"Bấn loạn tinh thần ở thể nhẹ"
Louis Colin, học sinh cấp 3 sống tại Nancy, thành phố ở phía bắc, cách Paris 300 km, vẫn còn chưa hết sốc sau khi nhìn thấy những thi thể người tại hiện trường các vụ đánh bom.
Mẹ cậu bé, bà Laurence Colin, một y tá chia sẻ, mấy ngày nay, cậu không muốn đi học đàn, không muốn chơi thể thao, mặc dù từ trước đến nay, cậu vẫn là người yêu thích âm nhạc và ham thể thao.
Cậu bé đang bị bấn loạn tinh thần ở thể nhẹ, sau những gì xảy ra tại Paris.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hằng , một người Việt đang sống tại Paris, cho biết, nhà chị thường đi chợ vào thứ 7 để mua thức ăn cho cả tuần, nhưng khi nghe tin khủng bố, một phần sợ, một phần ngại, chị quyết định lùi lại 2 ngày sau mới ra siêu thị để tránh nguy hiểm.
Chị Huyền, chủ một quán ăn Việt Nam ở Toulon thì thở phào kể lại, con gái chị, sinh viên đang theo học tại Paris, rất hay đến quán Le Petit Cambodien để ăn uống tụ tập cùng bạn bè.
Sắp tới sinh nhật, em định rủ bạn bè tới quán đó, nhưng vì bị mất giấy tờ, nên tranh thủ dịp cuối tuần về nhà tổ chức sinh nhật với gia đình và làm lại giấy tờ.
Vậy là, chiều thứ 6 ngày 13, cô sinh viên Việt Nam lên tàu về Toulon, thì tới tối ngày 13 xảy ra vụ xả súng vào chính địa điểm này.
Chị Huyền nói rằng, nếu con gái chị không về Toulon mà tụ tập bạn bè ở quán đó thì không biết có giờ sống chết ra sao.
Ông Maurice Dréance , sống tại Palaiseau, thị trấn ngoại ô Paris thì cho biết, sáng ngày 14/11, trung tâm thương mại sầm uất vào bậc nhất của vùng, bình thường rất đông người qua lại, nay vắng hoe, không một bóng người.
Khu chợ trời, nơi ông tới mua thực phẩm và rau quả tươi ngày chủ nhật cũng vắng vẻ hơn nhiều so với mọi cuối tuần khác. Ông nói rằng, giờ đây, mặc dù nhiều cửa hàng đã bắt đầu mở cửa trở lại nhưng trên đường phố, người đi lại vắng vẻ hơn.
Lịch đi chơi của vợ chồng anh Quốc Anh (quận 13, Paris) - vốn được bạn bè đặt cho biệt danh "thần đi chơi" vì rất thích khám phá văn hóa, lễ hội, du lịch, hiện tại đang bị rối loạn vì nhiều hoạt động tập thể, tổ chức đông người ở Paris đã bị hủy bỏ.
Binh sĩ Pháp tuần tra tại khu vực tháp Eiffel sau các vụ khủng bố.
Nhạy cảm với còi báo
Hương Mai , nhân viên siêu thị Leclerc - hệ thống siêu thị bán đồ ăn có thị phần lớn nhất nước Pháp kể, hiện tại, ở nơi cô làm, mọi người đều nhạy cảm với các loại còi báo.
Buổi sáng hôm thứ 2, cả siêu thị đứng tim khi nghe tiếng còi hú trong thang máy, nhân viên bảo vệ từ khắp nơi chạy tới. Hóa ra, anh kỹ thuật viên thang máy đến làm bảo trì, nên phải kiểm tra xem còi báo nguy hiểm có làm việc bình thường hay không.
Cháu Nguyễn Thành Đạt , 8 tuổi, con một giảng viên người Việt tại trường Đại học Toulon (phía Nam nước Pháp) cũng bỏ hẳn thói quen theo mẹ đi siêu thị vì sợ khủng bố.
Cậu bé lo lắng nói, ở lớp có bạn bảo hôm nay tại trung tâm thương mại Mayol, ngay tại trung tâm thành phố Toulon, có còi báo nguy hiểm. Mặc dù chỉ là còi báo, không phải thật, nhưng cháu không muốn tới chỗ đông người.
Các biện pháp an ninh vẫn đang tiếp tục được thắt chặt tại các cơ quan, công sở, trường học tại Pháp.
Ở các trường mẫu giáo ở Toulon, trước kia phụ huynh đưa con vào tận lớp học, nhưng bây giờ họ chỉ đưa con tới sân trường, học sinh tập trung một góc rồi cô giáo dẫn vào lớp.
Tại Pháp có dịch vụ garderie (trông giữ trẻ nhỏ) trước và sau giờ học chính, cổng trường luôn mở, phụ huynh vào tận lớp học để đưa hoặc đón con.
Thế nhưng, bây giờ cổng trường lúc nào cũng đóng, phụ huynh muốn đưa đón con thì phải bấm chuông trước cổng trường, nhà trường cho người ra đón hoặc dẫn các bé ra.
Sinh viên hay giáo viên, nếu muốn đi qua cổng trường đại học đều phải xuất trình giấy tờ qua hai lần bảo vệ, sinh viên nào mang kéo hay có bấm móng tay sắc nhọn đều phải bỏ lại trước khi vào lớp.
Người dân đến đặt hoa tại nhà hàng Carillon, một trong những địa điểm xảy ra bị khủng bố tấn công.
Chị Ngô Ngọc Anh , làm việc gần nhà hàng nơi những kẻ khủng bố xả súng bắn chết 18 người ở Paris, chia sẻ trên Facebook cá nhân:
" Hơn hai ngày sau cuộc thảm sát đẫm máu, ngồi trong văn phòng, cách nhà hàng nơi 18 người vô tội đã thiệt mạng chỉ vài trăm mét, thỉnh thoảng nghe tiếng còi xe cảnh sát vọng lại.
12 h trưa, vượt qua nỗi sợ, bước ra khỏi văn phòng đến nhà hàng, nơi trước đây đã nhiều lần đến ăn trưa để thắp một ngọn nến tưởng nhớ các nạn nhân.
Những người mặc đồ đen đứng kín vỉa hè, càng gần đến nơi thì càng đông hơn nhưng tất cả đều lặng lẽ. Những giọt nước mắt âm thầm rơi từ những gương mặt đủ mọi màu da, lứa tuổi...
Chỉ hơn 2 ngày trước, nơi đây còn có những con người vui vẻ cùng nhau thưởng thức ly rượu, thức ăn ngon.... giờ đây chỉ còn vết đạn lỗ chỗ.
Hôm thứ 7, khi thấy bố và anh chuẩn bị đi hiến máu, con gái ngây thơ hỏi, tại sao người ta không truyền máu để cứu những người đã chết?.
Con gái yêu quý, người ta không thể làm được gì để cứu những người đã chết, nhưng với những người còn sống, hãy hành động, hãy cùng sống yêu thương.
Theo nguồn tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, ngay sau vụ khủng bố, Đại sứ quán đã mở 2 đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về công dân Việt Nam tại Pháp bị ảnh hưởng do vụ thảm sát.Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, không có thiệt hại nào về người và của đối với người Việt trong vụ khủng bố Paris ngày 13/11.
Về cơ bản các hoạt động tại Đại sứ quán vẫn diễn ra bình thường, có tính đến phương án an ninh phụ trợ như tăng cường thêm lực lượng an ninh hoặc thông báo với phía Pháp để có sự hỗ trợ khi cần thiết.Theo nguồn tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, ngay sau vụ khủng bố, Đại sứ quán đã mở 2 đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về công dân Việt Nam tại Pháp bị ảnh hưởng do vụ thảm sát.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, không có thiệt hại nào về người và của đối với người Việt trong vụ khủng bố Paris ngày 13/11.
Về cơ bản các hoạt động tại Đại sứ quán vẫn diễn ra bình thường, có tính đến phương án an ninh phụ trợ như tăng cường thêm lực lượng an ninh hoặc thông báo với phía Pháp để có sự hỗ trợ khi cần thiết.