Câu chuyện đau xót

Những ngày qua, câu chuyện về cô gái 22 tuổi Nguyễn Thùy Dung bị chồng thiêu sống khiến dư luận dậy sóng. Từ một cô gái xinh đẹp hơn người, Dung trở nên biến dạng vì những vết bỏng xăng nặng, khiến người nhìn không tránh khỏi thương tâm. 


Nhan sắc bị hủy hoại của Nguyễn Thùy Dung sau khi bị chồng thiêu sống. 

Ám ảnh cuộc sống hiện tại của Dung sau khi bị chồng nhẫn tâm thiêu sống.

Câu chuyện bắt nguồn từ mâu thuẫn nhiều năm giữa hai vợ chồng Dung. Dung và anh Nguyễn Văn Thành (SN 1991, trú thôn Bạch Thạch, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lấy nhau sớm và đã có hai mặt con. Từ khi lấy nhau, anh Thành sinh chứng ăn chơi và thường xuyên đánh vợ. Không chịu đựng được, Dung đã quyết tâm ly hôn nhưng chồng không chịu. Do không thuyết phục được vợ, anh Thành đã lén mua xăng và đốt vợ ngay mùng 2 Tết Âm lịch 2016. 

Sáu tháng qua, Dung phải đối mặt với cuộc sống kinh hoàng, vô vàn khó khăn với những cơn đau gặm nhấm từng ngày do bỏng gây ra. Thậm chí, đứa con gái út 19 tháng tuổi mỗi lần nhìn thấy mẹ lại khiếp sợ xua đuổi. Vợ chồng Dung hiện tại chưa ly dị, nhưng Dung đã về ở hẳn với mẹ đẻ. Nghĩ thương con, mẹ đã như này, bố lại đi tù nữa thì tội quá nên không khởi kiện. Nhưng đến giờ, gia đình chồng gần như không quan tâm gì đến cô nữa.

Người mẹ ruột tuổi đã cao bỏ hết công việc để chăm lo cho Dung mỗi ngày. 

Cảm thương hơn cho lòng cam chịu

Câu chuyện cảm động về Nguyễn Thùy Dung khiến người nghe cảm thấy xót xa, và cũng trăn trở hơn về lòng cam chịu của người phụ nữ. Là người bị hại để rồi phải sống với những cơn đau do hình hài biến dạng, nhưng sự cam chịu vẫn là điều thấy được ở Dung. Có thể sẽ có người chê trách sự "ngu dại" ấy. Nhưng ở một góc độ nào đó, cam chịu để đổi lấy một sự bình yên.

Chỉ vì thương con nhỏ phải bơ vơ khi bản thân bệnh nặng, bà ngoại nghèo khó, Dung không đành lòng khởi kiện để đưa chồng vào tù. Hiện tại, chồng và gia đình nhà nội đang nuôi nấng hai đứa nhỏ. Nhưng còn đáng trách là, người gây ra hậu quả "tày trời" giờ lại chẳng quan tâm đến cô nữa. 

Phụ nữ là thế, họ thường nói rằng "lấy chồng lãi mỗi đứa con". Câu nói tưởng như đùa nhưng với nhiều người đó lại là sự thật. Đôi khi, hạnh phúc khi được làm mẹ, sự yêu thương, đùm bọc cho những đứa con khiến phụ nữ hay yếu lòng và chịu đựng tất cả những áp lực. Trong xã hội hiện nay, chắc chắn không chỉ có một, mà còn nhiều "Nguyễn Thùy Dung" nữa - những người phụ nữ cam chịu và quên đi chính bản thân mình. 

Có những người phụ nữ chỉ cam chịu tới một giới hạn nào đó, nhưng cũng có những người cam chịu "mù quáng" và nguyện sống trong nỗi đau khổ, dày vò do bạo lực, mâu thuẫn gia đình gây ra. Đáng trách mà lại đáng thương. Trách vì sự "mù quáng" vô độ, nhưng lại càng thương hơn cho đức hy sinh, cố giữ lấy hơi ấm hạnh phúc nhỏ nhoi trong những giờ phút cuối cùng. 

Tiếp tục một hồi chuông về bình đẳng giới

Trong một gia đình, vợ chồng phải bình đẳng và thấu hiểu cho nhau. Xã hội hiện đại đã không còn ủng hộ tư tưởng "trọng nam, kinh nữ" nữa. Đàn ông cần bác bỏ tư duy "gia trưởng", tự cho mình quyền đánh đập vợ con và xử lý toàn bộ những mối quan hệ khác nhau trong gia đình. Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng phải hiểu chồng và có tiếng nói cá nhân trong những mâu thuẫn. 

Hãy giải quyết những tranh cãi, mâu thuẫn chung bằng những lời nói tôn trọng dành cho nhau. Bởi vì cái sai cố chấp từ một phía (hoặc cả hai phía) chính là nguyên nhân của những cơn cuồng nộ, bạo lực nguy hiểm. Mà câu chuyện về cô gái Nguyễn Thùy Dung chính là một ví dụ điển hình. Cái giá của sự nổi điên của người chồng đã được trả bằng những vết thương tràn lan, phá hủy toàn bộ dung nhan của người vợ. 

Có cái sai có thể sửa chữa, nhưng có cái sai để lại nỗi đau và những khoảng trống không thể lấp đầy. Trong cuộc sống gia đình, hãy thử đặt mình vào vị trí của người còn lại dù chỉ một lần, để biết rằng hạnh phúc không thể tự nhiên mà có. 

Tít 
Theo Vietnamnet