa đám cưới diễn ra, bà nói dối gia đình đến nhà bạn chơi rồi bắt tàu vào TP.HCM trốn. "Tôi chưa đi Sài Gòn bao giờ. Tôi cũng không có bạn bè, người thân ở đó, nhưng tôi vẫn vào một mình. Phải đi thật xa mới không bị bố bắt về lại", bà Bốn nhớ lại.
Đến ga tàu TP.HCM, bà bị mất toàn bộ hành lý, giấy tờ tuỳ thân và tiền phòng thân. Đói, không có chỗ ở, cô gái trẻ phải đi xin ăn, tối ngủ ở ga tàu. Xin ăn ngày thứ nhất, ngày thứ hai bà bị đánh vì dám tranh địa bàn.
"Người ta vu cho tôi trộm đồ. Họ đánh cho tôi phải khai. Nhưng tôi đâu có lấy mà thừa nhận", bà Bốn kể.
Lúc đó, ông Bình đang có hai người vợ. Khi đến ga tàu gặp bạn, ông thấy một cô gái là bà Bốn tay bị trói, đang bị một nhóm người "ăn hiếp". Hỏi những người xung quanh, ông biết được cô gái mới từ nơi khác đến nên giải cứu.
Bà Bốn cho biết, dù tuổi cao, nhưng được đi làm bà thấy thoải mái, sức khỏe tốt hơn. Ảnh: Thảo Nguyên.
Sau đó, ông thuê phòng cho bà ở, đưa tiền để bà trang trải cuộc sống. Cảm động trước lòng tốt của người đàn ông lạ, bà theo ông về làm vợ lẽ khi mới đến thành phố hơn một tuần. "Đến với ông ấy là do tôi tự nguyện", bà Bốn nói.
Chồng mất sớm, phải một mình làm nghề cửu vạn nuôi ba con nhỏ, cuộc sống người phụ nữ quê Quảng Nam cứ thiếu trước hụt sau. Hơn 45 năm kể từ ngày tha phương, bà chỉ về quê khoảng 3-4 lần.
"Nhiều lúc, tôi muốn về quê để xin lỗi bố, các anh chị trong nhà nhưng cứ phải lo cái ăn cho các con, tôi không thực hiện được dự định. Bố mất rồi, tôi mới về. Chắc có lẽ, ông ấy giận tôi nhiều lắm", cụ bà năm nay bước qua tuổi 75 nói buồn.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân (Tổ phó Tổ 2, Khu phố 1, P.2 Q.4, TP.HCM) cho biết, bà Bốn là người sống vui vẻ, hòa đồng với hàng xóm và những người xung quanh. Hơn 30 năm qua, mất chồng sớm nhưng bà vẫn ở vậy nuôi con.
Bà Vân cũng cho biết, hiện gia đình bà Bốn đang là hộ cận nghèo của phường. Phía ủy ban phường đang có chương trình hỗ trợ để bà Bốn sửa lại căn nhà đang ở.
Theo Vietnamnet